Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật nhân giống cây chè dây Ra Zéh (Đông Giang) bằng giải pháp nuôi cấy mô (NCM) in vitro nhằm phát triển vùng dược liệu vừa được thử nghiệm. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý, những người làm công tác khoa học, việc nhân giống NCM cần thận trọng và tiếp tục nghiên cứu sâu.
Nuôi cấy mô cây chè dây
Nằm trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu, phát triển và chế biến sản phẩm chè dây (Ra Zéh) trên địa bàn xã Tư, huyện Đông Giang”, giai đoạn 2018 - 2020, giải pháp nhân giống cây chè dây được chú trọng bên cạnh việc triển khai nhiều giải pháp nhân rộng và phát triển cây chè dây Ra Zéh, phát triển thương hiệu sản phẩm chè dây Đông Giang.
TS. Nguyễn Hồ Lam - Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) và cộng sự đã triển khai mô hình nhân giống chè dây bằng hạt, bằng kỹ thuật giâm hom, kỹ thuật NCM và đã có những bước thành công trong phòng thí nghiệm. TS. Nguyễn Hồ Lam cho hay, ở nước ta, trữ lượng chè dây rất lớn. Công ty Dược Traphaco Hà Nội mỗi năm thu mua khoảng 10 - 30 tấn chè dây để sản xuất thuốc Ampelop chữa đau dạ dày.
Chè dây tự nhiên được khai thác, chế biến rất nhiều ở Lâm Đồng, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai..., và bắt đầu cạn kiệt. Tại Quảng Nam, chè dây Ra Zéh (hay chè rừng), được đồng bào Cơ Tu ở Đông Giang sử dụng để chữa các bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột, làm thuốc an thần chữa mất ngủ. Chè dây Ra Zéh phát triển mạnh ở xã Tư và một số xã vùng giáp ranh, có giá 100 - 140 nghìn đồng/kg chè khô (160 - 250 triệu đồng/ha). Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nhân giống chè dây Ra Zéh tự nhiên, tạo vùng nguyên liệu bền vững cũng như nghiên cứu, phát triển cây chè dây Ra Zéh tự nhiên và sơ chế, chế biến sản phẩm sau thu hoạch sẽ tạo nên sinh kế giúp đồng bào thoát nghèo bền vững.
TS. Lam và cộng sự cũng đã xây dựng các quy trình kỹ thuật nhân giống từ hạt, từ kỹ thuật giâm hom và kỹ thuật NCM; tạo ra hơn 47.000 cây giống chè dây Ra Zéh từ hạt và cành, 500 cây giống từ NCM để cấp giống cho người dân trồng. Theo đó, phương pháp nhân giống bằng giâm hom được đánh giá cao về hiệu quả và thể hiện tính ưu việt so với nhân giống từ hạt và NCM. Phương pháp giâm hom đã được Công ty Traphaco ứng dụng hiệu quả. Ưu điểm của phương pháp này là lưu giữ được đặc tính di truyền của cây mẹ, cây giống sau trồng ra hoa sớm, thời gian nhân giống nhanh, các đột biến có lợi khó mất đi. Song nhược điểm là hệ số nhân giống thấp, cần số lượng lớn cây bố mẹ, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và cây giống dễ bị thoái hóa qua quá trình canh tác.
Với nhân giống NCM in vitro, khả năng tạo cây con có độ đồng đều, đồng nhất về kiểu hình, ổn định về di truyền, sạch bệnh, tạo nguồn cây con lớn đáp ứng nhu cầu sản xuất, tạo vùng nguyên liệu lớn. Đây là kỹ thuật nhân giống được áp dụng thành công trên cây chè Shan, giống chè PH9, PH10, PH11 và cây dược liệu (ba kích, trinh nữ hoàng cung, lan kim tuyến), nhiều loại hoa (chuông, hoàng long, cẩm chướng)... Chè dây NCM trong phòng thí nghiệm cho cây con khỏe mạnh nhưng quá trình huấn luyện cây con ra vườn ươm có tỷ lệ sống rất thấp (dưới 53,33%), sinh trưởng kém, dễ bị sâu bệnh tấn công hơn mô hình nhân giống bằng hạt, bằng giâm hom.
“Nguyên nhân khiến tỷ lệ sống thấp là do cây con NCM in vitro rất mẫn cảm với môi trường, bộ rễ còn non yếu trong khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt và khâu xử lý giá thể trước khi trồng chưa phù hợp. Lá cây chè dây NCM khá mỏng nên bị mất nước nhanh, cây yếu, khó phục hồi. Giá thể nuôi trồng cũng quyết định đến chất lượng cây, tỷ lệ sống. Trong 4 giá thể gồm: đất mùn dưới tán rừng, đất cát đen mịn, bột xơ dừa và trấu hun tỷ lệ 1:1, Klasmann, thì cây con được trồng bằng giá thể đất cát đen mịn cho thấy tỷ lệ sống cao nhất vì đảm bảo khả năng thoát nước, giữ ẩm” - TS. Lam nói.
Thận trọng, nghiên cứu sâu
Nhiều nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng, cần thận trọng đối với kỹ thuật NCM và tiếp tục có những nghiên cứu sâu thêm. Theo ông Trần Ngọc Bằng - Phó Giám đốc Trung tâm Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu, với mức tiêu thụ rộng rãi và công dụng của cây chè dây, nên có khuyến cáo nhân giống chuẩn, ưu tiên phát triển trồng tại các vùng đặc hữu, nhân rộng trên đất nương rẫy, vườn đồi của miền núi.
“Rõ ràng nếu làm tốt kỹ thuật NCM cây chè dây Ra Zéh thì sẽ tạo nguồn giống nhanh, giúp đồng bào thoát nghèo. Việc nhân giống NCM in vitro trong phòng thí nghiệm đã đạt nhưng quan trọng là cần đánh giá về sinh trưởng, phát triển cây NCM trên thực địa để có khuyến cáo tiếp theo” - ông Bằng nói.
ThS. Bùi Ngọc Huy - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho rằng, tại Quảng Nam, hiện có một số đề tài/dự án nghiên cứu nhân giống cây dược liệu (sâm Ngọc Linh, giảo cổ lam, lan kim tuyến, ba kích tím) bằng kỹ thuật NCM in vitro. Tuy nhiên, hầu hết giải pháp chỉ mới thành công trong phòng thí nghiệm là chính.
“Với cây chè dây có nên áp dụng giải pháp NCM hay không? Bởi cây lương thực cần NCM tạo năng suất, cây hoa cần tạo đột biến để có hoa đẹp, song NCM cây dược liệu thì chưa hẳn đã là giải pháp tốt, nên hết sức thận trọng vì NCM có khả năng tạo đột biến gen. Nếu áp dụng NCM thành công cũng cần theo dõi, giám sát chặt chẽ, quản lý các kiểu gen” - ThS. Huy nói.
Một số ý kiến khác đề xuất việc cần làm rõ hệ số nhân giống của giải pháp NCM và chỉ rõ ưu, nhược điểm của các giải pháp nhân giống làm cơ sở khuyến cáo. Tiếp tục đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của cây chè dây NCM ngoài thực tiễn và có những nghiên cứu sâu hơn.