(QNO) - Việc phong tỏa, xét nghiệm và cách ly triệt để trong lúc này là đúng và cần thiết. Nhưng sau đó thì sao? Các tổ trưởng dân phố cho đến cả quân đội cũng không thể mua thực phẩm giúp mọi người mãi. Cho nên có địa phương đã có phương án cho đội ngũ giao hàng (shipper) hoạt động với điều kiện "xanh", đảm bảo an toàn, bằng cách biện pháp vắc xin, xét nghiệm, 5K.
Xét riêng về chợ, thật ra thì theo thiết kế ban đầu hầu như các ngôi chợ đều được bố trí thông thoáng, đủ điều kiện vệ sinh; nhưng dần dần do người bán cơi nới, ban quản lý chợ "linh động" chèn thêm gian hàng, người mua cứ có hàng để mua là được chứ cũng không có ý kiến gì. Vả lại có ý kiến thì cũng không giải quyết được, có khi còn bị phê phán là không nhân văn, không cảm thông với người nghèo. Người Việt mình đề cao những nét văn hóa truyền thống như tinh thần đùm bọc, chia sẻ, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều; đó là điều hay, nhưng khi vận dụng không đúng chỗ lại trở thành một lực cản cho một nếp sống văn minh.
Chẳng hạn, trong các kiệt hẻm nhỏ ở thành phố, người dân đặt các gánh bún, bánh bèo, che bạt, đặt ghế cho khách ngồi; nếu ai đó phàn nàn thì được giải thích là giúp cho người bán hàng kiếm sống, nuôi con ăn học, chữa bệnh hiểm nghèo và nhiều lý do thống thiết khác khiến cho ai đó muốn dẹp để đường thông, hè thoáng sẽ bị "cộng đồng" lên án.
Một người nước ngoài khi nhận xét về tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội đã nói một cách bóng bẩy rằng, "người dân đã biết vận dụng sự đồng thuận của cộng đồng để biến không gian chung thành riêng".
Quay lại chuyện chợ, nếu quản lý sòng phẳng, nhiều người buôn gánh bán bưng hiện nay sẽ không có chỗ bán, và dễ bị phê phán là thiếu nhân đạo. Thật ra, cứu giúp người nghèo là cần thiết, nhưng cách "linh động, thông cảm" trong quản lý trật tự xã hội như hiện nay không phải là cứu giúp mà là tạo thêm chỗ hở để một số người nghèo "khôn ngoan", "biết phải không" chiếm được những lợi thế mà những người nghèo thật thà, tử tế lại không có được.
Nói rộng ra đến cửa hàng ăn uống, cũng phải tổ chức những cửa hàng "xanh" (an toàn) để có thể "sống chung" với các loại dịch bệnh. Vấn đề này cũng cần thay đổi một thói quen "lấn chiếm không gian công cộng" tưởng như vô hại, nhưng lại gây khó cho việc tạo lập nếp sống văn minh.
Một gia đình chỉ cần có đủ không gian đặt một nồi nước và vài chiếc ghế là có thể mở một cửa hàng ăn, không cần biết khách đến ăn để xe máy, xe ô tô ở đâu; và khách hàng cũng an nhiên nối đuôi nhau chờ đến lượt nhận một tô phở, tô miến rồi tự thu xếp một chỗ ngồi khả dĩ. Thói quen này đã chi phối cả chính sách quy hoạch nhà ở và cấp phép kinh doanh. Ngay cả trong những vùng quy hoạch dân cư mới cũng không thấy có những khu vực dành riêng cho các cửa hàng ăn uống, có đủ không gian chế biến, vệ sinh và để xe cho thực khách. Cơ quan cấp phép kinh doanh thì không yêu cầu về diện tích mặt bằng, dường như cứ xem việc tổ chức chế biến, vệ sinh và giải quyết mặt bằng để xe cho khách hàng là việc riêng của thực khách hoặc ngành quản lý đường phố.
Cũng vì vậy mà vài năm trước đây đã có hiện tượng "Đoàn Ngọc Hải" ở thành phố Hồ Chí Minh; và câu chuyện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của tất cả các tỉnh thành hiện nay vẫn phải bỏ ngỏ.
Nhìn sang nước láng giềng Singapore, nơi mà nhiều quan chức của ta đã tham quan, học tập, cũng thấy là họ đã tổ chức các khu cửa hàng ăn uống cho cộng đồng một cách tập trung, rất có ngăn nắp. Các thành phố của ta chưa có những khu quy hoạch để đưa các hàng quán về đó, tạo điều kiện để có những cửa hàng "xanh", đồng thời giảm bài toán lấn chiếm vỉa hè.
Nếu nhìn được xa hơn đến Âu, Mỹ thì nhiều nơi đã quy định không cho mở cửa hàng tại nhà ở. Do vậy, trong tình huống phòng chống Covid-19 hoặc sống chung với Covid-19, họ cũng khác ta nhiều.
Cuộc sống xanh không chỉ có chuyện ăn mà còn chuyện ở và nghỉ ngơi. Một nét văn hóa của ta là thích xúm xít, nương tựa lẫn nhau. Thấy thành phố có vẻ dễ sống thì cứ lên thành phố, có thể ở chen chúc trong các ngóc ngách, miễn là chia sẻ được một số phúc lợi hoặc tiện nghi của thành phố. Và các nhà quy hoạch các dự án bất động sản cũng không có chiến lược để giãn dân, thậm chí còn phân lô nhỏ ở những khu sẵn cơ sở hạ tầng để giảm đầu tư, dễ kiếm lợi.
Giá như các vùng nông thôn của ta đều được mở đường lớn, điện nước đầy đủ, thì người dân sẽ tự tản ra các nơi để hưởng thụ thiên nhiên khoáng đãng; đâu phải đợi đến dịch bùng phát mới nghĩ đến giãn dân.
Trong những ngày dịch này, một số người đi thăm con cháu ở các nước Âu Mỹ, những tấm hình họ gửi về cho thấy một không gian xanh thật sự ở những vùng ngoại ô, xa thành phố; nhưng quan trọng là nơi đó có đủ đường sá rộng rãi, mỗi bờ ao, con lạch đều sạch sẽ, tươm tất.
Việt Nam ta không thiếu những cảnh quan xanh ở các vùng nông thôn, núi đồi, sông suối, nhưng thiên nhiên đó chưa được chăm sóc để trở nên những không gian sống, nghỉ ngơi hưởng thụ cho cộng đồng; bởi lẽ sự đầu tư cũng như tâm lý của cộng đồng tập trung nhiều vào các khu đô thị hơn là vào nông thôn và thiên nhiên hoang dã. Truyền thông gần đây có đưa tin về một nước Bhutan không có những đô thị sầm uất mà chỉ là những núi rừng xanh thẳm, ở đó chỉ số hạnh phúc của nhân dân rất cao.
Covid-19 đang mang đến nhiều mất mát, cả nước đang ra sức chống dịch và luôn hy vọng một thời gian ngắn nữa sẽ vượt qua giai đoạn căng thẳng để tiếp tục một cuộc sống bình thường mới, văn hóa mới. Hy vọng trong cuộc sống bình thường mới đó không chỉ có "chợ xanh" mà tất cả cả hoạt động khác cũng theo những mô hình "xanh", đem lại cho cộng đồng một cuộc cuộc sống xanh, hạnh phúc.