Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất

MAI NHI 15/04/2022 09:06

Từ hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất giống lúa, huyện Đại Lộc tiếp tục thí điểm liên kết sản xuất hạt lai F1 giống bắp nếp TBM18 và đang quy hoạch xây dựng vùng sản xuất để nhân rộng.

Vụ đông xuân này, hầu hết diện tích sản xuất hạt giống bắp nếp theo mô hình liên kết chuỗi giá trị ở xã Đại Thắng (Đại Lộc) đều cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: M.N
Vụ đông xuân này, hầu hết diện tích sản xuất hạt giống bắp nếp theo mô hình liên kết chuỗi giá trị ở xã Đại Thắng (Đại Lộc) đều cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: M.N

Tiếp sức nhà nông

Ông Huỳnh Sáu ở thôn Thuận Hòa (xã Đại Thắng, Đại Lộc) cho biết, thực hiện chủ trương của chính quyền địa phương, đầu vụ đông xuân 2021 - 2022 gia đình ông chuyển 6 sào đất màu trước đây chuyên trồng đậu phụng, bắp lai, đậu cô ve... sang liên kết với Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên (thuộc Tập đoàn ThaiBinh Seed) sản xuất hạt lai F1 giống bắp nếp TBM18 theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm.

Trước khi triển khai mô hình, ông và nhiều nông dân ở địa phương được công ty và Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Đại Thắng tổ chức các khóa tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất.

Đặc biệt, để tiếp sức cho nhà nông, doanh nghiệp hỗ trợ 100% hạt giống bắp bố và 50% chi phí mua hạt giống bắp mẹ. HTXNN Đại Thắng bán các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... cho nông dân theo phương thức trả chậm (thanh toán vào cuối vụ).

Ông Hoàng Trung Hùng - Giám đốc HTXNN Đại Thắng cho hay, mô hình liên kết sản suất được đơn vị thực hiện từ năm 2008, khi bắt tay với với một số doanh nghiệp có uy tín tổ chức cho nông dân trên địa bàn xã sản xuất hằng năm 150ha hạt giống lúa thuần.

Bình quân 1ha đất canh tác hạt giống lúa thuần mang lại cho nhà nông mức thu nhập hơn 50 triệu đồng mỗi vụ, tăng 8 - 10 triệu đồng/ha so với gieo sạ lúa thương phẩm. Sau 14 năm gặt hái thành công với mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa, từ vụ đông xuân 2021 - 2022, hợp tác xã hợp tác với Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên canh tác hạt lai F1 giống bắp nếp TBM18 theo liên kết chuỗi giá trị.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra mô hình liên kết sản xuất hạt lai F1 giống bắp nếp TBM18 ở xã Đại Thắng (Đại Lộc). Ảnh: M.N
Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra mô hình liên kết sản xuất hạt lai F1 giống bắp nếp TBM18 ở xã Đại Thắng (Đại Lộc). Ảnh: M.N

“Đông xuân năm nay, Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên cùng HTXNN Đại Thắng hỗ trợ nhiều khâu cho 17 hộ nông dân ở 2 thôn Phú Long và Thuận Hòa sản xuất khảo nghiệm hạt lai F1 giống bắp nếp TBM18 với quy mô 40 sào trên xứ đồng Giảng Hòa.

Đây là bước khởi đầu trong thực hiện chủ trương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất màu và đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo nghị quyết của Đảng bộ xã Đại Thắng. Để mô hình này mang lại hiệu quả, địa phương thành lập tổ công tác trực tiếp chỉ đạo sản xuất. Việc phối hợp giữa tổ công tác với ban dân chính các thôn và hợp tác xã, doanh nghiệp khá chặt chẽ” - ông Hùng nói.

Mở rộng diện tích

Theo lãnh đạo HTXNN Đại Thắng, đông xuân 2021 - 2022, mặc dù trong vụ thời tiết diễn biến bất lợi nhưng hầu hết ruộng bắp phát triển tốt, ít bị nhiễm những loại sâu bệnh nguy hiểm và nhờ cứng cây nên khả năng chống đổ ngã tốt.

Ông Hồ Văn Chín - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Thắng cho biết, đông xuân năm nay gia đình ông tham gia mô hình liên kết sản xuất hạt lai F1 giống bắp nếp TBM18 trên 200m2 đất. Cuối mùa thu hoạch, tổng sản lượng bắp mẹ hái được là 126kg, bán cho doanh nghiệp với mức giá 37 nghìn đồng/kg, thu được hơn 4,6 triệu đồng.

Cùng với đó, tận dụng bán bắp trái đực được khoảng 200 nghìn đồng. Như vậy, tổng thu nhập từ 200m2 đất canh tác bắp nếp TBM18 của gia đình ông Chín hơn 4,8 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 4,2 triệu đồng.

“Quy ra 1 sào (500m2) đạt mức lãi ròng 10,5 triệu đồng. Trước đây trồng bắp lai thương phẩm, bình quân mỗi sào thu được chừng 1,9 triệu đồng” - ông Chín cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nhìn nhận, mặc dù là vụ đầu tiên liên kết với doanh nghiệp sản xuất hạt giống bắp nếp thế hệ F1 nhưng nông dân xã Đại Thắng thực hiện mô hình này khá hiệu quả, bình quân 1ha đạt giá trị 110 - 125 triệu đồng/vụ. Vấn đề quan trọng hơn là đầu ra sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ nên nhà nông rất yên tâm.

“Từ thành công của mô hình, chúng tôi đã đề nghị Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên thời gian tới tiếp tục liên kết với nông dân Đại Lộc tổ chức sản xuất hạt giống bắp nếp theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn.

Trong giai đoạn đầu, huyện sẽ quy hoạch xây dựng một số khu vực chuyên sản xuất hạt giống bắp nếp ở xã Đại Thắng và các địa phương có đất màu ven sông nhiều như Đại Cường, Đại Minh, Đại Phong... với diện tích khoảng 50ha.

Nếu việc hợp tác sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực, Đại Lộc sẽ linh hoạt vận dụng các chính sách hỗ trợ nông dân tiếp tục nhân rộng mô hình, xây dựng huyện trở thành vùng trọng điểm sản xuất hạt bắp nếp giống với quy mô 400 - 500ha để cung cấp cho thị trường cả nước và xuất khẩu” - ông Hồ Ngọc Mẫn nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO