Từ năm 2013, Quảng Nam chủ trương chuyển đổi các trường phổ thông dân tộc nội trú (cấp THCS) thành mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) cấp 2 - 3. Vì sao có chủ trương này và mục đích chuyển đổi là gì; liệu có tạo ra sự không công bằng trong việc hưởng chế độ, chính sách của học trò?
|
Tạo nguồn cán bộ
giáo dục miền núi không giống với đồng bằng bởi ngoài việc dạy - học, học trò nơi đây cần có 2 nhu cầu bức thiết là điều kiện ăn và ở. Bởi vậy, để phát triển giáo dục miền núi, nhiều năm qua, việc tổ chức loại hình trường bán trú hay nội trú được tỉnh và chính quyền các huyện miền núi quan tâm. Hiện nay, mạng lưới trường bán trú, nội trú được phát triển khá rộng khắp tại các địa phương miền núi với 35 trường bán trú cấp tiểu học và THCS, 7 trường nội trú THCS (còn gọi là trường phổ thông DTNT huyện), 1 trường nội trú THPT (trường phổ thông DTNT tỉnh đóng tại Hội An). Tại đây, các em được nuôi ăn ở, học tập với chế độ, chính sách khá tốt. Có thể nói, các trường bán trú và nội trú thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu ăn học cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục ở các địa phương.
Với quyết định chuyển đổi thành trường phổ thông DTNT cấp 2 - 3, học sinh trường phổ thông DTNT huyện khi lên lớp 10 sẽ tiếp tục được hưởng chính sách DTNT.Ảnh: X.PHÚ |
Dù vậy, nhận thấy loại hình trường phổ thông DTNT huyện không còn phù hợp nữa với tình hình hiện nay, trong khi nhu cầu được hưởng đầy đủ chế độ ăn ở nội trú khi học lên THPT là cần thiết nên năm 2013, Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh thực hiện chủ trương chuyển đổi các trường phổ thông DTNT huyện sang mô hình trường có 2 cấp học gồm THCS và THPT. Với mô hình này, nhà trường không có các lớp 6, 7, 8, thay vào đó là 4 khối lớp 9, 10, 11, 12. Các em được hưởng chế độ ăn ở, học tập của loại hình trường DTNT trong suốt thời gian học tập tại trường. Đến nay, có 3 trường đã được chuyển đổi là Trường Phổ thông DTNT cấp 2 - 3 Nam Trà My, Phước Sơn và Nước Oa (Bắc Trà My).
Nói về chủ trương chuyển đổi, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Tấn Thắng cho rằng, trường phổ thông DTNT huyện là loại hình trường chuyên biệt do Nhà nước lập ra dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số và một số ít người Kinh sinh sống ở miền núi với mục tiêu là tạo nguồn đào tạo cán bộ cho địa phương. Dù vậy, thực tế thời gian qua, chỉ có từ 10 - 20% học sinh (HS) học xong tại trường phổ thông DTNT huyện được xét tuyển để theo học tiếp tại Trường phổ thông DTNT tỉnh (do phải nhận HS của các huyện miền núi nên không thể tuyển được nhiều hơn); hơn 80% số HS còn lại sẽ vào học tại các trường THPT ở địa phương. “Điều này cũng có nghĩa, sau 4 năm được Nhà nước nuôi ăn học từ A đến Z ở trường phổ thông DTNT huyện, 80% HS sẽ không còn được hưởng các chế độ, chính sách của nhà nước dành cho HS khi học lên THPT. Từ đó dẫn đến tâm lý hụt hẫng khiến nhiều em học sa sút, thậm chí bỏ học giữa chừng, gây lãng phí tiền của, công sức đầu tư. Đó là ý do chính dẫn đến chủ trương chuyển đổi trường phổ thông DTNT huyện thành trường DTNT cấp 2 - 3 nhằm giúp cho HS tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách để học tập tốt hơn, phục vụ mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ. Vả lại, khác với trước đây, nhu cầu học lên THPT hiện nay là rất lớn và yêu cầu đội ngũ cán bộ bây giờ phải tốt nghiệp THPT nên giảm chính sách hỗ trợ cho các em học THCS để ưu tiên cho THPT” - ông Thắng phân tích.
Nơi ăn ở nội trú của học sinh Trường Phổ thông DTNT cấp 2 - 3 Nam Trà My. |
Không công bằng?
Với mô hình trường phổ thông DTNT huyện và phương án tuyển sinh vào lớp 10 như lâu nay (10 - 20% được tuyển vào Trường Phổ thông DTNT tỉnh, còn lại vào học tại các trường THPT), rõ ràng đã có sự bất hợp lý trong đầu tư hỗ trợ học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà nước nuôi HS ăn học từ lớp 6 đến lớp 9, tuy nhiên lên lớp 10 thì “cắt” trong khi lẽ ra từ lớp này trở lên các em cần phải được hỗ trợ để học tập, địa phương cũng thực hiện được mục tiêu tạo nguồn cán bộ. Vì vậy, có thể nói việc đầu tư học tập cho HS người dân tộc thiểu số ở miền núi nhưng chưa “đến đầu đến đũa” tạo nên nhiều bất cập, làm giảm sút hiệu quả đầu tư. Vì lẽ đó, mục đích của việc chuyển đổi, nâng cấp trường phổ thông DTNT huyện lên thành trường phổ thông DTNT cấp 2 - 3 là đúng đắn và theo ông Thắng là “được lãnh đạo các địa phương ủng hộ nhiệt tình”. Tuy nhiên, thời gian qua tại một số diễn đàn như hội nghị Tỉnh ủy hay kỳ họp HĐND tỉnh đã có một số ý kiến bày tỏ sự băn khoăn khi thực hiện chủ trương này. Chẳng hạn, sẽ tạo ra mâu thuẫn, không công bằng khi cùng là HS đang học trên địa bàn huyện nhưng HS trường phổ thông DTNT cấp 2 - 3 được hưởng chế độ, chính sách của nhà nước như ăn ở, học bổng, còn các em HS trường THPT bên cạnh lại không có. Hơn nữa, mô hình trường cấp 2 - 3 từ lâu đã được xóa bỏ do quản lý không hiệu quả thì nay được thành lập trở lại sẽ khó cho công tác quản lý, nâng cao chất lượng dạy - học…
Không đồng tình với những nhận xét nêu trên, ông Thắng cho rằng, nếu nói các em phân bì hay bất hợp lý thì không chuyển đổi cũng đã có sự phân bì hay bất hợp lý rồi. Bởi cũng như các trường THCS khác trên địa bàn, thế nhưng HS trường phổ thông DTNT huyện lại được hưởng chế độ của nhà nước. Bản chất của sự việc là hỗ trợ cho con em miền núi nhưng thay đổi cách làm bằng cách dừng hỗ trợ các em học THCS để chuyển cho những em học THPT (tất nhiên HS các trường khác vẫn có chế độ nhưng ít hơn). Hơn nữa, mục tiêu ở đây là tạo nguồn đào tạo cán bộ nên chỉ tập trung hỗ trợ cho HS vốn trước đó đã học tại trường phổ thông DTNT huyện, nên không thể nói là có sự mất công bằng so với các em học tại trường THPT. Cũng theo ông Thắng, hiện nay mạng lưới trường lớp THCS ở địa bàn các xã phát triển khá mạnh nên cần chuyển các lớp 6, 7, 8 của trường phổ thông DTNT về các trường THCS ở địa phương để học tập. Trường phổ thông DTNT cấp 2 - 3 chỉ giữ lại lớp 9 bên cạnh các lớp 10, 11 và 12 để các em được hưởng chính sách (vì nếu không còn lớp 9 sẽ thành trường THPT). Quy mô của trường vẫn ổn định như khi chưa chuyển đổi với khoảng 350 HS, do vậy về mặt ngân sách nhà nước sẽ không tăng thêm nhưng cái lợi là HS THPT được ăn học tốt hơn, có điều kiện thuận lợi để thi vào các trường đại học, cao đẳng và đó là mục tiêu khi nhà nước đầu tư. Công tác quản lý cũng không có gì vướng mắc vì theo nguyên tắc cấp trên quản lý cấp dưới, giáo viên cấp trên dạy cấp dưới. “Đây là chủ trương rất tốt tạo điều kiện cho miền núi tạo nguồn cán bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ từ các địa phương. Tuy nhiên, thời gian tới còn phải xem xét lại nhu cầu và quy mô phát triển ở các huyện còn lại để chuyển đổi các trường bởi hiện tại các huyện có 2 trường THPT. Nếu nâng cấp trường phổ thông DTNT huyện, các huyện sẽ có 3 trường, liệu có đảm bảo được số lượng HS” - ông Thắng chia sẻ.
XUÂN PHÚ