Nhận diện những đột phá - Bài 3: Lời giải cho bài toán cử tuyển

XUÂN PHÚ Bài 4: Giáo dục đại học, cao đẳng: Đối mặt với nhiều thách thức 24/07/2014 08:24

Ngoài chính sách ăn ở nội trú dành cho học sinh (HS) phổ thông, con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn được quan tâm bằng chính sách cử tuyển để theo học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều bất cập trong công tác cử tuyển cần có lời giải.

  • Nhận diện những đột phá - Bài 1: Tuyển sinh vào lớp 10: Sáng tạo, linh hoạt
  • Nhận diện những đột phá - Bài 2: Mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú: Đằng sau một chủ trương nhân văn

Cử tuyển hơn 2.000 học sinh

Cử tuyển là chính sách tuyển sinh vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) mà thí sinh không phải trải qua kỳ thi tuyển sinh, đối tượng chủ yếu là dành cho HS con em đồng bào DTTS (ngoài ra còn có HS người Kinh sinh sống ở miền núi nhưng tỷ lệ không quá 15% so với tổng chỉ tiêu). Từ năm 1991, cử tuyển bắt đầu được triển khai nhằm đào tạo nguồn cán bộ cho các huyện miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Với điều kiện và khả năng học tập của mình, rõ ràng không có nhiều cơ hội cho HS người DTTS thi đậu ĐH, thậm chí CĐ cũng khá khó khăn. Thế nên, bằng con đường cử tuyển thì các em mới có nhiều hơn cơ hội để học ĐH, CĐ. Có thể nói, đây là chính sách mang nhiều ý nghĩa, vừa tạo điều kiện cho con em người DTTS có điều kiện học tập, vừa giúp cho địa phương có nguồn cán bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, cử tuyển đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ HS cũng như chính quyền các địa phương miền núi.

Học sinh người dân tộc thiểu số sẽ có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận với môi trường đại học khi được cử tuyển. Ảnh: X.PHÚ
Học sinh người dân tộc thiểu số sẽ có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận với môi trường đại học khi được cử tuyển. Ảnh: X.PHÚ

Những năm đầu thực hiện, chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT giao khá ít nên từ năm 1991 - 2001, Quảng Nam chỉ có hơn 100 em theo học cử tuyển. Từ năm 2002 trở lại đây, chỉ tiêu cử tuyển hàng năm tăng lên khá nhiều đã tạo thêm cơ hội cho HS miền núi tiếp cận môi trường ĐH, CĐ. Báo cáo của Sở GD-ĐT cho biết, đến nay sau 23 năm thực hiện chính sách cử tuyển, toàn tỉnh đã có 2.017 HS được theo học các trường ĐH, CĐ, TCCN trên cả nước, trong đó ĐH nhiều nhất với 1.273 em, CĐ 452 và TCCN là 292. Có hơn 50 chuyên ngành đào tạo thuộc 8 lĩnh vực được HS theo học gồm sư phạm, y dược, kỹ thuật - công nghiệp, kinh tế - tài chính - pháp lý, khoa học xã hội nhân văn, nông - lâm - ngư, văn hóa - nghệ thuật - du lịch, công an - quốc phòng; trong đó ngành sư phạm nhiều nhất với 930 HS, tiếp theo y dược 426, nông - lâm - ngư 201, kinh tế - tài chính - pháp lý 178. Là chính sách ưu tiên dành cho con em người DTTS nên các huyện miền núi có số lượng HS cử tuyển khá nhiều như Nam Giang 443 HS, Phước Sơn 252, Đông Giang 271, Tây Giang 314, Bắc Trà My 305, Nam Trà My 277. Ngoài ra, các địa phương có HS người DTTS như Hiệp Đức, Núi Thành, Đại Lộc, Thăng Bình, Tam Kỳ, Nông Sơn cũng có một số trường hợp đi học theo diện cử tuyển.

Theo đánh giá của tỉnh, công tác tổ chức thực hiện chính sách cử tuyển thời gian qua khá tốt, đúng quy định. Trên cơ sở chỉ tiêu, đề xuất của các địa phương, các ngành, Hội đồng tuyển sinh tỉnh đã xem xét, quyết định theo quy trình một cách công khai, dân chủ. Thành phần dân tộc có HS đi học cũng khá đa dạng với 17 dân tộc, nhiều nhất là Cơ Tu chiếm tỷ lệ gần 40%, người Kinh 9,5%, thấp hơn quy định 15% do ưu tiên cho các thành phần dân tộc khác.  

Tìm lời giải

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm trong công tác cử tuyển là việc bố trí, sử dụng người học sau khi tốt nghiệp ra trường. Theo quy định, địa phương phải có trách nhiệm bố trí công việc cho các đối tượng này nhưng thực tế thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, không ít người học xong trở về địa phương không được tiếp nhận vào làm việc. Ông Lê Đình Dưỡng, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT) cho biết, qua báo cáo từ các địa phương, đến nay toàn tỉnh đã có 871 người học theo chế độ cử tuyển ra trường, gồm 337 ĐH, 264 CĐ và 270 TCCN. Tuy nhiên, hiện chỉ mới bố trí công tác cho 630 người, còn lại 241 người chưa được phân công công tác (90 ĐH, 29 CĐ, 122 TCCN). Đây thật sự là bài toán nan giải và vì sao có tình trạng này?

Nên ưu tiên tuyển dụng những HS tự lực
Theo ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc Sở GD-ĐT, để chính sách cử tuyển đạt hiệu quả, các địa phương miền núi cần có chiến lược trong việc xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cử tuyển gắn với nhu cầu sử dụng, bố trí biên chế dự phòng để tiếp nhận người tốt nghiệp. “Tôi cũng thống nhất chủ trương của tỉnh là giảm dần chỉ tiêu cử tuyển, tiến tới trong tương lai một số huyện không còn cử tuyển. Đồng thời có chính sách ưu tiên tuyển dụng những em học ĐH qua thi tuyển bằng tài năng của mình để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, khuyến khích tinh thần học tập trong con em miền núi” - ông Thắng nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có thể chia cử tuyển làm 2 giai đoạn. Giai đoạn từ 2007 đến nay, cử tuyển với  số  lượng bao nhiêu, ngành đào tạo nào đều do các địa phương đề nghị theo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của địa phương. Hàng năm, các huyện xây dựng chỉ tiêu, ngành đào tạo rồi xin ý kiến thẩm định của các ngành chức năng của tỉnh như Sở Nội vụ, Y tế, NN&PTNT, GD-ĐT… trước khi báo cáo với UBND tỉnh để xin chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT. Nhờ đó, đã không còn xảy ra tình trạng chuyên ngành đào tạo không phù hợp hay nhu cầu của địa phương không có. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là việc phân công công tác được thuận lợi do quỹ biên chế của địa phương hạn chế. Còn từ năm 2006 trở về trước, chỉ tiêu cử tuyển do Bộ GD-ĐT ấn xuống cho các tỉnh nhưng điều đáng nói là không theo tiêu chí nào và cũng chẳng xuất phát từ nhu cầu của địa phương. Từ đó dẫn đến một mâu thuẫn trong đào tạo cử tuyển là ngành nghề địa phương cần nhưng không có trong khi có lại chẳng cần! Điều này đã làm nảy sinh tình trạng không ít trường hợp học xong ra trường địa phương không thể bố trí được việc làm vì ngành đào tạo không phù hợp với nhu cầu. Có huyện như Nam Giang cùng lúc hơn 40 người tốt nghiệp trung cấp sư phạm, hay ở huyện Đông Giang có người học tiếng Trung nên địa phương buộc lòng từ chối. Ông Dưỡng cho rằng, phần lớn số người chưa được bố trí công tác đến nay đều nằm trong giai đoạn cử tuyển này. Cụ thể, hiện nay trong 241 người chưa được phân công công tác theo báo cáo của các huyện thì giai đoạn 1991 - 2006 chiếm đến 208 người. Đáng chú ý, số lượng người học TCCN mà cụ thể là ngành trung cấp Trường CĐ Y tế Quảng Nam chiếm số lượng khá lớn với  81 người (đến nay trong số 174 người tốt nghiệp hệ trung cấp Trường CĐ Y tế Quảng Nam ra trường thì mới bố trí được việc làm cho 93 người). Địa phương có số lượng người chưa bố trí được việc làm nhiều nhất là Nam Giang với 132 người, trong đó hơn một nửa là TCCN.

Một tồn tại nữa là vấn đề chất lượng đào tạo. Dù chất lượng giáo dục ở miền núi thời gian gần đây dần được nâng cao nhưng khả năng học tập của HS người DTTS vẫn còn hạn chế trong khi chính sách cử tuyển chỉ yêu cầu có học lực từ trung bình. Vì thế, đã có không ít trường hợp không theo kịp nội dung chương trình dẫn đến bỏ học giữa chừng, nhất là các ngành đòi hỏi chuyên môn cao như y dược, kỹ thuật công nghệ, tài chính pháp lý (159 người bỏ học giữa chừng, trong đó ĐH chiếm 2/3). Những bất cập trong cơ chế cử tuyển cũng làm cho chất lượng đào tạo thấp, kém hiệu quả. Bí thư Huyện ủy Đông Giang - ông Nguyễn Bằng tỏ ra băn khoăn về chất lượng đào tạo và việc bố trí công tác cho người học cử tuyển: “Nếu không đặt nặng vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên người tại chỗ ở miền núi thì chúng ta có tội với bà con vì sẽ phá hỏng cả thế hệ tương lai. Cử tuyển đối với ngành y tế cũng vậy vì không khéo sẽ đào tạo ra những bác sĩ kém chất lượng, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Trong khi đó, đào tạo cử tuyển nhưng không có biên chế nên địa phương không thể tiếp nhận gây lãng phí rất lớn”. Vì vậy, theo ông Bằng, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, làm cho con em đồng bào DTTS nâng cao tinh thần phấn đấu tự học, xóa bỏ tâm lý ỷ lại để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cử tuyển, thì cần có cơ chế, tạo điều kiện cho các địa phương trong việc tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp.

XUÂN PHÚ
Bài 4: Giáo dục đại học, cao đẳng:
Đối mặt với nhiều thách thức

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhận diện những đột phá - Bài 3: Lời giải cho bài toán cử tuyển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO