Sẽ không thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch. Tuy nhiên, nền kinh tế địa phương vẫn còn nhiều điểm sáng để “lội ngược dòng”, vượt qua cơn suy thoái vào chặng đường cuối năm.
Suy thoái... chưa phải là thảm họa
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng qua khá thất vọng khi giảm đến 9,2%. Chưa kịp gượng dậy sau cú sốc dịch bệnh lại “nhận thêm” cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và chiến sự Ucraina - Nga chưa biết bao giờ kết thúc đã đẩy doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy suy thoái mạnh.
Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp lâm vào suy giảm sâu nhất trong nhiều thập kỷ qua khi giảm đến 24,3%. Thu ngân sách chỉ 46,4%. Nhiều dự án nhà ở thương mại, đầu tư công chưa thể trở thành động năng tăng trưởng trước cơn suy thoái của nền kinh tế khi tỷ lệ giải ngân chỉ 20,6%.
Quy mô GRDP địa phương vẫn nằm trong nhóm các tỉnh thành có quy mô nền kinh tế lớn trên cả nước. Quy mô này đã được xếp 23/63 tỉnh, thành phố, vị thứ 5/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, xếp sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi, chiếm vị thứ 3/5 tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Thu ngân sách chỉ 46,4% dự toán vẫn đứng 11/63 tỉnh thành (xếp thứ 2/14 tỉnh, thành Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (sau Thanh Hóa) và đứng đầu bảng 5 tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm trong nhóm 10 tỉnh thành có tỷ lệ đóng góp về ngân sách Trung ương cao nhất cả nước (năm 2023 tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương 18%).
Thương mại dịch vụ, du lịch đang phục hồi mạnh mẽ với nhiều chương trình, sự kiện liên tục diễn ra trên khắp các vùng đất Quảng Nam. Nông lâm, thủy sản vẫn đang được định danh là khu vực trọng yếu, bệ đỡ của nền kinh tế khi tăng trưởng ổn định (tăng khoảng 3,7%). Dự kiến tỷ trọng của các khu vực này trong cơ cấu GRDP địa phương sẽ tiếp tục gia tăng.
Chủ tịch UBND Lê Trí Thanh nói, có rất nhiều khó khăn tác động đến kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương. GRDP sẽ không thể đạt là điều chắc chắn. Lý do là địa phương đã đặt mục tiêu tăng trưởng quá lớn, trong khi năng lực chống chịu của doanh nghiệp (tác động trực tiếp đến GRDP) suy giảm nặng nề. Khi đã âm 9,2% thì khó có thể đạt. Chỉ có thể cố gắng tối đa để đạt con số tăng trưởng dương cũng là điều tốt cho nền kinh tế.
Nhận diện điểm sáng chặng cuối năm
Sự suy giảm hiện tại không phải là thảm họa. Nền kinh tế địa phương vẫn có nhiều cơ hội để “lội ngược dòng”, có thể tăng trưởng dương. Ngày 8/7/2023, Trường Hải công bố dòng xe mới (New Mazda - CX5) với chất lượng nổi trội và giá bán “mềm” so với dòng xe SUV tương tự trên thị trường. Ông Đoàn Đạt Ninh - Phó Tổng giám đốc Thaco auto hy vọng thị trường ô tô lại sôi động, lượng xe bán ra sẽ gia tăng.
Ông Lê Trí Thanh cho biết, chính quyền đã làm việc và Trường Hải bày tỏ quyết tâm bằng mọi giá trên cơ sở các chính sách của Nhà nước sẽ bảo đảm thu đủ dự toán và sang năm sau sẽ có kế hoạch tiêu thụ xe mới.
Cục Thuế công bố ngay từ đầu tháng 7/2023, Trường Hải đã góp thêm hơn 1.000 tỷ đồng thuế, cao hơn nhiều so với bình quân của 6 tháng đầu năm. Sự kiện Trường Hải công bố ra mắt xe mới là tín hiệu vui của nền kinh tế địa phương.
Tăng trưởng hay thu ngân sách đều hy vọng khi số thuế từ doanh nghiệp này chiếm đến 62% dự toán nội địa. Nếu như Trường Hải nộp đủ dự toán như công bố thì số thuế thu chỉ riêng từ doanh nghiệp đã đến 11.445 tỷ đồng.
Một điểm sáng khác của nền kinh tế được nhìn thấy rõ khi sản xuất công nghiệp đã khởi sắc ngay trong tháng 6/2023. Cục Thống kê công bố, nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng mới. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng 6 đã tăng 23,1% so tháng trước (sản xuất động cơ tăng 74,2%).
Theo ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến chế tạo quý II thì có hơn 22% số doanh nghiệp được khảo sát nói tình hình sản xuất tốt hơn quý trước (40% ngành dệt, 29% sản xuất trang phục, 29% sản xuất chế biến thực phẩm và 50% doanh nghiệp sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất...), dự báo, đánh giá tình hình sản xuất sẽ tốt lên.
Xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ khả quan hơn, theo chiều hướng tích cực khi có đến 38% số doanh nghiệp được khảo sát dự báo trong quý III/2023 sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong, 12/18 địa phương đã đạt và vượt thu ngân sách rất cao. Các chính sách liên quan đến nới room tín dụng, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giãn thuế tiêu thụ đặc biệt... sẽ tạo động lực cho sự tăng trưởng của công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.
Có thể Trường Hải sẽ không thể tiêu thụ hết lượng xe đã đề ra như kế hoạch đầu năm, các tác động đến doanh nghiệp dù không lớn vì sức mua, dịch vụ, thương mại trên thị trường đã kiệt hay suy giảm, nhưng chắc chắn sẽ tác động tích cực đến thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế.
Không thể can thiệp vào các bất ổn chính trị thế giới hay nhu cầu thị trường, năng lực vượt thoát khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các cơ quan, địa phương nhanh chóng triển khai kế hoạch thực hiện một số chính sách, giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp thực tế địa phương. Gia tăng việc thi công, giải ngân dự án đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước.
“Khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Muốn phát triển sản xuất, kinh doanh, không còn cách nào khác là phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang hoạt động. Không thể kỳ vọng có thể tháo gỡ hết khó khăn trong đầu tư công hay nền kinh tế, nhưng ít nhất phải bằng tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước và thấy được sự vực dậy của nền kinh tế địa phương” - ông Lê Trí Thanh nói.