Sản phẩm gà thả vườn theo hướng hữu cơ tại xã Bình Chánh do Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh phối hợp với Hội Nông dân xã triển khai, bước đầu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tháng 2.2019, TTKN tỉnh phối hợp với Hội Nông dân xã Bình Chánh tiến hành chọn các hộ đạt các tiêu chí như có gà giống, diện tích vườn chăn thả, có đủ điều kiện kinh tế đối ứng, tuân thủ các quy trình hướng dẫn để triển khai mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng hữu cơ. Sau 2 lần tiến hành khảo sát, TTKN tỉnh đã chọn nhóm hộ gồm 7 thành viên. Trong quá trình triển khai, TTKN tỉnh đã tổ chức tập huấn về quy trình chăn nuôi gà thả vườn, kỹ thuật phối trộn thức ăn bằng các nguyên liệu địa phương, hợp đồng với cộng tác viên kỹ thuật thường trú tại xã có chuyên môn về thú y để cùng các hộ nuôi gà theo dõi tình hình chăn nuôi.
Ông Lê Thương - Phó Giám đốc TTKN tỉnh cho hay, ngoài các tiêu chí trên, trong quá trình thực hiện, trung tâm đã hỗ trợ 30% vật tư, 50% giá trị máy ép viên thức ăn cho gà. Về các chỉ tiêu kỹ thuật, tỷ lệ gà nuôi sống đến 92%, trọng lượng gà xuất chuồng 1,2 - 1,5kg, giảm mùi hôi phân chuồng, giảm chi phí thức ăn. Với phương pháp nuôi bằng thức ăn tự phối trộn, ép viên với các nguyên liệu như bắp, tấm cám, bột cá thì tốc độ gà sinh trưởng chậm hơn so với thức ăn công nghiệp nhưng chất lượng thịt thơm ngon và chắc hơn. Gà xuất chuồng được thị trường ưa chuộng.
Khoảng 3 năm trước, chị Trần Thị Thu Vân (thôn Ngũ Xã, xã Bình Chánh) tận dụng thức ăn có sẵn tại nhà như lúa, bắp để chăn nuôi gà thả vườn với mỗi lứa nuôi khoảng 200 con. Nhờ có các tiêu chí trên mà chị Vân được TTKN tỉnh chọn tham gia mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng hữu cơ. Đầu năm 2019, khi tham gia mô hình, chị Vân được hỗ trợ 50% giá trị máy ép viên thức ăn, hỗ trợ 30% vắc xin, thức ăn, chế phẩm sinh học. Chị cho biết, gà chăn nuôi theo hướng an toàn nên được nhiều người ưa chuộng. Thịt gà thơm ngon và dai. Vì vậy, lứa gà nào của gia đình cũng có thương lái đến đặt mua mà không cần phải buôn bán đâu xa.
Theo ông Lê Đức Mật - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Chánh, địa phương có nhiều hộ dân làm lúa, rau màu và nghề chăn nuôi gà theo phương thức thả vườn. Tuy nhiên, nguồn thức ăn trong chăn nuôi gà chủ yếu là thức ăn công nghiệp, giá thành sản phẩm cao và khó cạnh tranh với gà thịt công nghiệp, chế độ phòng chống dịch bệnh cho gà chưa bài bản. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi xảy ra khiến nông hộ không dám mạnh dạn đầu tư lớn vào chăn nuôi heo. Vì vậy, mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng hữu cơ tạo ra nông sản sạch cho thị trường tiêu thụ là hướng đi đúng.
“Mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng hữu cơ có khả năng nhân rộng và ứng dụng cao, nông hộ có thể tự nhân rộng trong sản xuất đại trà. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các loại vắc xin theo quy trình hướng dẫn. Từ hiệu quả bước đầu, cuối năm 2019, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình thông qua Dự án liên kết và tiêu thụ gà thịt trong năm 2019 - 2020 với quy mô 4.400 con gà, hỗ trợ thêm 4 máy ép viên” - ông Lê Đức Mật nói thêm.