Nhân ngày Khí tượng Thế giới (23.3): “Bắt bệnh” thời tiết

TRẦN HỮU 21/03/2013 08:41

Địa bàn Quảng Nam luôn nằm trong “vòng xoáy” của biến đổi khí hậu, chịu tác động nặng nề do thiên tai gây ra. Vì vậy, ngành khí tượng thủy văn đã không ngừng đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, dự báo chính xác thời tiết, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra để bảo vệ cuộc sống và tài sản nhân dân.

“Trở tay” kịp thời

Những năm qua, thời tiết, thủy văn ở miền Trung cũng như Quảng Nam diễn biến khác thường, biểu hiện ở nhiệt độ thay đổi liên tục, chế độ mưa, dòng chảy, tình hình xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán, dông sét, bão… xuất hiện với tần suất dày đặc, phức tạp. Ví dụ, mùa mưa năm 2012, ở vùng đồng bằng lẫn miền núi lượng mưa kết thúc không tuân theo quy luật mùa thông thường. Theo thống kê, lượng mưa thiếu hụt dao động từ 35 - 55% (tương đương với lượng mưa từ 400 - 1.700mm). Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, thời tiết “trái nết” tiếp tục tái diễn vào khoảng 2 tháng (tháng 3 và 4) năm nay. Chính vì lượng mưa nhỏ không bổ sung kịp thời lượng nước thiếu hụt, gây nên tình trạng dòng chảy cạn kiệt, khả năng khô hạn diện rộng và mặn xâm nhập sâu. Nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp năm 2013 trên địa bàn tỉnh là khó tránh khỏi. Nhờ có được thông tin cảnh báo về hạn hán sớm (trước 3 tháng) mà ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương lập phương án, kế hoạch sản xuất, gieo trồng và ứng phó với thời tiết một cách tốt nhất. Đây là cơ sở để Sở NN&PTNT vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành chỉ thị chống hạn năm 2013. Phương án phòng, chống hạn, chống nhiễm mặn đã triển khai trước khi vào vụ sản xuất đông xuân 2012-2013. Theo đó, ngành nông nghiệp đã thống nhất với các nhà máy thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn về lịch điều tiết xả nước phát điện phù hợp với yêu cầu sử dụng nước ở hạ du. Từ nguồn nước tưới tiêu xác định được, ngành nông nghiệp quyết định lịch sản xuất thời vụ, xem xét bố trí cơ cấu và diện tích cây trồng phù hợp nhằm hạn chế thiệt hại cho nhân dân khi nguồn nước tưới bị thiếu hụt hoặc cạn kiệt.

 Nhờ dự báo thời tiết chính xác mà ngư dân chủ động đưa tàu thuyền trú bão an toàn.  Trong ảnh: Neo đậu tàu thuyền ở Cửa Đại, TP.Hội An.Ảnh: T.H
Nhờ dự báo thời tiết chính xác mà ngư dân chủ động đưa tàu thuyền trú bão an toàn. Trong ảnh: Neo đậu tàu thuyền ở Cửa Đại, TP.Hội An.Ảnh: T.H

Rút kinh nghiệm những vụ thất bát trước, năm nay ngành nông nghiệp TP.Tam Kỳ đã “khoanh vùng” sản xuất trải dọc theo ven sông Bàn Thạch, đoạn qua địa bàn xã Tam Thăng, phường An Phú. Những nơi có nguy cơ cao bị nhiễm mặn sẽ được tăng cường công tác quan trắc mặn trước khi sản xuất vụ đông xuân; đồng thời thành phố cũng hỗ trợ, khuyến khích nông dân gieo sạ các loại giống lúa chịu mặn (có thể chịu được độ mặn từ 3 - 4‰) nhằm tránh thiệt hại cây trồng sau này. Tương tự, ở vùng đông các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên…, những cánh đồng thường xuyên bị nhiễm mặn, ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân sử dụng giống chịu mặn, thu hoạch trước khi tình trạng khô hạn cục bộ kéo dài.

Dự báo vụ hè thu năm nay, nguy cơ thiếu nước và nhiễm mặn xâm nhập rất cao nên nhiều địa phương đồng bằng ủng hộ triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu sớm hơn mọi năm. Tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn…, chính quyền đã chỉ đạo đối với những vùng nguồn nước không đủ tưới cho lúa nhưng vẫn đảm bảo cho cây màu ngắn ngày, hoặc những vùng không còn nước tưới nhưng khai thác được nguồn nước khác bổ sung thì phải chuyển đổi sang gieo trồng các giống cây chịu hạn như ngô, lạc, đậu tương, đậu xanh, các loại dưa, cà, ớt…

Dự lường rủi ro

Bất cứ dự báo sai lầm nào của ngành khí tượng thủy văn đều có thể gây ra hậu quả thiệt hại nghiêm trọng. Vì đặc thù nghề nghiệp, đòi hỏi cập nhật dữ liệu thường xuyên, chi tiết, độ chính xác cao nên cán bộ chuyên trách thủy văn luôn vất vả với những đợt bão lụt, hạn hán. Trong mùa mưa bão năm 2012, Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh đã phát đi 176 bản tin bão và áp thấp nhiệt đới, 80 tin không khí lạnh và cảnh báo lũ, 7 bản tin nhận định thời tiết, thủy văn nguy hiểm và 54 tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển. Nhờ vậy, các tàu thuyền đã có “vệ tinh” chỉ đường, tránh bão an toàn.

Theo ông Trương Tuyến - Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, hiện toàn tỉnh có 11 trạm đo khí tượng thủy văn quốc gia, 11 trạm đo tự động, 1 ra đa quét đến vùng cao. Xác xuất dự báo thời tiết từ 10 - 15 ngày, độ chính xác đạt hơn 80%; riêng tình trạng hạn hán có thể biết thông tin trước đó 3 tháng. Việc dự báo khoa học, chính xác diễn biến của thời tiết sẽ phục vụ đắc lực cho nhân dân bảo vệ tài sản, phát triển sản xuất. Phản ứng tích cực dễ thấy nhất là trong mùa mưa lũ, nhiều doanh nghiệp lữ hành ở Hội An theo dõi bản tin thời tiết từng giờ, ngày. “Thậm chí, không ít tiểu thương buôn bán mặt hàng áo lạnh còn chủ động liên lạc thông tin về mùa lạnh để kinh doanh tốt hơn. Chính tần số phát tin dự báo thời tiết dày đặc, cập nhật số liệu thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã giúp nhân dân chủ động ứng phó với bất lợi của thời tiết, dự lường được rủi ro, thiệt hại về tài sản cũng như tính mạng. Phục vụ cho lợi ích cộng đồng là mục tiêu cao nhất của ngành khí tượng thủy văn tại địa phương” – ông Tuyến nói. Cũng theo ông Tuyến, chủ đề được chọn cho ngày Khí tượng thế giới năm 2013 là “Theo dõi thời tiết để bảo vệ tính mạng và tài sản”. Chủ đề nhằm nhấn mạnh vào một trong những lý do ra đời và tồn tại của Công ước Tổ chức Khí tượng thế giới (chính thức có hiệu lực vào năm 1950), đó là giảm thương vong và thiệt hại do các hiểm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước gây ra.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân ngày Khí tượng Thế giới (23.3): “Bắt bệnh” thời tiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO