Nhân rộng mô hình nuôi cá nước ngọt

VIỆT QUANG 28/09/2016 09:14

Trên cơ sở thành công bước đầu của mô hình nuôi ghép cá điêu hồng với cá trắm cỏ, huyện Nông Sơn có định hướng phát triển rộng khắp, đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản.

Thu hoạch cá tại hộ gia đình ông Nguyễn Bảy.  Ảnh: v.quang
Thu hoạch cá tại hộ gia đình ông Nguyễn Bảy. Ảnh: v.quang

Nuôi cá lồng thành công

Đầu tháng 3.2016, hộ ông Nguyễn Bảy (thôn Trung Nam, xã Quế Trung, Nông Sơn) triển khai nuôi ghép cá trắm cỏ với cá điêu hồng trong lồng bè ở hồ thủy lợi Trung Lộc từ sự hỗ trợ 100% cá giống, 50% thức ăn và 30% vật tư nuôi thủy sản của Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam. Ông Bảy thiết kế lồng cá có thể tích 62,5m3, thả nuôi 4 nghìn con cá điêu hồng và 2 nghìn con cá trắm cỏ. Sau gần 7 tháng thả nuôi, cá phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt không nhiều, ông Bảy thu được tổng cộng hơn 1,5 tấn cá, bán được xấp xỉ 100 triệu đồng. “Tính tổng các khoản chi phí là 70 triệu đồng, gia đình tôi lãi 30 triệu đồng. Nhà nước hỗ trợ 35 triệu đồng rồi nên tổng thu của chúng tôi là 65 triệu đồng. Chúng tôi sẽ tự đầu tư nuôi với quy mô lớn hơn ngay sau khi xuất bán lứa cá này. Lồng bè ở trên hồ vẫn còn kiên cố lắm” - ông Bảy nói.

Hỗ trợ nông hộ nuôi thủy sản

Một số hộ nuôi cá trên địa bàn huyện Nông Sơn thắc mắc, huyện khuyến khích nuôi cá tại các hồ thủy lợi thì khi ngành nông nghiệp bắt buộc phải xả nước sau vụ lúa hè thu, người nuôi phải xử lý thế nào nếu chưa đến kỳ thu hoạch? Nuôi cá trong lồng bè có quy mô lớn khác hoàn toàn với tập tục nuôi quảng canh trong vườn nhà thì các ngành chức năng có triển khai hỗ trợ về vốn, về kỹ thuật cho người nuôi không? Về điều này, ông Nguyễn Đình Sử cho rằng, xả nước tại các hồ thủy lợi sẽ không bao giờ đến mực nước chết. Bởi vậy nguồn nước trong hồ vẫn đủ để cá phát triển, các nông hộ yên tâm. Về vốn, việc vay ở các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng chính sách xã hội đã rộng mở, các nông hộ nên tiếp cận, huyện sẽ hỗ trợ về pháp lý. Ông Võ Văn Long - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho rằng, sẽ hỗ trợ về kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, tạo điều kiện giúp Nông Sơn nuôi thủy sản thành công. Ngành khuyến ngư tỉnh cũng sẽ đề xuất Sở NN&PTNT cũng như Trung tâm Khuyến nông quốc gia bố trí kinh phí, tiếp tục triển khai các mô hình nuôi thủy sản mới cho Nông Sơn nói riêng, các địa phương của tỉnh nói chung.

Tương tự, gia đình ông Phan Văn Minh cũng được Nhà nước hỗ trợ 100% cá giống điêu hồng và trắm cỏ, 50% thức ăn và 30% vật tư nuôi thủy sản. Ông Minh cũng đầu tư nuôi 4 nghìn con cá điêu hồng, 2 nghìn con cá trắm cỏ và thu được giá trị kinh tế ngang bằng với gia đình ông Bảy. “Cá trắm cỏ dễ nuôi, ít tốn tiền mua thức ăn nên nhiều hộ đầu tư nuôi trong vườn nhà. Chúng tôi vừa nuôi cá trắm cỏ vừa nuôi thêm cá điêu hồng để dễ bán sau khi thu hoạch. Chúng tôi sẽ đầu tư lớn hơn để tận dụng lợi thế” - ông Minh nói. Ông Minh cũng cho biết, trong quá trình nuôi cá, thường xuyên vệ sinh lồng và kiểm tra lưới bố trí xung quanh để ngăn cá thất thoát ra ngoài. Gia đình cũng luôn chú ý vớt thức ăn thừa ra khỏi lồng cá để tránh tác động xấu đến môi trường nước. Cùng với đó là bố trí hệ thống sục khí để cung cấp đủ ô xy cho cá khi nắng nóng kéo dài.

Theo ông Trần Văn Lưu, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Nông Sơn, các hộ nuôi cá đều rất nhiệt tình khi triển khai mô hình. Tỷ lệ cá sống đến gần 75%, cao hơn kỳ vọng ban đầu. Nếu các nông hộ giữ lại cá để bán khi trái vụ thì giá trị kinh tế cao hơn nhiều bởi lúc đó giá cá sẽ tăng hơn 60 nghìn đồng/kg và trọng lượng cá cũng sẽ đạt bình quân hơn 0,5kg/con.

Đa dạng đối tượng nuôi

Ông Lê Văn Sơn ở thôn 3, xã Quế Lộc cho biết, gia đình nuôi cá nước ngọt ở hồ thủy lợi Hóc Hạ được gần 3 năm nay. Trên bè có thể tích 250m3, ông Sơn bố trí đều 4 lồng nuôi 4 loại cá chuyên biệt là cá trê, cá trắm cỏ, cá mè và cá trôi. Khi đến kỳ thu hoạch, ông Sơn liên tục vớt riêng mỗi loại cá để bán ngoài chợ hay theo đơn đặt hàng của các nhà hàng. “Thuận lợi lớn nhất là điều kiện nguồn nước, môi trường xung quanh bè nuôi cá ổn định. Riêng tôi cũng dành nhiều thời gian để tìm hiểu nuôi cá quy mô lớn ở các hồ thủy điện, thủy lợi trong và ngoài tỉnh nên cũng tích lũy kha khá kiến thức để xử lý các tình huống phát sinh. Địa phương tạo điều kiện để người dân nuôi cá thoát nghèo nên chúng tôi yên tâm” - ông Sơn nói. Bà Hồ Thị Tình (thôn Trung Nam, xã Quế Trung) cũng đầu tư nuôi đa dạng các loại cá như cá rô phi, trắm cỏ, lăng nha và mỗi năm thu được hơn 50 triệu đồng. Bà Tình chia sẻ: “Chúng tôi chưa dám mở rộng sản xuất vì còn sợ chưa thể nắm rõ kỹ thuật nuôi tiên tiến cũng như đầu ra sẽ khó hơn khi cá quá nhiều trên thị trường. Mà các địa phương miền xuôi thì chưa lên đây thu mua cá”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Sử - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết, nếu chỉ tính diện tích có thể nuôi cá ở các hồ thủy lợi thì địa phương có tổng cộng khoảng 20ha. Ngoài ra, rải rác trong vườn nhà, các hộ nuôi có thể sử dụng hàng chục héc ta ao hồ để nuôi cá nước ngọt. Chủ trương của huyện là sẽ nhân rộng mô hình nuôi thủy sản. Trước hết, huyện khuyến khích các tổ hợp tác đấu giá thuê mặt nước trên lòng hồ rồi phối hợp với các ngành chức năng tổ chức cho các thành viên và người dân nuôi cá. Ở quy mô nhỏ hơn, các nông hộ cũng nên tiếp thu, học hỏi để triển khai nuôi cá hiệu quả hơn, bằng cách xen canh hay bán thâm canh hoặc quảng canh cũng tốt. “Huyện xem phát triển nuôi cá nước ngọt là cách tốt nhất để tăng thu nhập cho nông hộ, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công. Tổ chức sản xuất, hỗ trợ người dân, tập huấn kỹ thuật, liên kết ổn định đầu ra đang đặt ra vấn đề và chúng tôi sẽ có các giải pháp phù hợp với điều kiện riêng của địa phương” - ông Sử nói.

VIỆT QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân rộng mô hình nuôi cá nước ngọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO