Nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Đảng bộ huyện Nam Giang (28.6.1949 - 28.6.2014): Trên vùng đất anh hùng

ALĂNG NGƯỚC - PHƯƠNG GIANG 25/06/2014 08:58

Truyền thống hào hùng của mảnh đất vùng biên đang được viết tiếp bằng những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Giang, in dấu niềm tự hào sau chặng đường 65 năm thành lập Đảng bộ huyện.

Trang sử vùng biên

Nằm cạnh tuyến đường Hồ Chí Minh, làng Rô (xã Cà Dy) yên bình cất giữ những câu chuyện về một thời khói lửa chiến tranh. Phảng phất trong ký ức của già Đinh Ghinh - cán bộ lão thành huyện Nam Giang - là năm tháng nuôi giữ cán bộ và âm thầm đấu tranh của dân làng Rô. “Nói về lịch sử đấu tranh, về những làng bản anh hùng của Nam Giang, phải nhắc đến làng Rô” - già Ghinh khẳng định. Cùng với làng Rô, Nam Giang còn có nhiều ngôi làng gắn với lịch sử đấu tranh anh dũng, được viết nên bởi sự chung tay của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng… Chỉ tính riêng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn huyện đã có 149 liệt sĩ ngã xuống, gần 160 thương, bệnh binh là những hy sinh máu xương để bám đất, giữ làng.

 Diện mạo của Nam Giang hôm nay.Ảnh: Alăng Ngước
Diện mạo của Nam Giang hôm nay.Ảnh: Alăng Ngước

Trang sử vùng biên được tô thắm bằng những cuộc đấu tranh kiên cường của quân và dân Nam Giang qua hai cuộc kháng chiến. Đó là phong trào đấu tranh chống “xâu Giằng” của tù chính trị đòi thực dân Pháp không đánh đập ngược đãi người đi xâu làm đường; phong trào nuôi giấu, bảo vệ cán bộ mà đi đầu là nhân dân làng Rô đùm bọc cho nhà thơ Tố Hữu và nhà cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ; phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước với hàng loạt chiến công vang dội. Đặc biệt, trong những năm tháng chi viện cho chiến trường miền Nam, dân và quân Nam Giang đã đóng góp hàng vạn ngày công làm đường, xây dựng kho tàng, vận chuyển gạo muối, thuốc men, vũ khí,… bảo vệ an toàn cho tuyến đường mòn Trường Sơn huyền thoại. Trong năm tháng hào hùng ấy, những người con của làng đã kiên cường chống giặc, một lòng theo Đảng và Bác Hồ. Các cuộc đấu tranh của đồng bào Bến Yên, Tà Lào đối phó với chiến dịch “thượng du vận” chống đưa dân vào khu dồn Thạnh Mỹ; phụ nữ Pà Dương đấu tranh không cho địch càn quét bắt người vô cớ; hay những trận đánh của du kích vào các đồn địch trên địa bàn,… là những ký ức vàng son về tinh thần chiến đấu bất khuất của nhân dân Nam Giang. Những cái tên như: Pơloong Nhập, người du kích làng Cha Đhó (xã Zơ Nông cũ) bắn rơi máy bay địch; Amế Bh’nướch Blốc cản đường xe chạy với câu nói bất hủ: “Thà chết tại đây, một bước không lùi”, trở thành biểu tượng anh hùng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm.

Khai trương và đưa vào sử dụng tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Khai trương và đưa vào sử dụng tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Những cống hiến to lớn, những chiến công hiển hách của quân và dân huyện Nam Giang qua hai cuộc kháng chiến đã góp phần tô thắm ngọn cờ vẻ vang của đảng bộ, của các dân tộc anh em. đảng bộ và nhân dân huyện Nam Giang đã được Nhà nước phong tặng hơn 3.600 Huân - Huy chương kháng chiến các loại, gần 1.600 bằng khen, 3 cá nhân được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Có 7 xã, thị trấn được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng; cán bộ và nhân dân huyện cũng vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trong công cuộc đổi mới, cán bộ và nhân dân huyện được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều ngành, đơn vị như: ngành thương mại, y tế, tòa án, Trường Dân tộc nội trú huyện được tặng Huân chương Lao động hạng Hai, hạng Ba cùng nhiều bằng khen cấp cao khác.

Toàn huyện Nam Giang có 2.126 đảng viên ở 52 chi bộ, đảng bộ trực thuộc. công tác quy hoạch, đào tạo và trẻ hóa cán bộ được quan tâm, tỷ lệ phát triển đảng viên  mới đạt và vượt chỉ tiêu hằng năm, không còn tổ chức cơ sở đảng yếu kém.

“Những bước đi đó, đều in đậm dấu ấn của Đảng bộ huyện Nam Giang ngay từ những ngày đầu thành lập. Bám dân, gần dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm; xâu tai, búi tóc, cán bộ đảng viên đã dần vận động giác ngộ và thu phục lòng tin của nhân dân với Đảng, với Bác Hồ. Những cuộc đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang do Đảng bộ huyện phát động giành được thắng lợi lớn, từng bước đẩy lùi địch ra khỏi căn cứ cách mạng, góp phần vào thắng lợi quyết định, giành lấy độc lập vào mùa xuân 1975” - Bí thư Huyện ủy Nam Giang - Chơ Rưm Nhiên tự hào nói.

Giấc mơ của núi

Bước ra từ những gian khó sau chiến tranh, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo dần thổi vào luồng sinh khí mới cho từng bản làng vùng biên. Qua chặng đường xây dựng và phát triển, Nam Giang đang khoác lên mình một diện mạo mới. Những dự án, nhà máy được xây dựng và đưa vào sử dụng như: Thủy điện Sông Bung 4, Thủy điện Sông Bung 2, Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ, đường Đông Trường Sơn, quốc lộ 14B-14D, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc,… đang dần đánh thức tiềm năng phát triển của vùng. Ngoài ra, phong trào phát động xây dựng nông thôn mới đã từng bước đưa người dân thoát khỏi khó nghèo, vươn lên làm giàu.  

Theo thống kê, tổng sản lượng lương thực của Nam Giang đạt hơn 6.500 tấn/năm, phát triển hơn 1.350ha cao su, cơ bản giải quyết được lương thực tại chỗ, giảm nạn phá rừng làm rẫy. Giá trị công nghiệp tiểu thủ công nghiệp từ 2,5 tỷ/năm (năm 2000) tăng lên 15 tỷ đồng/năm (2014); hoạt động thương mại phát triển đến vùng sâu vùng xa, đảm bảo các mặt hàng thiết yếu đến với người dân. Từ nguồn vốn của ngân sách, các chương trình, vốn đầu tư cụm xã, cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất, sinh hoạt ngày càng được hoàn thiện.

Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang phấn khởi: “Thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay Nam Giang đã hoàn thành quy hoạch kinh tế - xã hội cho 12/12 xã, thị trấn; hoàn chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết đô thị Thạnh Mỹ; tập trung đầu tư xây dựng hai xã điểm về nông thôn mới La Dêê và Ta Bhing. Toàn huyện có 11/12 xã có điện thắp sáng và phục vụ sản xuất, 100% xã có đường công vụ đến trung tâm xã. Đặc biệt, cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc được khai trương và đi vào hoạt động, mở ra tiềm năng hội nhập và phát triển vùng kinh tế phía tây”. Những thành tựu về kinh tế - xã hội đã đạt được thể hiện rõ truyền thống, sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc trong huyện, chung tay xây dựng quê hương Nam Giang đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững. Thành quả đó ghi nhận vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được đề ra.

Cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc đang dần hoàn thiện, đường Hồ Chí Minh đã mở, chắp cánh cho cơ hội phát triển, biến giấc mơ của núi thành hiện thực. Những tài nguyên du lịch đã được khai mở với làng Rô, thổ cẩm Za Ra, thác Grăng,… bước đầu kết nối thành một cung đường du lịch, níu chân du khách. Ở đó, còn có cả một kho tàng văn hóa của các dân tộc, độc đáo và đầy màu sắc trong từng ngôi nhà làng, từng vũ điệu, từng món ẩm thực nồng say chất núi. Ước vọng của núi còn là khát khao đến từ những nhà máy, khu thương mại cửa khẩu, con đường giao thương sang nước bạn Lào. Những nỗ lực không ngừng, những công trình đang dần hoàn thiện là minh chứng để có thể tin giấc mơ đó ngày càng đến gần hơn.

ALĂNG NGƯỚC - PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Đảng bộ huyện Nam Giang (28.6.1949 - 28.6.2014): Trên vùng đất anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO