Nhân dân vùng ven biển Tam Kỳ, Thăng Bình, Núi Thành khẩn trương chạy bão

HỮU PHÚC - XUÂN NGHĨA 09/11/2013 15:29

  • Hiến máu chuẩn bị ứng phó, cứu nạn trong bão
  • Ứng phó với bão số 14: Người dân lo dự trữ thực phẩm
  • Hối hả đối phó với bão Haiyan
  • Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải chỉ đạo di dời, sơ tán dân ứng phó bão số 14 tại Núi Thành
  • Toàn cảnh bão số 14

(QNO) - Hơn 10 giờ 9.11, sau khi kiểm tra công tác chuẩn bị đối phó với bão Haiyan tại nhà máy sản xuất ô tô thuộc Công ty Cổ phần sản xuất và lắp ráp ô tô Trường Hải – Chu Lai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn đã đến thị sát âu thuyền tránh bão An Hòa, thuộc xã Tam Quang (Núi Thành). Toàn bộ việc di chuyển, neo đậu tàu thuyền của ngư dân huyện Núi Thành đã thực hiện nghiêm túc. Phó Chú tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, rút kinh nghiệm từ những cơn bão trước, lần này chính quyền tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó với bão Haiyan. Có mặt tại hiện trường, phóng viên ghi nhận, gần 11 giờ trưa, việc đưa phương tiện vào tránh bão an toàn của ngư dân đã hoàn tất. Không có trường hợp ngư dân nào cho tàu thuyền di chuyển trên sông, biển. Những ngư cụ, tài sản có giá trị trên tàu cũng được đưa vào bờ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn thị sát và chỉ đạo đối phó với bão Haiyan tại âu thuyền An Hòa, Núi Thành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn thị sát và chỉ đạo đối phó với bão Haiyan tại âu thuyền An Hòa, Núi Thành. Ảnh: Hữu Phúc

12 giờ trưa nay, từ thanh niên, người già đến trẻ em của các xã ven biển thuộc huyện Núi Thành và TP.Tam Kỳ khẩn trương chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền và thu xếp đồ đạc để chuẩn bị cho một cuộc di tản lớn nhất từ trước đến nay trước khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào đất liền. Tại khu dân cư Lộc Đông (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành), chỉ cách bờ biển hơn 500m, cảnh tượng người người đổ xô ra các nổng cát trắng ven biển để xúc cát đổ vào bao tải chở về chần lên mái nhà.

Chị Trần Thị Thơ (41 tuổi ở khu dân cư Lộc Đông) nói: “Chồng đi làm biển ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang) không về kịp, nên mấy mẹ con ở nhà phải xúc cát đổ vào bao tải kéo lên mái nhà để chần tôn”. Trong khi đó, người dân địa phương cho biết, hơn 20 năm nay, họ chưa từng nghe có cơn bão nào được dự báo là khủng khiếp như bão số 14 hết.

Tại âu thuyền Phước Lộc - xã Tam Tiến, lúc 12 giờ trưa 9.11, hàng trăm ngư dân đã đưa khoảng 70 phương tiện tàu, thuyền neo đậu. Ngư dân Trần Văn Nhựt nói: “Toàn bộ tàu thuyền ở xã Tam Tiến gần như được đưa vào âu thuyền này trú bão. 13 giờ chiều nay theo thông báo tất cả người dân ở đây phải di dời lên Tam Kỳ tạm thời trú bão. Nhưng, thanh niên chúng tôi chỉ muốn để phụ nữ, trẻ em và người già sơ tán, còn đàn ông thì ở lại lo giữ tài sản, nhà cửa”. Ở xã ven biển Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, các lực lượng dân quân tự vệ và bộ đôi đã đồng loạt ra quân để giúp các gia đình không có  đàn ông chằng chống nhà cửa. Không khí đối phó với bão diễn ra rất gấp gáp. Chính quyền xã xã Tam Tiến thông tin, đúng 14 giờ chiều nay các xe ô tô của quân đội sẽ xuống địa bàn di chuyển dân địa phương lên TP.Tam Kỳ tránh bão Haiyan. Còn người dân xã Tam Thanh sẽ được đưa lên Trường Quân sự tỉnh, đóng tại xã Tam Phú tạm tránh bão.

Sinh viên tình nguyện trường Đại học Quảng Nam giúp người dân trú bão. Ảnh: VĨNH YÊN
Sinh viên tình nguyện trường Đại học Quảng Nam giúp người dân trú bão. Ảnh: VĨNH YÊN

Trong khi đó, sáng 9.11, rất nhiều người dân các xã Bình Phục, Bình Triều, Bình Minh... (Thăng Bình) chen lấn mua bao lát để dựng đất về chằng chống nhà cửa tại tiệm buôn Tiên Giáo ở ngã tư Hà Lam (Thăng Bình).

Dọc hai bên đường quốc lộ 14E về vùng Đông, nhà nhà cùng nhau đưa bao cát, cột dây chằng chống lại nhà cửa trước khi bão đổ bộ vào. Tại xã Bình Minh, lực lượng Đồn Biên phòng Bình Minh đang khẩn trương giúp các cô giáo Trường mẫu giáo Bình Minh tháo mái tôn sắp gọn gàng vào góc trường. Cô Phạm Thị Khánh Ngân, Hiệu trường mẫu giáo Bình Minh nói, thấy dự báo bão giật cấp 13-14, trường toàn cô giáo nên phải nhờ Đồn biên phòng giúp đỡ nhằm bảo vệ tài sản cho trường. Ngoài ra, các cô giáo tự tay dọn dẹp lại các phòng học từ chiều 8.11, để cho nhân dân đến trú bão vào tối nay.

Để phòng, chống có hiệu quả bão Haiyan, sáng 9.11, ông Lê Văn Lai - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nam tỉnh cùng Bí thư Huyện ủy Phan Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Nguyễn Văn Ngữ đã về các xã vùng Đông thị sát, kiểm tra công tác chỉ đạo, phòng, chống bão của UBND các xã  đối với. Chủ tịch Nguyễn Văn Ngữ cho biết, đây là cơn bão theo dự báo rất mạnh nên lãnh đạo huyện đã phân công cán bộ đứng điểm tại các xã trên địa bàn huyện, phối hợp các lực lượng chức năng nhanh chóng ứng cứu, di dời dân khi có lệnh. Để ứng phó với bão số 14, tại các xã Bình Minh, Bình Dương, Bình Hải, Bình Nam, lực lượng bộ đội biên phòng, và ban chỉ huy quân sự tỉnh đã cử 130 cán bộ, chiến sĩ  có mặt từ sáng 9.11, để giúp dân đào hầm trú bão, chằng chống nhà cửa.

Thượng tá Nguyễn Viết Thắng, Đồn trưởng đồn Biên phòng Bình Minh cho biết, sau khi nhận chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đơn vị đã triển khai nhanh công tác phòng, chống bão tại đơn vị, Ngoài ra, đơn vị đã bố trí 8 đồng chí về 4 xã ven biển nằm trong địa bàn đơn vị quản lý cùng địa phương làm tốt công tác di dời và thành lập 1 tổ công tác gồm 12 đồng chí do đồng chí Đồn phó Quân sự chỉ huy, khi có lệnh sẽ nhanh chóng triển khai ứng cứu. Có mặt tại vườn ông Trương Đỡ (85 tuổi, tổ 3, thôn Hà Bình, xã Bình Minh, khi lực lượng biên phòng đang hỗ trợ gia đình ông trú bão, ông Đỡ cảm động nói, nhờ có bộ đôi giúp đỡ nên hầm trú bão đã hoàn thành sẽ chứa được 30 người, có chỗ trú bão các người già và trẻ em trong xóm sẽ có nơi trú bão an toàn bà con cám ơn các chú biên phòng nhiều lắm.

Không chỉ có nhà ông Đỡ đào hầm trú bão, từ 5 giờ sáng ông Huỳnh Ngọc Ánh cùng 8 gia đình tham gia đào hàm trú bão sau vườn nhà. Bà Nguyễn Thị Phúc đang nhanh tay cho cát vào bao để chèn xung quanh hầm, bà Phúc bảo mấy khi bao cát 1.500 đồng/1bao, nay nhiều người mua bao, nay xã Bình Minh hết bao, phải lên xã Bình Đào và thị trấn Hà Lam để mua với giá từ 3.000 – 4.500 đồng/1 bao. Trên đường quốc lộc 1 hướng vào Tam Kỳ, tại xã Bình Tú, Bình Trung, Bình An, người dân đang tất bật chằng lại mái tôn. Xe lội nước của Lữ đoàn tăng thiết giáp 574 đóng tại Hương An (Quế Sơn) đang hướng vào Núi Thành chống bão, Thiếu úy Nguyễn Văn Long cho biết, nhận được chỉ thị của Quân khu 5, đơn vị cử xe vào Sư đoàn 315  để túc trực phòng, chống bão. Không khí hối hả, lo âu của người dân đã hiện lên từng gương mặt mà phóng viên Báo Quảng Nam đã gặp trên đường về lại Tam Kỳ, mới thấy bão khủng khiếp chừng nào khi một năm mới sẽ về sau bão.

Dưới đây là chùm ảnh phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận được tại các vùng ven biển Quảng Nam.

Người dân xã Tam Thanh dùng bao tải cát chần nhà.
Người dân xã Tam Thanh dùng bao tải cát chần nhà. Ảnh: Hữu Phúc
Ngư dân xã Tam Tiến dùng can mua xăng dầu chuẩn bị đối phó với những ngày bão..
Ngư dân xã Tam Tiến dùng can mua xăng dầu chuẩn bị đối phó với những ngày bão. Ảnh: Hữu Phúc
Đưa thúng chai lên bờ tránh bão.
Đưa thúng chai lên bờ tránh bão. Ảnh: Hữu Phúc
 Cán bộ chính quyền xã dùng loa di động thông tin liên tục về hướng di chuyển của bão Haiyan.
Cán bộ chính quyền xã dùng loa di động thông tin liên tục về hướng di chuyển của bão Haiyan. Ảnh: Hữu Phúc
Xe lội nước Lữ đoàn tăng thiết giáp 574 chuẩn bị cho phòng, chống bão.
Xe lội nước Lữ đoàn tăng thiết giáp 574 chuẩn bị cho phòng, chống bão. Ảnh: Xuân Nghĩa
Gia đình ông Huỳnh Ngọc Ánh tổ 9, thôn Hà Bình đào hầm trú bão cho bà con. Ảnh: Xuân Nghĩa
Gia đình ông Huỳnh Ngọc Ánh tổ 9, thôn Hà Bình đào hầm trú bão cho bà con. Ảnh: Xuân Nghĩa
Bộ đội Biên phòng đưa tàu lên bờ tránh bão cho ngư dân thôn Hà Bình (Bình Minh). Ảnh: Xuân Nghĩa
Bộ đội Biên phòng đưa tàu lên bờ tránh bão cho ngư dân thôn Hà Bình (Bình Minh). Ảnh: Xuân Nghĩa
Ông Trương Đỡ (85 tuổi) bên căn hầm trú bão do biên phòng đào giúp. Ảnh: Xuân Nghĩa
Ông Trương Đỡ (85 tuổi) bên căn hầm trú bão do biên phòng đào giúp. Ảnh: Xuân Nghĩa

HỮU PHÚC - XUÂN NGHĨA

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân dân vùng ven biển Tam Kỳ, Thăng Bình, Núi Thành khẩn trương chạy bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO