Thời gian qua, huyện Đại Lộc đã làm tốt công tác xã hội hóa trong hoạt động hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trở thành “ngọn cờ đầu” của tỉnh về hoạt động này.
Cầu nối
Đại Lộc hiện có 3.028 đối tượng bị phơi nhiễm và bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; trong đó có 1.689 đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bị nhiễm, số con đẻ của họ (thế hệ thứ 2) bị phơi nhiễm chiếm 1.339 đối tượng, còn lại 44 đối tượng là cháu, thuộc thế hệ thứ 3. Trong số đối tượng nêu trên, hiện có 257 nạn nhân được hưởng chế độ của Nhà nước hằng tháng theo diện trực tiếp và gián tiếp. Ngoài mức hỗ trợ từ Nhà nước, nhiều năm qua, Đại Lộc đã kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng trong việc chung tay giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh. Cụ thể, trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đại Lộc đã gây quỹ giúp đỡ các nạn nhân với số tiền 1,177 tỷ đồng trong tổng số 7 tỷ đồng tổng nguồn vận động của các cấp hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Cộng đồng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân da cam/dioxin. |
Theo ông Trần Văn Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, để làm tốt công tác xã hội hóa trong hoạt động hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân da cam/dioxin, Đại Lộc đã không ngừng kiện toàn đội ngũ cán bộ công tác hội và các chi hội cơ sở. Huyện ủy, HĐND - UBND huyện thường xuyên làm việc với các hội nói chung để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của hội trong việc giải quyết chế độ, vướng mắc và đề ra định hướng hoạt động cụ thể. Nhiều năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã thực hiện vai trò “cầu nối”, là “cánh tay nối dài” giữa các đối tượng nạn nhân và các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. “Để tạo sự tin cậy trong cộng đồng, huyện luôn tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp gặp gỡ, hỗ trợ nạn nhân tại gia đình và tận mắt chứng kiến những số phận, hoàn cảnh thương tâm đó” - ông Mai chia sẻ.
Từ sự chung tay, góp sức của cộng đồng, nhiều nạn nhân thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đã nhận được học bổng hay sự đỡ đầu trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Ví như trường hợp của Trương Thị Thương (Đại Hồng) - sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng, khoa công nghệ thông tin. Chỉ có chiều cao 50 phân, không có khả năng đi lại, nhưng nghị lực đến trường của cô đã được bù đắp xứng đáng khi nhiều tổ chức, nhà hảo tâm đã ủng hộ cô trong suốt 4 năm đại học. Hay như trường hợp của Võ Thị Thanh Thảo (Đại Đồng), có chiều cao 70cm. Thanh Thảo cũng vừa mới đỗ Đại học Đà Nẵng với 17 điểm. Để Thảo có điều kiện thực hiện ước mơ nơi giảng đường, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện tiếp tục vận động để giúp em trang trải học phí, chi phí sinh hoạt suốt 4 năm học.
Ngọn cờ đầu
Năm 2013, Đại Lộc trở thành ngọn cờ đầu trong công tác hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Và nhiều năm liền, Đại Lộc đã được Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam và UBND tỉnh trao tặng bằng khen, cờ thi đua xuất sắc. |
Theo ông Trương Tấn Bửu - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện, không chỉ dừng lại ở việc trợ cấp chế độ, chính sách, trao quà cho nạn nhân, huyện hội và chi hội còn chú trọng đến việc hỗ trợ sinh kế giúp nạn nhân từng bước vươn lên trong cuộc sống. Từ nguồn vận động xã hội hóa, đến nay, Đại Lộc đã hỗ trợ xây dựng tổng cộng 7 nhà tình thương và giúp nạn nhân sửa 6 nhà với tổng giá trị 300 triệu đồng. Ngoài vận động tổ chức Bảo trợ trẻ em Pháp tại Việt Nam nhận đỡ đầu 16 trẻ em bị phơi nhiễm chất độc trên địa bàn huyện với mức hỗ trợ hàng năm khoảng 5 triệu đồng/em, huyện hội còn vận động tổ chức này hỗ trợ vốn vay với lãi suất 0% nhằm hỗ trợ sinh kế cho gia đình nạn nhân. Giai đoạn 2013-2014, từ kênh này, đã có 9 gia đình được vay vốn mua 9 con bò và một gia đình được hỗ trợ vốn vay để mua máy may công nghiệp. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho nạn nhân với các lớp mộc, chổi đót, nhạc tang… đã được xúc tiến. Dự kiến, sắp tới huyện sẽ mở một xưởng dịch vụ tập hợp các nạn nhân vừa đào tạo nghề, vừa hỗ trợ đầu ra để các đối tượng có thu nhập, ổn định đời sống.
Ông Bửu thông tin, qua số liệu từ dự án “Hòa nhập cộng đồng xã hội cho người khuyết tật” được triển khai tại 5 xã của Đại Lộc, phần lớn trẻ em khuyết tật lại là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Điều đó cho thấy, đối tượng thuộc diện bảo trợ này rất lớn. Thời gian tới, công tác khảo sát, điều tra số lượng nạn nhân thuộc nhóm đối tượng này sẽ được chú trọng đúng mức. Việc khảo sát, ưu tiên nhóm đối tượng thứ 3, tức cháu những người trực tiếp tham gia kháng chiến là hết sức cấp bách. “Các cháu thuộc nhóm đối tượng này nếu được phát hiện, hỗ trợ điều trị kịp thời thì chắc chắn nhiều cháu bị dị tật trải qua quá trình điều trị, hỗ trợ chức năng dần sẽ có thể vận động, đi lại. Vấn đề là các cháu phải được can thiệp kịp thời ở độ tuổi phù hợp” - ông Bửu chia sẻ. Để thực hiện nhiệm vụ can thiệp, hỗ trợ trẻ em nhóm đối tượng này, hội đã và đang vận động tổ chức Bảo trợ trẻ em Pháp tại Việt Nam và tổ chức CRS với mong muốn hai tổ chức trên tiếp tục hỗ trợ dụng cụ phục hồi chức năng để trang bị cho cơ sở phục hồi chức năng lưu động trên địa bàn huyện để điều trị, hỗ trợ kịp thời cho những trẻ em bất hạnh.
HOÀNG LIÊN