Nhận diện những đột phá - Bài 5: Đi trước một bước…

XUÂN PHÚ 28/07/2014 08:17

Trước khi Trung ương có Nghị quyết 29 (ngày 4.11.2013) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết 12 (ngày 20.12.2012) về phát triển, nâng cao chất lượng GD-ĐT tỉnh đến năm 2020. Động thái “đi trước một bước” này đã tạo tiền đề, góp phần đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh.

  • Nhận diện những đột phá - Bài cuối: Ủng hộ xét tuyển, phân vân chuyển đổi trường
  • Nhận diện những đột phá - Bài 4: Giáo dục đại học, cao đẳng: Đối mặt với nhiều thách thức
  • Nhận diện những đột phá - Bài 3: Lời giải cho bài toán cử tuyển
  • Nhận diện những đột phá - Bài 2: Mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú: Đằng sau một chủ trương nhân văn
  • Nhận diện những đột phá - Bài 1: Tuyển sinh vào lớp 10: Sáng tạo, linh hoạt

Quyết tâm đổi mới

Tại hội nghị lần thứ 13 (ngày 28.12.2012), Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 12 về phát triển, nâng cao chất lượng GD-ĐT tỉnh đến năm 2020. Những mục tiêu, giải pháp trong nghị quyết này đã thể hiện quyết tâm và quan điểm đổi mới sự nghiệp GD-ĐT của Tỉnh ủy. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh trong phiên họp góp ý thông qua chương trình của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 29 cho rằng, Quảng Nam một phần nào đó đã “đi trước một bước” so với Trung ương về đổi mới GD-ĐT. Thật vậy, xác định đầu tư cho GD-ĐT là đầu tư cho phát triển bền vững, Tỉnh ủy đề ra mục tiêu tập trung huy động mọi nguồn lực, tạo chuyển biến toàn diện, vững chắc về quy mô, chất lượng ở tất cả ngành học, bậc học, đáp ứng nhu cầu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Nâng cao chất lượng đại trà đi đôi với đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn, coi trọng giáo dục truyền thống, bồi dưỡng cho học sinh (HS), sinh viên phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, đáp ứng xu thế hội nhập, phát triển của đất nước. Cạnh đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT; thực hiện tốt phân cấp quản lý, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục.

Việc phân cấp quản lý giáo dục còn nhiều bất  cập đã kìm hãm sự phát triển.Ảnh: X.PHÚ
Việc phân cấp quản lý giáo dục còn nhiều bất cập đã kìm hãm sự phát triển.Ảnh: X.PHÚ

Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2010 - 2015) và 1 năm thực hiện Nghị quyết 12, theo đánh giá của Tỉnh ủy, đến nay sự nghiệp GD-ĐT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mạng lưới trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Quy mô các cấp học, bậc học tiếp tục được mở rộng, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm đạt trên 97%, cao hơn trung bình chung của cả nước; tỷ lệ HS trúng tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngày càng cao, năm 2013 đạt 59,5%, khá cao so với cả nước. Công tác phát triển giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến. Ngoài hỗ trợ của Trung ương, tỉnh còn có thêm chính sách riêng để phát triển trường nội trú, bán trú, chế độ ăn ở cho HS. Tỉnh đã ban hành cơ chế  hỗ trợ, đãi ngộ cho HS và giáo viên vào học tại các trường THPT chuyên; thực hiện đổi mới công tác tuyển sinh vào lớp 10 theo phương án xét tuyển kết hợp phân tuyến, tạo ra công bằng cho các trường, cơ hội học tập cho HS.

Mạng lưới trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp phát triển khá nhanh về số lượng cũng như ngành đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh cũng đã thành lập Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bước đầu làm cầu nối để liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, góp phần thu hút và tạo ra nguồn nhân lực có trình độ cao cho tỉnh.

Đổi mới

Thực hiện Nghị quyết 29 (ngày 4.11.2013) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), Tỉnh ủy Quảng Nam đã xây dựng chương trình với 10 nhiệm vụ và giải pháp. Tỉnh ủy đã đưa ra những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể theo tình hình thực tế của địa phương. Đó là, đổi mới công tác quản lý GD-ĐT, trong đó cơ quan quản lý GD-ĐT được tham gia quyết định về quản lý nhân sự, tài chính; xây dựng và đưa vào sử dụng một cách hiệu quả ngân hàng đề kiểm tra tại tất cả trường phổ thông trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện phương án tuyển sinh các lớp đầu cấp theo hướng giảm áp lực và tốn kém mà vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực và công bằng. Sắp xếp lại các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và các trung tâm dạy nghề theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và giao cho UBND các huyện, thành phố quản lý. Để góp phần nâng cao chất lượng, cần chuẩn hóa đội ngũ, tiến tới tất cả giáo viên từ tiểu học đến THPT, giáo viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trình độ đại học trở lên và năng lực sư phạm. Đối với giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề, tiếp tục đổi mới nội dung, chuyển đào tạo theo khả năng của nhà trường sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội…

“Cần rà soát cơ chế quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp, về việc mở ngành đào tạo của các trường ĐH, CĐ, trung cấp để khắc phục tình trạng bất cập như hiện nay. Ngành GD-ĐT cần tìm mô hình, không thể có sự khác nhau giữa trường THPT và trường cấp 2-3 ở các huyện miền núi, tạo ra sự bất công bằng giữa HS. Tập trung đầu tư cho trường mầm non, nhất là miền núi để đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao chất lượng; có cơ chế tuyển giáo viên tại chỗ nhưng phải quan tâm đến chất lượng. Các trường nghề cần coi lại công tác quảng bá, tuyển sinh của mình, vì sao không thu hút HS vào học”.
(Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải)

Có thể thấy trong các nhiệm vụ mà chương trình của Tỉnh ủy đề ra, một số đang triển khai thực hiện đem lại hiệu quả khá tốt nhưng cũng có nhiều tồn tại cần khắc phục. Chẳng hạn, thời gian qua mô hình quản lý GD-ĐT trên địa bàn tỉnh không thống nhất giữa các địa phương dẫn đến nhiều bất cập làm kìm hãm sự phát triển. Cơ quan quản lý giáo dục của một số địa phương nhưng ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn “không biết gì” về tài chính, nhân sự của các trường học trực thuộc mình quản lý. Ngay cả việc bổ nhiệm trưởng phòng GD-ĐT các huyện, thành phố cũng không thông qua ý kiến của Sở GD-ĐT. Thế nên, theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT, việc điều chỉnh phân cấp theo hướng cơ quan quản lý GD-ĐT được tham gia quyết định về quản lý nhân sự, tài chính cùng với quản lý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là yêu cầu đúng đắn và cần thiết để khắc phục những bất cập vừa qua.

Với Trường ĐH Quảng Nam, những năm qua, nhà trường đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo như nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới phương pháp giảng dạy. Đặc biệt, từ năm học 2010 - 2011, trường bắt đầu thực hiện chuyển đổi từ đào tạo niên chế theo đào tạo tín chỉ. Đến nay, trường cũng đã công bố chuẩn đầu ra của gần 40 ngành ĐH, CĐ. Ngoài ra, với yêu cầu đào tạo theo nhu cầu của xã hội, thời gian qua trường giảm dần chỉ tiêu trung cấp, các ngành kinh tế, tập trung cho các ngành mà tỉnh có nhu cầu nguồn nhân lực như công nghệ thông tin, văn hóa - du lịch. Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Nam - Trần Văn Tuấn, nhà trường xác định đổi mới cơ bản việc dạy và học của giảng viên, sinh viên và đây là yêu tố quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhận diện những đột phá - Bài 5: Đi trước một bước…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO