Đúng ngày này cách đây 70 năm, Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi thi đua yêu nước. Trải qua hành trình lịch sử với công cuộc kháng chiến và kiến quốc, các phong trào thi đua đã dấy lên từ tiền tuyến đến hậu phương góp phần quyết định cho thắng lợi diệt giặc ngoại xâm, diệt giặc đói, giặc dốt.
Dù đất nước giờ đây đã chuyển qua thời đại mới nhưng lời hiệu triệu của Bác vẫn còn nguyên ý nghĩa: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Nếu thi đua là hành động thì khen thưởng là kết quả. Không thể nào đo đếm hết bao nhiêu tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được khen thưởng qua các thời kỳ. Cũng không thể đo đếm giá trị của các phần thưởng cao quý bằng vật chất mà nhiều khi chỉ có ý nghĩa động viên cho những người anh hùng, chiến sĩ thi đua. Bởi giá trị của lòng yêu nước vừa là nhân vừa là quả, khó đo đếm cụ thể bằng đại lượng nào. Thời chiến, không ai muốn lấy máu xương để đổi lấy huân chương, nhưng vì lòng yêu nước nồng nàn mà sẵn sàng lên đường đánh giặc quên mình. Thời bình, không ai muốn rời bỏ cuộc sống đời thường yên ấm mà lao vào những nơi gai góc để được vinh danh, nhưng vì ý thức công dân và lòng yêu nước mà đóng góp công sức cho cộng đồng, xã hội. Quả ngọt của những người anh hùng, chiến sĩ thi đua tạo ra chính là ý nghĩa sự cống hiến vì dân vì nước.
Hiểu như vậy mới thấu cảm được những câu chuyện điển hình vừa được kể trong dịp kỷ niệm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Đó có thể là hình ảnh của người lính già, Anh hùng lao động Trần Hồng Quảng, đã từng tình nguyện lên đường vào miền Nam chiến đấu, rồi trở về với tấm thẻ thương binh nhưng vẫn đau đáu lo cho 200 đồng đội và con em họ có chỗ làm việc cải thiện cuộc sống ở một xí nghiệp tại Hải Phòng. Đó có thể là một nữ doanh nhân làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty CP Du lịch cộng đồng Kotam, tỉnh Đăk Lăk, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh đã nỗ lực tạo việc làm cho đồng bào người dân tộc Ê đê.
Đó có thể là câu chuyện về anh nông dân Phạm Văn Hát, ở Hải Dương dù chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào nhưng đã sáng chế nhiều sản phẩm máy nông nghiệp xuất khẩu đi hơn 10 quốc gia và tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đó có thể là một ngư dân kiên cường bám biển làm giàu trên quê hương đất Quảng, như ông Huỳnh Minh Cảnh, người tổ chức một đội tàu đánh bắt xa bờ và cơ sở hậu cần ở Tam Quang, Núi Thành. Đó có thể là một thiếu niên tài năng - em Nguyễn Lê Cẩm Huyền, 11 tuổi, vận động viên môn Cờ vua tỉnh Quảng Ninh, đã xuất sắc đoạt 6 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc tại các giải Cờ vua thế giới, châu Á và toàn quốc, đặc biệt là 1 Huy chương Vàng thế giới v.v. Từ công nhân, nông dân, ngư dân, doanh nhân, bắc hay nam, già hay trẻ, đều có thể từ vị trí của mình mà góp sức thi đua trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, vinh danh tên gọi Việt Nam.
Ngày nay, nước ta đang hội nhập sâu rộng. Vì thế đòi hỏi phải gieo nhân lành để gặt quả ngọt trong thi đua không phải là sự hô hào phong trào “khi lên khi xuống”, trọng hình thức mà thiếu thực chất. Đòi hỏi lớn nhất là việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, làm sao tạo ra mảnh đất thuận lợi để gieo trồng ý tưởng khởi nghiệp và sáng tạo, làm giàu. Nước còn nghèo, dân còn khổ, nên việc phát động các phong trào thi đua phải bắt rễ từ nhu cầu thực tiễn của đời sống, và “cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính” như lời Hồ Chủ tịch căn dặn. Chống tham nhũng, tham ô, lãng phí; chống nạn quan liêu hành chính xa dân; chống bệnh thành tích và chủ nghĩa cá nhân; chống thói lười biếng và ích kỷ… đó là những cách để cho thi đua có hiệu quả, có kết quả tốt hơn. Đó cũng chính là đòi hỏi và yêu cầu đối với bộ máy quản lý, quản trị đất nước, địa phương, vai trò nêu gương của cán bộ. Còn đối với mỗi ngành, lĩnh vực và mỗi người, thi đua tăng năng suất lao động luôn là vấn đề có ý nghĩa tạo động lực phát triển, bởi “bộ đội, công, nông, lao động trí óc đều thi đua và đều tăng năng suất gấp đôi, thì kết quả sẽ thế nào? Kết quả là lực lượng của ta về mọi mặt đều tăng gấp đôi… Kết quả là dân giàu nước mạnh” (Hồ Chí Minh).
Đợt kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc chỉ là câu chuyện của sự kiện để nhìn lại chặng đường đã qua, nhưng thi đua khen thưởng không chỉ nhất thời mà nên nhớ lời Bác dặn “thi đua là phải trường kỳ”. Gieo nhân gặt quả theo dòng sống mà nối tiếp, nhân lành quả ngọt là phải vượt lên chính mình để cống hiến cho đời.
ĐĂNG QUANG