Lần đầu tiên từ khi tái lập tỉnh, GRDP năm 2020 của Quảng Nam tăng trưởng âm (giảm gần 7% so với năm 2019). Đây là con số “đáng lo lắng” trong cuộc họp báo công bố số liệu thống kê năm 2020 do Cục Thống kê tổ chức vừa qua.
Tăng trưởng âm
Trừ khu vực nông lâm thủy sản có mức tăng trưởng dương (+3,5%), đại dịch, thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm đã làm nền kinh tế Quảng Nam ngưng trệ nhiều lĩnh vực. Theo Cục Thống kê, GRDP ước tính năm 2020 sụt giảm ở mức gần 7% so với năm 2019. Trong mức sụt giảm của toàn nền kinh tế, khu vực dịch vụ giảm 10,2% (chiếm 3,5 điểm % trong mức giảm chung của nền kinh tế), khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,1% (chiếm 1,8 điểm %) và thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) giảm 10,9% (chiếm 2,2 điểm %).
Ước tính đến cuối năm 2020, quy mô nền kinh tế Quảng Nam chỉ đạt hơn 94 nghìn tỷ đồng. Con số này đã thu hẹp, giảm hơn 4,8 nghìn tỷ đồng so với năm 2019. Khu vực bị thu hẹp nhiều nhất thuộc về dịch vụ với hơn 2,4 nghìn tỷ đồng, công nghiệp – xây dựng 1,6 nghìn tỷ đồng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm chạp (bất khả kháng) khi khu vực nông nghiệp có xu hướng tăng, nhưng dịch vụ và thuế (trừ trợ cấp sản phẩm) lại tụt. Cụ thể, nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 14,5%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 33,2%, khu vực dịch vụ chiếm 34,3%, thuế sản phẩm (trừ trợ cấp) chiếm 18% (tương ứng năm 2019 là 12,7%, 33,2%, 35% và 19,1%).
Không riêng gì Quảng Nam, sự suy giảm kinh tế hay “độ lùi” của tăng trưởng cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trên cả nước trước các tác động bất lợi. So với 5 tỉnh trọng điểm miền Trung, nếu Thừa Thiên Huế, Bình Định có mức tăng trưởng dương (2,1% và 3,6%) thì Quảng Ngãi chỉ âm 1,02%, còn Đà Nẵng lại âm đến 9,8%. Niềm “an ủi” được tính đến khi khu vực nông, lâm, thủy sản có xu hướng tăng trưởng dương (+1,1 nghìn tỷ đồng).
Quy mô GRDP Quảng Nam chỉ đứng thứ hai sau Đà Nẵng. Cụ thể, quy mô GRDP Quảng Nam chỉ thấp hơn Đà Nẵng gần 6 nghìn tỷ đồng (100 nghìn tỷ đồng), nhưng cao hơn 1,7 lần so với Thừa Thiên Huế (54,8 nghìn tỷ đồng), gấp 1,1 lần so Quảng Ngãi (87 nghìn tỷ đồng), gấp 1,1 lần so Bình Định (90 nghìn tỷ đồng).
Kinh doanh, đầu tư… khó khăn
Không chỉ các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nguyên vật liệu, phụ trợ, phụ tùng, thiết bị đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất gặp khó khăn dẫn đến giảm gần 5% giá trị gia tăng ngành công nghiệp. Trong khi đó, tình trạng thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản rườm rà, giải phóng mặt bằng chậm, nhiều công trình ngừng thi công (thực hiện lệnh giãn cách xã hội) cũng khiến vốn đầu tư đổ vào nền kinh tế giảm gần 13% và thu ngân sách không thể đạt dự toán.
Thống kê cũng chỉ ra trong khi sản xuất, kinh doanh đình đốn thì thu hút đầu tư cũng giậm chân tại chỗ. Số dự án cấp mới giảm đến 26,4% và tổng vốn đăng ký giảm đến 47,1% so với năm 2019. Tuy nhiên, kết quả khảo sát dự báo sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo trong quý IV.2020 cho thấy xu hướng kinh doanh có chiều hướng khả quan hơn so với quý III.2020. Ngành sản xuất xe có động cơ dự báo tăng 71,4%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 60% và sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 100%.
Bất ổn vẫn được nhận diện khi 39,7% doanh nghiệp được khảo sát dự báo tốt hơn, 19,3% giữ ổn định, nhưng có đến 40,9% số doanh nghiệp cho là khó khăn. Doanh nghiệp một số ngành tiếp tục được dự báo sẽ khó khăn hơn như sản xuất đồ uống (50%), ngành dệt (83,3%), sản xuất trang phục (57,1%), sản xuất da và các sản phẩm liên quan (66,6%), chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (50%), sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (50%)…
Điều bất ngờ là “bất chấp” sự sụt giảm kinh tế, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô hoặc sản xuất cầm chừng làm gia tăng thất nghiệp..., hiện vẫn có 874 nghìn người/903 nghìn người từ 15 tuổi trở lên đã tìm được việc làm. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đã đạt hơn 3,6 triệu đồng, tăng hơn 12% so năm 2019. Kéo theo giảm 2,7 nghìn hộ nghèo so với năm 2019, vượt chỉ tiêu giảm nghèo đề ra.
Ông Lê Nho Hùng – Phó Cục trưởng Cục Thống kê nói nhu cầu tuyển dụng, kết hợp đào tạo nghề cho lao động phổ thông… đã tạo cơ hội để người thất nghiệp có việc làm. Dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Quảng Nam sẽ giảm nếu dịch không bùng phát trở lại.
Một thống kê khác cũng cho thấy, ngân sách hụt thu, tổng thiệt hại của 3 cơn bão khoảng hơn 10,8 nghìn tỷ đồng, nhưng cũng không cắt đi an sinh xã hội của người nghèo. Khoảng 199.881 thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đã được cấp cho người nghèo, hỗ trợ 70% chi phí đóng bảo hiểm y tế cho 11.545 người cận nghèo…
Ông Lê Nho Hùng cho rằng dịch bệnh, thời tiết bất ổn đã làm giảm năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết lĩnh vực. Cần có sự nỗ lực lớn để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là những ngành kinh tế chủ lực. Tuy nhiên, dự báo khả năng phục hồi chậm, phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế tình hình dịch bệnh Covid-19. Sẽ không thiếu giải pháp. Nhưng giải pháp gì cũng phải được thực hiện nhanh thì mới có thể tạo ra được tăng trưởng kinh tế, tạo đà cho nền kinh tế trong giai đoạn sau!