Hôm nay 3.8, tại Núi Thành diễn ra hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị di sản địa chất tại huyện Núi Thành, Quảng Nam”. Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện những yếu tố địa hình, cấu trúc địa mạo… cũng như tiềm năng phát triển du lịch của địa phương.
![]() |
Đường quê Tam Hải. Ảnh: PHƯƠNGTHẢO |
Nét độc đáo khác biệt
Theo TS. Nguyễn Tiến Túy - Hội Địa chất TP.Hồ Chí Minh, khu vực các xã Tam Hải, Tam Quang và lân cận thuộc huyện Núi Thành lộ các đá biến chất cổ tạo thành các vách đá, ghềnh đá, đảo nổi, rạn đá nổi và chìm rất đa dạng, đẹp mắt, như ở khu vực núi Bàn Than, hòn Mang, hòn Dứa (xã Tam Hải) và Bãi Rạng (xã Tam Quang). Ngoài ra các diện lộ đá biến chất cổ rất rộng rãi, đá lộ khá tươi mới không bị phủ bởi đất phong hóa, lưu giữ rất tốt thành phần, sự phân bố và quan hệ các tập đá khác nhau, các dấu vết kiến tạo như nếp uốn, khe nứt, đứt gãy… khá rõ ràng, là nơi lý tưởng cho hoạt động du khảo về địa chất, địa lý. Nhà địa chất Nguyễn Xuân Bao, hay Trịnh Long cho rằng, các đá biến chất cổ trong khu vực cùng với đá xâm nhập granit gneiss phức hệ Chu Lai tạo thành một tổ hợp đặc trưng cho hoạt động tạo núi Caledoni, đây là một hoạt động tạo núi có tính chất toàn cầu mà cho đến nay chưa được nghiên cứu thấu đáo. Với các đặc điểm về cảnh quan cũng như giá trị khoa học như trên, khu vực các xã Tam Hải, Tam Quang và phụ cận thuộc huyện Núi Thành xứng đáng là một di sản địa chất không chỉ ở tầm cỡ quốc gia mà còn có ý nghĩa ở tầm cỡ thế giới.
![]() |
Đo đạc hệ thống khe nứt trên đảo hòn Mang.Ảnh: Đ.Đ.C |
Nổi bật nhất trong cấu tạo địa chất ở Núi Thành phải kể đến xã đảo Tam Hải. PGS-TS. Ngô Văn Doanh (nguyên ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia) cho rằng, xã đảo Tam Hải nổi bật bởi những sắc thái rất riêng của mình. Là một xã đảo, nhưng Tam Hải lại không nằm ngoài biển, mà chỉ có một mặt giáp biển, còn ba mặt kia lại giáp sông. Những tiêu chí về địa chất, địa lý và địa giới hành chính đã xác định Tam Hải là vùng đất ven bờ chứ không ngoài biển. Thế nhưng, ngoài ba mặt liên kết và thông với đất liền của dải đồng bằng ven biển bằng dòng sông Trường Giang, Tam Hải còn có cả mặt phía đông là biển. “Với vị trí đặc biệt như vậy, nên khác với những hòn đảo lớn khác của Việt Nam, đảo Tam Hải có Cửa Lở là một đường cửa biển. Trong khi đó, vẫn như nhiều đảo khác ở miền Trung (Cù Lao Chàm, Lý Sơn…), Tam Hải được tạo thành nhờ sự nâng lên của địa hình đá gốc. Và vì vậy, Tam Hải cũng có nhiều thắng cảnh núi và biển như những đảo khác. Trong số đó, tuyệt vời nhất và nổi tiếng nhất ở Tam Hải là mũi Bàn Than, một khu vực dài hơn cây số chạy quanh một hòn núi nhỏ được tạo bởi những bàn đá đen lớn với các hình thù khác nhau và vô vàn những hình vẽ và hoa văn độc đáo có một không hai” - ông Doanh chia sẻ. Cũng theo ông Doanh, ngoài ghềnh Bàn Than ấn tượng về hình thù và vị thế, còn có các dải đá, đảo nhỏ như hòn Mang, hòn Dứa… Tuy cũng có màu đen như đá đảo Lý Sơn và một số địa điểm khác ở Quảng Nam và Quảng Ngãi, nhưng theo nhận định của các nhà địa chất trong chuyến đi nghiên cứu hồi tháng 7 vừa qua, đá của Bàn Than không phải là đá núi lửa, mà là đá gốc có tuổi đến 400 triệu năm, được đẩy nhô lên khỏi mặt biển qua một đợt kiến tạo địa chất. Có lẽ, những bàn đá đen thiên hình vạn trạng cùng các hình vẽ và hoa văn tuyệt mỹ diệu kỳ của Bàn Than là danh thắng địa chất, địa lý và thiên nhiên độc nhất vô nhị không chỉ của Quảng Nam mà còn của cả nước. “Trong lần đầu đến với Bàn Than, tôi đã thốt lên, có thể gọi vùng đảo này là “Tam Hải thạch họa” (tranh trên đá Tam Hải) và nói rằng, nếu chụp hay vẽ lại các bức tranh đá này có thể trưng bày thành cả một triển lãm lớn về tranh đá tự nhiên” - ông Doanh nói.
Tìm cách phát huy
Với cả yếu tố đồng bằng ven biển và yếu tố biển đảo, Tam Hải được nhìn nhận như một hòn đảo đặc biệt. Ngay từ xa xưa, Tam Hải là đất lành thuận lợi cho con người định cư và sinh sống lâu dài. Các di tích như hai giếng cổ Chiêm Thành, miếu thờ Ông Bà tổ đất người Chiêm, các ngôi chùa và miếu, nghĩa địa cá Ông… là những trang sử bằng các hiện vật và di tích về cuộc sống xưa nay của Tam Hải. Theo PGS-TS. Ngô Văn Doanh, ngoài ra, với địa thế vừa có cửa biển (Cửa Lở), vừa có sông Trường Giang - một trong những tuyến đường thủy huyết mạch của Quảng Nam, Tam Hải xưa kia có thể là một điểm dừng của tàu bè quốc tế trong “con đường tơ lụa trên biển”. Trong khi đó, ở góc độ địa chất, ông Vũ Văn Vĩnh - Hội Địa tứ - địa mạo Việt Nam cho rằng, các yếu tố địa hình, cấu trúc địa mạo có giá trị chính là các di sản địa chất. “Vùng Tam Hải, huyện Núi Thành có thể được công nhận là công viên địa chất toàn cầu, trong đó có 3 yếu tố địa hình lớn: dãy các đảo Bàn Than - hòn Dứa; bán đảo Tam Quang, vụng Tam Giang xứng đáng là các di sản địa chất” - ông Vĩnh nói.
![]() |
Tam Hải, Núi Thành, nổi bật với hệ địa chất đa dạng. Ảnh: Trần Công |
Trong khi đó, PGS-TS. Chu Văn Ngợi (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cùng với những tiềm năng về địa hình, địa mạo và các giá trị văn hóa nhân văn, Núi Thành có đầy đủ điều kiện để xây dựng khu du lịch hấp dẫn nằm trên tuyến du lịch biển đảo: Cù Lao Chàm - Núi Thành - đảo Lý Sơn, hoặc Hội An - Núi Thành - Bình Châu. “Nếu theo phương án xây dựng công viên địa chất, cần mở rộng phạm vi và cần nhận diện giá trị địa chất của các tổ hợp thạch kiến tạo trong hai thời kỳ lịch sử hình thành vỏ lục địa cổ nhằm đảm bảo quy mô đủ lớn để có đầy đủ cơ sở phát triển kinh tế du lịch” - ông Ngợi chia sẻ.
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, hội thảo lần này chọn giới thiệu về xã đảo Tam Hải, nơi có thể sẽ hội đủ điều kiện trở thành một công viên địa chất toàn cầu trong tương lai. Theo ông An, một viễn cảnh tốt đẹp khi xã đảo Tam Hải được công nhận là công viên địa chất toàn cầu sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo tại địa phương, bởi không ai khác mà chính người dân sẽ được hưởng lợi từ sự công nhận này. “Công viên địa chất toàn cầu sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị địa chất, văn hóa, lịch sử, có vai trò quan trọng trong củng cố an ninh biển đảo và của quốc gia” - ông An nói.
Nhận diện những giá trị đặc biệt của di sản địa chất tại Núi Thành cũng như tìm kiếm những hướng phát huy phù hợp, sẽ góp phần kích hoạt cho du lịch của những vùng đất phía Nam Quảng Nam…
SONG ANH