Những năm qua, đồng bào Phật giáo tại Quảng Nam đã có nhiều đóng góp trong sự phát triển chung của tỉnh, trong đó nổi bật là công tác từ thiện nhân đạo.
Đến với trẻ em nghèo vùng cao. |
Đạo gắn với đời
“Một cư sĩ, tu sĩ luôn mang 4 ơn, trong đó có ơn với quốc gia dân tộc. Do đó, ngoài tu hành đạo pháp, cư sĩ, tu sĩ cần mang lại sự giải thoát khổ đau cho chúng sinh. Đạo không tách khỏi đời mà phải tham gia, góp sức xây dựng đời sống ấm no, nhân dân hạnh phúc, đó là nhiệm vụ của người Phật tử” - Hòa thượng Thích Thiện Duyên, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Quảng Nam chia sẻ tâm niệm về tu hành đạo pháp. Với tâm niệm đó, Phật tử trên địa bàn tỉnh dùng chính cái tâm của mình để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Những năm qua, người nghèo, bệnh nhân tâm thần, người bị nhiễm chất độc da cam, trẻ em nghèo… đã nhận được sự giúp đỡ, động viên của tầng lớp tăng ni, Phật tử.
Gia đình Phật tử Tam Kỳ có Đoàn Yến Phi gồm 68 đoàn sinh. Cô Ngô Nhược Thạnh - Đoàn trưởng cho biết, Đoàn Yến Phi thành lập từ năm 2005, tập hợp đoàn sinh từ 50 tuổi trở lên, phương châm hoạt động là làm cho “tốt đời đẹp đạo”. Gần 10 năm qua, Đoàn Phật tử Yến Phi đã thực hiện hàng trăm buổi, chương trình từ thiện thiết thực như nấu cơm, phát cháo tình thương; tặng áo ấm mùa đông ở miền núi; trao xe lăn cho trẻ khuyết tật… Mặc dù tuổi đã lớn, sức không còn khỏe, nhưng nhiều đoàn sinh vẫn cùng với các Phật tử trẻ đi về những xã vùng cao khó khăn để làm công tác thiện nguyện.
Tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi”. |
Chị Nguyễn Thị Trí (49 tuổi, chủ quán chay Bồ Đề Duyên, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) mặc dù đã làm được nhiều việc tốt cho đời nhưng luôn xem đó chỉ là những “hạt cát nhỏ”. Suốt nhiều năm nay, với tấm lòng “từ bi hỷ xả”, chị đã đi khắp nơi đến với người nghèo khó. Chị kể, ban đầu đi vận động để làm từ thiện hết sức khó khăn vì uy tín chưa có nên hiệu quả không cao. “Để tạo sự tin tưởng khi đi vận động mọi người quyên góp làm từ thiện, mình phải làm từ những việc nhỏ, dần tạo niềm tin như xin xe đạp cũ về sửa rồi tặng học sinh nghèo, thăm hỏi giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn… Dần dần nhiều người biết đến tấm lòng “từ tâm” của mình nên tin tưởng và ủng hộ” - chị Trí chia sẻ. Thời gian qua, nhiều cá nhân, công ty, doanh nghiệp đã luôn đồng hành với chị trên con đường từ thiện như Công ty Tân Nhật Minh, Trà Mai Hạc, Nhà buôn Minh Hà… Lâu nay, đều đặn hàng tuần, chị tổ chức chương trình nồi cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào sáng Chủ nhật. Những ngày này, chị Trí đang đôn đáo khắp nơi kêu gọi sự giúp đỡ cho 2 bệnh nhân bị bệnh tim ở huyện Hiệp Đức được đi phẫu thuật.
Đồng hành
“Trong những năm qua, các vị chức sắc, tăng ni, Phật tử đã đồng hành với nhân dân toàn tỉnh tham gia các chương trình “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, từ thiện, nhân đạo… Qua đó, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Thời gian đến, mong các vị chức sắc, tăng ni, Phật tử tiếp tục nỗ lực, đóng góp nhiều hơn nữa vì mục tiêu hạnh phúc cho nhân dân." (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Nguyễn Văn Sỹ) |
Là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân, trong những năm qua, cùng với đồng bào các dân tộc, tôn giáo, tăng ni Phật tử đã đoàn kết một lòng góp sức vào sự phát triển chung của xã hội; hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, chương trình “Nối vòng tay lớn”… Ông Phạm Thanh Hận - Trưởng ban Dân tộc - tôn giáo (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) cho biết, với phương châm đường hướng hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, với vai trò là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ban Đại diện Phật giáo các địa phương luôn thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Thông qua các buổi giảng đạo, thuyết giáo pháp lý, chư tôn đức, tăng ni đã vận động bà con Phật tử sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng trên tinh thần giáo lý của đức Phật “Phật pháp tại thế gian/ Bất ly thế gian giác”.
Từ thiện nhân đạo là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được các tăng ni, Phật tử tham gia hưởng ứng tích cực. Ngoài việc hướng dẫn bà con Phật tử thực hiện tốt công tác Phật sự, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, các chức sắc Phật giáo còn năng nổ nhiệt tình tham gia công tác của địa phương như đại biểu HĐND các cấp, ban chấp hành các tổ chức đoàn thể, ủy viên Mặt trận… Đặc biệt, vừa qua Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị Góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Qua đây, nhiều ý kiến tâm huyết của các vị chức sắc Phật giáo đã tham gia góp phần xây dựng một bản Hiến pháp hoàn chỉnh.
VINH ANH