Nhân lực du lịch: Nóng đâu phủi đó

NAM KHA 14/09/2013 09:22

Thiếu hụt lao động tay nghề cao và luôn xảy ra tình trạng xáo trộn nhân sự là thách thức không nhỏ với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp du lịch Quảng Nam.

Xáo trộn nhân sự

Tốt nghiệp một trường nghiệp vụ du lịch, anh Tr. T đầu quân về Vĩnh Hưng. Làm việc được vài năm, nhân viên pha chế này lại “nhảy sang” Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An sau cuộc phỏng vấn ngắn ngủi. Một năm sau đã lại thấy anh ta đưa những đoàn khách theo tour đi khắp Việt Nam với vai trò hướng dẫn viên. Lý do sự thay đổi này không ngoài việc tìm kiếm một công việc, mức lương thích hợp và thỏa mãn khát vọng được khám phá thêm các miền đất lạ. Câu chuyện của nhân viên này chỉ là một trong những sự thay đổi về nhân lực của du lịch. Xu hướng “nhảy việc” không chỉ dừng lại ở nhân viên mà còn thể hiện mạnh mẽ hơn ở nhân sự cấp cao trong doanh nghiệp du lịch Quảng Nam. Một giám đốc marketing ở khách sạn này lại thấy xuất hiện trong vai trò giám đốc điều hành của một dự án du lịch khác sau vài năm hoặc một trưởng phòng nhân sự ở công ty này đã trở thành phó giám đốc một khách sạn khác… Với bộ phận cấp cao này, lương, thưởng không phải là vấn đề lớn để lý giải cho sự “ra đi” mà đơn giản chỉ là thay đổi môi trường làm việc và tìm kiếm công việc sáng tạo, phù hợp với khả năng của từng cá nhân. Sự liên tục xáo trộn này đã khiến không ít doanh nghiệp đau đầu, đến nỗi ông Lê Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An, kiêm Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam nói là tình trạng dịch chuyển lao động hầu như không kiểm soát nổi. Các doanh nghiệp du lịch khó có thể chủ động giữ chân nhân sự giỏi trước sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau trên địa bàn.

Lao động trong ngành dịch vụ du lịch luôn biến động.
Lao động trong ngành dịch vụ du lịch luôn biến động.

 Kết quả của cuộc khảo sát định lượng của nhóm tư vấn Nguyễn Lan Anh được thực hiện trên 2.557/11.000 lao động tại 50/166 doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam (quốc doanh, tư nhân, FDI) hồi cuối năm 2012 cho thấy số lao động địa phương chiếm tỷ lệ rất cao, tương đương 96,2% tổng số lao động các doanh nghiệp tham gia khảo sát. Còn lại khoảng 3,5% lao động ngoại tỉnh và lao động di cư. Cuộc khảo sát này cũng cho thấy lao động trong ngành du lịch Quảng Nam không tập trung nhiều ở trình độ chuyên môn kỹ thuật nào mà rải đều với số lao động có trình độ công nhân kỹ thuật không có bằng cấp chiếm tỷ lệ lớn nhất (20.4%), nhân lực trung cấp nghề chiếm 19.1%, sơ cấp nghề 17.1%, chưa qua đào tạo 15.1% và chứng chỉ học nghề dưới 3 tháng 13%. Lao động có trình độ đại học và lao động có trình độ cao đẳng nghề rất thấp, chỉ khoảng 10,4% và 5.1%. Trong một diễn trình khác, kết quả khảo sát đánh giá từ phía khách du lịch về chất lượng dịch vụ du lịch tại Quảng Nam tập trung vào kỹ năng phục vụ thì nhìn chung khách hàng hài lòng với chất lượng dịch vụ du lịch. Nhiều khách hàng đánh giá cao về chất lượng tay nghề đầu bếp, nhưng lại đánh giá thấp về mức độ hiểu biết về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của phục vụ bàn. Các nghiên cứu trước đây của dự án SIT/ILO Quảng Nam chỉ ra rằng tỷ lệ luân chuyển lao động trong ngành du lịch tỉnh Quảng Nam là rất cao (từ 20 - 50%). Con số tỷ lệ thay thế lao động cao thông thường có nguyên do từ xu hướng tìm kiếm mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn của người lao động trong điều kiện lao động nghèo nàn nhàm chán, mức lương thấp và thời giờ làm việc bất thường của ngành du lịch. Lực lượng quản lý và lãnh đạo du lịch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phát triển du lịch, đặc biệt cấp giám sát, quản lý bộ phận giỏi còn thiếu so với nhu cầu thực tế nên sự dịch chuyển lao động lòng vòng giữa các cơ sở lưu trú trên cùng một địa bàn thường xuyên xảy ra. ILO khuyến cáo rằng một trong những vấn đề nổi cộm của ngành du lịch Quảng Nam là tỷ lệ luân chuyển lao động cao. Mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống và tích lũy, cơ hội thăng tiến không nhiều là những lý do chính khiến ngành này chưa thực sự hấp dẫn lực lượng lao động trẻ và đại đa số lao động bỏ việc sau một thời gian ngắn làm việc.

Khó tuyển dụng

Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH - TT&DL Quảng Nam, mặc dù doanh nghiệp và khách du lịch đều hài lòng về chất lượng và trình độ của người lao động ngành du lịch. Nhưng doanh nghiệp vẫn than phiền về sự khó khăn trong tuyển dụng lao động. Chỉ có 26% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng việc tuyển dụng lao động theo nhu cầu khá dễ dàng. Còn lại phần lớn doanh nghiệp (56%) gặp khó khăn khi tuyển dụng. Một nghiên cứu khác của ILO cho thấy 54% doanh nghiệp không tuyển được lao động đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm làm việc, 34% doanh nghiệp không tuyển được lao động đáp ứng yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật và tay nghề lao động, 20% thấy có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong tuyển dụng, 10% doanh nghiệp không có năng lực trả đủ lương cho người lao động cần tuyển.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp thì chất lượng kỹ năng nghề du lịch đã phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp. Con số tỷ lệ lao động địa phương trong ngành cao, chiếm 96,2% tổng số lao động. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là do tỷ lệ thay thế lao động cao và việc tuyển dụng lao động khá khó khăn nên dường như doanh nghiệp đã phải tự hài lòng với chất lượng lao động tại địa phương thay vì thu hút nguồn nhân lực từ  tỉnh ngoài. Việc tuyển dụng lao động đã gây khó khăn cho hơn 56% doanh nghiệp. Khó khăn do việc tìm kiếm kỹ năng tay nghề chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp, do các doanh nghiệp cạnh tranh thu hút lao động của nhau và nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của người lao động về điều kiện làm việc và mức lương bổng thích đáng. Sự thu hút nhân lực tự phát, manh mún, thiếu chuyên nghiệp, kiểu như “nóng đâu phủi đó”. Các doanh nghiệp phần lớn tự tuyển dụng trực tiếp bằng hình thức tự tuyển, thông qua mối quan hệ quen biết mà không thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch. Hầu hết nghề phổ biến trong ngành du lịch đều khó tìm người lao động. Điều này cho thấy nguồn cung lao động chưa dồi dào sẵn có cho doanh nghiệp. Nguồn lao động đầu ra từ các các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài, các trường nghề, đại học có tiếng ở các thành phố lớn là địa chỉ đáng tin cậy để tuyển dụng. 4/5 doanh nghiệp mong muốn tuyển dụng lao động đã qua đào tạo. Chỉ có 1/5 doanh nghiệp tự đào tạo tại chỗ cho lao động  phổ thông nhằm tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp và tạo sự gắn kết lâu dài giữa người lao động và doanh nghiệp. Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH- TT&DL Quảng Nam cho biết, Quảng Nam luôn mong muốn phát triển du lịch nhanh và bền vững, trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và cả nước, dự kiến sẽ đón từ 4 đến 6 triệu lượt khách sau năm 2015, phấn đấu tăng chỉ tiêu đón khách mỗi năm tăng 20%. Vì vậy rất cần mở rộng chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cao để đáp ứng yêu cầu phát triển. Và đó là một hành trình dài, rất cần sự vận động không ngừng của chính quyền, doanh nghiệp và của cả người lao động bởi tính bền vững và năng suất công việc mới chính là đích đến của ngành công nghiệp “không khói” này.

NAM KHA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân lực du lịch: Nóng đâu phủi đó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO