Nhân rộng mô hình nuôi vịt biển

VIỆT QUANG 01/12/2015 08:50

Tại cuộc hội thảo đầu bờ được tổ chức mới đây, ngành chức năng và địa phương cho rằng mô hình nuôi thử nghiệm vịt biển trên địa bàn tỉnh thu được hiệu quả bước đầu, cần  nhân rộng để cải thiện đời sống cho nông dân.

Nuôi vịt biển mở ra triển vọng mới cho người dân vùng ven biển và hải đảo. Ảnh: VIỆT QUANG
Nuôi vịt biển mở ra triển vọng mới cho người dân vùng ven biển và hải đảo. Ảnh: VIỆT QUANG

Hiệu quả bước đầu

Đầu tháng 4.2015, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam phối hợp với UBND xã Bình Nam (Thăng Bình) và UBND xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) triển khai mô hình nuôi vịt biển cho các hộ dân địa phương. Đây là đối tượng mới, được nuôi thử nghiệm lần đầu nên ngành chức năng đã lựa chọn kỹ càng 12 hộ nuôi đáp ứng đủ các tiêu chí về vốn đối ứng, diện tích ao nuôi nước lợ, nhiệt tình tham gia và tuân thủ các quy trình được hướng dẫn trong khi tập huấn. Đến thời điểm này, vịt đã đẻ trứng và cho hiệu quả kinh tế bước đầu. Ông Nguyễn Đức Định (thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Nam, Thăng Bình), một hộ nuôi tham gia mô hình cho biết, ông được ngành chức năng hỗ trợ 100 con vịt giống cùng một số thuốc và thức ăn để nuôi vịt biển. Đến thời điểm này, 80 con vịt đã đẻ trứng và mang lại hơn 60 quả trứng mỗi ngày. Tính trung bình, mỗi tháng gia đình thu được 4 triệu đồng tiền bán trứng sau khi đã trừ đi chi phí nuôi. “Giá trứng vịt biển bán sỉ được 3 nghìn đồng, bán lẻ thu được 4 nghìn đồng, cao hơn trứng vịt thông thường đến 800 đồng mỗi quả. Trứng vịt biển có tỷ lệ lòng đỏ nhiều, ít tanh nên thơm ngon hơn vịt bình thường. Tư thương rất thích loại trứng này nên cứ chu kỳ 3 ngày là họ đến mua trứng” - ông Định nói.

Vịt biển là con vật nuôi được Bộ NN&PTNT công nhận là đối tượng nuôi mới trên toàn quốc vào giữa năm 2014. Vịt biển là giống kiêm dụng, vừa có thể nuôi lấy thịt vừa nuôi lấy trứng. Vịt biển có sức đề kháng tốt, có thể thích nghi với môi trường nuôi nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Hiệu quả từ nuôi vịt biển ở các vùng ven biển và hải đảo giúp cho người dân ổn định kinh tế, tận dụng các điều kiện tự nhiên sẵn có.

Ông Nguyễn Văn Tiến (thôn Kim Thành, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho biết, gia đình có nhiều diện tích ao nước lợ, nguồn thức ăn phong phú nên đã đăng ký thực hiện mô hình ngay khi nghe được thông tin thí điểm mô hình nuôi vịt biển. Đến nay, 150 con vịt biển phát triển tốt, mỗi ngày đẻ hơn 120 quả trứng. Ông Tiến nói: “Tính trung bình, mỗi ngày gia đình tôi thu được 360 nghìn đồng từ bán trứng vịt biển, sau khi trừ chi phí lãi được 200 nghìn đồng. Nhiều lò ấp trứng lộn trên địa bàn thành phố đến đăng ký mua trứng nên đầu ra rất đảm bảo”. Theo ông Tiến, so với vịt thông thường thì vịt biển có nhiều ưu điểm như ngoại hình bắt mắt, thịt ít mỡ nên không gây ngấy, thịt lại thơm ngon hơn. Bởi vậy, ngoài nuôi vịt biển lấy trứng, gia đình đã thử nghiệm thêm nuôi vịt biển lấy thịt. Vào dịp tết cổ truyền sắp đến, gia đình sẽ xuất bán lứa vịt lấy thịt đầu tiên. Thời điểm này, vịt tăng trưởng rất tốt.

Tại hội thảo đầu bờ được Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư phối hợp với UBND xã Tam Thăng tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng trong điều kiện tự nhiên ở khu vực ven biển, nguồn thức ăn dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình nuôi vịt biển. Các chỉ tiêu đạt được trong thực tế đều lớn hơn lý thuyết đặt ra. Cụ thể, vịt đẻ có trọng lượng 3kg/con, hơn chỉ tiêu 0,5kg; trứng đẻ đạt trọng lượng 85g/quả, nặng hơn 0,5g/quả.

Nhân rộng mô hình

Theo ông Nguyễn Đức Định, hiện số lượng vịt nuôi quá ít, với số lượng chỉ 100 con mà mô hình triển khai thì chưa thể “thâm canh” mặc dù đầu tư công sức rất lớn. Ông Định cho biết sẽ mở rộng đầu tư trong thời gian đến. Gia đình đã chọn được các con vịt ưng ý để đưa vào ấp trứng, tăng thêm số lượng vịt nuôi. “Chúng tôi đã mạnh dạn loại bỏ các con vịt không đủ tiêu chuẩn để làm giống. Dấu hiệu nhận biết vịt không đạt yêu cầu theo kinh nghiệm của chúng tôi là vịt quay lông sớm, bị rụng nhiều lông ở cánh và ở đuôi. Gia đình rất tin tưởng khi nhân đôi số lượng vịt biển nuôi lấy trứng trong thời gian đến thì cũng sẽ nhận gấp đôi lợi nhuận mang lại” - ông Định nói. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Tốt - Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho rằng, qua theo dõi, đã nhận thấy thành công bước đầu của mô hình thử nghiệm nuôi vịt biển. Một mặt, xã khuyến khích các nông hộ tự huy động vốn liếng, công sức để mở rộng đầu tư chăn thả vịt biển. Các nông hộ chưa triển khai mô hình có thể tìm hiểu, học tập và tham gia nuôi vịt biển. Chính quyền xã cũng kêu gọi các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ nông dân nuôi vịt biển trong thời gian đến.

Ông Võ Văn Nghi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam cho rằng, thành công bước đầu của việc thử nghiệm mô hình nuôi vịt biển đã giới thiệu được đối tượng nuôi mới vào ngành chăn nuôi của tỉnh. Qua triển khai, quy trình chăn nuôi vịt biển đang dần được hoàn chỉnh. “Nuôi vịt biển cần được nhân rộng trong thời gian đến để tận dụng những diện tích nước mặn, nước lợ phong phú trên địa bàn tỉnh mà không thể nuôi thủy sản được. Mô hình sẽ góp phần giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định cho các hộ nông dân, đồng thời tạo cơ hội mới cho các địa phương ven biển hoạch định hướng sản xuất mới” - ông Nghi nói. Ông Nghi đề xuất Sở NN&PTNT tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí để triển khai thêm các mô hình nuôi vịt biển mới trong thời gian đến. Đồng thời đề nghị các nông hộ chú trọng công tác vệ sinh thú y, chủ động tiêm phòng, bổ sung kịp thời vitamin cho vịt biển khi thời tiết quá nắng nóng để hạn chế bệnh xảy ra trong quá trình nuôi vịt biển.

VIỆT QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân rộng mô hình nuôi vịt biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO