Nhân ngày cả nước vì người nghèo 17.10: Sức mạnh cộng đồng

DIỄM LỆ - ANH ĐÔNG 17/10/2014 09:10

Quảng Nam còn 58.269 hộ nghèo và 44.047 hộ cận nghèo. Ngoài chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ giúp đỡ của cộng đồng đối với hộ nghèo, cận nghèo là vô cùng quan trọng.

Chung sức

Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” (gọi tắt là cuộc vận động) do Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam phát động thực sự đã đi vào đời sống. Ở Quảng Nam, cuộc vận động đã được phát động rộng khắp toàn tỉnh, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp hội, chính quyền và nhân dân. Mỗi nơi mỗi cách làm khác nhau, nhưng hầu như đều chú ý vào vận động nội lực trong nhân dân, phát huy tinh thần nhường cơm sẻ áo, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Có thể kể đến mô hình thiết thực như “Hũ gạo tình thương”, “Đồng tiền nhân đạo”, 10 hộ giúp một hộ nghèo tại chỗ... Ông Trương Văn Mười - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, cho biết: “Đối tượng hướng đến của cuộc vận động chính là những người nghèo yếu thế nhất trong xã hội như đau ốm, nạn nhân chất độc da cam, già yếu neo đơn... Những đối tượng này không còn chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần, nên cần sự động viên, giúp đỡ của toàn xã hội. Họ chính là những địa chỉ nhân đạo cần được trợ sức cấp thiết nhất. Sự trợ sức không chỉ ở đồng tiền bát gạo, miếng cơm manh áo mà còn là sự gần gũi, động viên họ vượt qua bệnh tật, nghèo khó để vươn lên trong cuộc sống. Từ đó, họ có một chỗ dựa về tinh thần vững chắc, tin tưởng và cố gắng tự giúp chính bản thân mình”.

Bà Đặng Thị Hoa tạm trú tại Trạm Y tế xã Bình Quý, hơn 2 năm nay sống nhờ vào nguồn  trợ giúp của cộng đồng. Ảnh: VINH ANH
Bà Đặng Thị Hoa tạm trú tại Trạm Y tế xã Bình Quý, hơn 2 năm nay sống nhờ vào nguồn trợ giúp của cộng đồng. Ảnh: VINH ANH

Cuộc vận động được triển khai ở Quảng Nam hơn 5 năm, đã có 12.458 người nghèo khó khăn nhất được lập hồ sơ cần trợ giúp, và 12.313 người nhận được sự trợ giúp thiết thực, thường xuyên. Hơn 30 tỷ đồng là số tiền mà toàn xã hội đã trợ giúp cho những người nghèo yếu thế này. Nhiều hình thức trợ giúp được các cấp, hội thực hiện mang lại lợi ích thiết thực cho người hưởng lợi như khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, làm nhà nhân đạo, hỗ trợ học bổng, hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại bệnh viện. Theo đánh giá của Hội CTĐ tỉnh, cuộc vận động phù hợp với chủ trương chung về xóa đói giảm nghèo, có sức lan tỏa trong cộng đồng, thu hút sự tham gia chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và đã trở thành phong trào toàn dân chăm lo cho người nghèo.

Thiết thực

Nhiều năm qua, Công ty TNHH Duyên Hoa đóng trên địa bàn thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình luôn có những đóng góp tích cực trong công tác từ thiện xã hội. Mới đây, hưởng ứng cuộc vận động do Hội CTĐ huyện phát động, công ty đã nhận giúp đỡ thường xuyên cho bà Đặng Thị Hoa (64 tuổi, thôn Quý Phước, xã Bình Quý) với số tiền 200 nghìn đồng/tháng. Nhờ sự giúp đỡ này, hàng tháng bà Hoa có thêm tiền để có cái ăn hàng ngày, mua thuốc lúc ốm đau. Do hoàn cảnh éo le, không chồng con, trong khi bản thân bị tai nạn cách đây hơn 2 năm nên không còn đi làm được, bà Hoa phải xin tá túc trong căn phòng của Trạm Y tế xã Bình Quý, hàng tháng sống dựa vào nguồn trợ cấp, giúp đỡ của cộng đồng.

Huyện Thăng Bình được đánh giá là đơn vị có cách làm hiệu quả nhằm thực hiện cuộc vận động này. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Thăng Bình, cho biết, mặc dù cuộc vận động được triển khai hơn 5 năm nay nhưng đến năm 2013 mới thực sự phát huy hiệu quả. Nguyên do ban đầu Hội CTĐ huyện phải bắt tay vào công tác tuyên truyền để mọi người hiểu về ý nghĩa của cuộc vận động. Sau đó mới triển khai cụ thể đến từng tổ chức, cá nhân cụ thể nhằm hưởng ứng cuộc vận động này. Qua việc khảo sát từng đối tượng hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn…, Hội CTĐ huyện đã đi đến từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn để vận động nhận đỡ đầu giúp đỡ theo từng hoàn cảnh cụ thể. Đặc biệt, nhằm phát huy tác dụng trong hình thức vận động, Hội CTĐ huyện đã tổ chức cho các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu theo từng đối tượng ở địa bàn mà cơ quan, đơn vị mình tham gia kết nghĩa. Đến nay toàn huyện có tổng cộng 54 cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân tham gia nhận đỡ đầu, giúp đỡ thường xuyên cho 57 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi tháng, các trường hợp được nhận đỡ đầu sẽ được hỗ trợ 200 - 300 nghìn đồng/tháng. “Mặc dù đến nay số người được trợ giúp vẫn còn khiêm tốn so với số người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện, nhưng phải nói rằng, cuộc vận động đã từng bước nâng cao nhận thức của mọi người, mọi cơ quan, doanh nghiệp trong việc phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong việc giúp đỡ người nghèo” - ông Dương nhấn mạnh.

DIỄM LỆ - ANH ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân ngày cả nước vì người nghèo 17.10: Sức mạnh cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO