Những năm qua, diện tích rừng phòng hộ ở những khu vực mang tính xung yếu cao do Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam quản lý luôn được mở rộng, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.
Người dân tham gia trồng rừng
Đầu năm 2014, xã Tam Đại thành lập Tổ hợp tác (THT) số 1 Tam Đại do ông Nguyễn Đại Nam (thôn Đại An, Tam Đại) làm tổ trưởng. Tổ hợp tác chuyên nhận trồng rừng và chăm sóc rừng cho các dự án triển khai trên địa bàn. Cuối năm 2014, BQL rừng phòng hộ Phú Ninh (nay là BQL rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam) triển khai dự án trồng rừng thay thế ở khu vực Dương Mốc (xã Tam Đại) với 31,27ha. THT số 1 Tam Đại được chọn là đơn vị thi công dự án này.
Ông Nam cho biết, ban đầu THT chỉ có 3 thành viên, nhưng để đáp ứng công việc, đơn vị phải hợp đồng thêm 4 người. Các loại cây được trồng ở khu vực Dương Mốc quy định phải là cây bản địa nên dự án chọn cây lim và lát hoa. Sau 1 năm trồng đúng quy trình kỹ thuật, đến nay, THT số 1 Tam Đại vẫn đang nhận chăm sóc rừng với những phần việc phát thực bì, dặm cây chết, cuốc vun gốc và các biện pháp lâm sinh khác.
“Vì chúng tôi đều là dân lao động nên việc nhận dự án trồng và chăm sóc rừng cũng không có gì vất vả. Tuy nhiên, thời gian đầu, việc tiếp thu phương án kỹ thuật để đảm bảo đúng quy trình hơi khó. Ngoài ra, giống cây lát hoa không thích ứng lắm với thổ nhưỡng địa phương nên sinh trưởng phát triển chậm hơn cây lim. Sau đó, chúng tôi đã thay thế những cây sinh trưởng quá chậm và đến nay, tất cả đều phát triển tốt” - ông Nam nói.
Theo thông tin từ BQL rừng phòng hộ và ven biển Quảng Nam, từ năm 2015 đến nay, đơn vị triển khai 4 dự án trồng rừng thay thế với hơn 118ha tại 2 huyện Phú Ninh và Núi Thành.
Cụ thể, trong năm 2015, ngoài khu vực Dương Mốc, còn có khu vực Dương Huê, Núi Huỳnh hơn 40ha; năm 2016, trồng tiếp tục ở khu vực Núi Huỳnh hơn 30ha; năm 2017, trồng rừng thay thế dự án thủy điện ĐăkPring hơn 16,74ha.
Ngoài ra, đơn vị này còn đang lập thủ tục trồng rừng thay thế 19,62ha, trồng rừng theo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững 25ha, dự kiến trồng tại khu vực Dương Mốc. Kinh phí trồng rừng khoảng 120 triệu/1ha và chăm sóc từ 50/1ha mỗi năm, giảm xuống đến năm thứ 5 thì bàn giao cho đơn vị nhận bảo vệ rừng.
Triển khai trồng rừng ven biển
Theo ông Nguyễn Hữu Phước - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam, thời gian qua, do lưu vực rừng phòng hộ Phú Ninh có mật độ dân cư cao, đời sống người dân quanh lưu vực chủ yếu nhờ vào nghề rừng. Hơn nữa, diện tích canh tác nông - lâm nghiệp xen kẽ với diện tích rừng phòng hộ Phú Ninh nên đôi lúc việc kiểm soát tình trạng xâm hại đến rừng còn khó khăn, chưa được xử lý kịp thời. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ rừng cho người dân cần được chú trọng.
“Việc lựa chọn THT số 1 Tam Đại để đưa người dân địa phương tham gia công tác trồng và chăm sóc rừng của dự án trồng rừng thay thế cũng là một hình thức tuyên truyền ý thức và mang lại công ăn việc làm ổn định cho họ. Ngoài ra, những người dân này cũng làm gương cho người khác tại địa phương, góp phần vào việc bảo vệ rừng trên địa bàn” - ông Phước chia sẻ.
Cũng theo ông Phước, đơn vị đang phụ trách quản lý 11.190,73ha rừng phòng hộ tại 2 huyện Phú Ninh và Núi Thành, ngoài ra còn 3.198,86ha rừng ven biển trải dài từ Núi Thành ra đến Duy Xuyên. Những năm qua, công tác phát triển diện tích rừng ở khu vưc ven biển do các địa phương và kiểm lâm khu vực phụ trách triển khai theo dự án. Đa số loại cây được trồng là keo lưỡi liềm, loài cây sinh trưởng phát triển khá nhanh, phù hợp với thổ nhưỡng đất cát Quảng Nam. Tuy nhiên, keo lưỡi liềm thuộc loài rễ chùm, chịu gió bão kém.
“Đó là những kết quả mà chúng tôi thu thập từ quá trình khảo sát thực tế trong thời gian qua. Chúng tôi đang lập phương án trồng rừng ven biển để trình cấp trên. Theo đó, những khu vực đất trống không chồng lấn quy hoạch dự án kinh tế thì tiến hành triển khai trồng và chăm sóc rừng. Các loại cây đề xuất là mù ca, trầm bù và móc đồng, đây là những giống cây ở địa phương, khả năng chịu hạn tốt vì có rễ sâu, ít rụng lá nên phát huy được công năng chắn cát, ngăn sa mạc hóa như chủ trương ứng phó biến đổi khí hậu” - ông Phước cho biết thêm.