Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện việc sản xuất và liên kết tiêu thụ các chuỗi nông sản an toàn trên địa bàn Quảng Nam, diễn ra hôm qua 17.1.
Thực hiện phương án do UBND tỉnh phê duyệt, trong năm 2017 các đơn vị liên quan đã tích cực chuyển giao kỹ thuật sản xuất và chi hơn 1,5 tỷ đồng hỗ trợ nhiều khâu cho các tác nhân tham gia xây dựng thí điểm những chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, gồm: thịt heo, thịt gà, trứng gà, rau củ quả, nước mắm. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, qua gần 1 năm triển khai, các chuỗi nông sản hoạt động khá tốt và đã tạo ra được những sản phẩm thực sự sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cũng như một số địa phương lân cận. Mô hình này đã giúp các cơ quan có trách nhiệm thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết, đặc biệt là đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện mô hình vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại. Công tác tham mưu và triển khai các chuỗi sản phẩm tại một số địa phương còn hạn chế, vướng mắc trong khâu quy hoạch sản xuất, việc canh tác gặp rủi ro do thời tiết ảnh hưởng bất lợi. Đặc biệt, các tác nhân tham gia chuỗi khó khăn về nguồn vốn đầu tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất không đồng bộ, mối liên kết giữa sản xuất - tiêu thụ chưa mạnh khiến đầu ra của sản phẩm gặp khó…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, việc tiếp tục nhân rộng mô hình chuỗi sản phẩm nông sản an toàn là yêu cầu tất yếu trong thời gian tới. Tuy nhiên, muốn mang lại thành công lớn, đòi hỏi ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên. Đồng thời từ kinh nghiệm của năm qua, sớm nghiên cứu tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân tham gia chuỗi trong quá trình tổ chức thực hiện…
MAI NHI