Nhân rộng mô hình thâm canh đậu phụng

TƯ RUỘNG 14/01/2020 14:04

Vợ chồng chị Hai Trà Đóa ở xã Bình Đào (Thăng Bình) lom khom cuốc chân ruộng đậu phụng xanh mơn mởn. Nghe hỏi về hiệu quả kinh tế của mô hình, chị hồ hởi khoe: “Đông xuân năm ngoái, nhờ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chính quyền địa phương và Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào tích cực vận động, hướng dẫn chuyển đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng đậu phụng thâm canh theo gói kỹ thuật canh tác tiên tiến nên thu nhập của gia đình tôi tăng lên đáng kể. Từ thành công bước đầu đó, vụ này tôi tiếp tục thực hiện mô hình chuyển đổi”.

Trao đổi với Tư tôi, ông Võ Tấn Sanh – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào cho hay, trong vụ đông xuân và xuân hè của năm 2019, đơn vị phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiến hành tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ một số khâu trọng yếu cho 90 hộ dân ở các thôn Vân Tiên, Trà Đóa 2 của xã Bình Đào xây dựng 2 mô hình thâm canh tổng hợp giống đậu phụng mới LDH 01 kết hợp với sử dụng công cụ gieo hạt và chế phẩm sinh học Trichoderma trên tổng diện tích 8ha đất lúa không chủ động nước tưới chuyển đổi sang.

“Bình quân mỗi vụ 1ha đậu phụng của mô hình canh tác khảo nghiệm đạt năng suất 27 tạ khô, bán với giá 30 nghìn đồng/kg thì nhà nông thu được 81 triệu đồng/ha/vụ, tăng ít nhất 51 triệu đồng/ha/vụ so với trước đây gieo sạ lúa. Hiện nay nông dân địa phương đang tập trung mở rộng diện tích, trước mắt trong vụ đông xuân 2019 – 2020 này là hơn 10ha” – ông Sanh nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Lợi – Phó Trưởng phòng Kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với ngành liên quan và chính quyền một số địa phương của Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Nông Sơn... xây dựng 18 mô hình trình diễn thâm canh tổng hợp các giống đậu phụng L14, L23, TB25, LDH 01 kết hợp với sử dụng công cụ gieo hạt và chế phẩm sinh học Trichoderma. Bình quân mỗi mô hình sản xuất khảo nghiệm có diện tích từ 5 - 10ha, trên những chân đất màu hoặc đất lúa kém hiệu quả chuyển sang.

“Khảo sát tại nhiều vùng cho thấy, mỗi vụ 1ha đậu phụng của mô hình cho năng suất từ 25 - 30 tạ. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, nông dân lãi ròng 43 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 2 - 3 lần so với gieo sạ lúa và tăng 35 – 50% so với sản xuất đậu phụng theo phương thức thông thường. Mô hình áp dụng công cụ gieo hạt cũng giúp nhà nông tiết kiệm được 24 công lao động/ha (khoảng 3,6 triệu đồng) so với sản xuất theo truyền thống và giúp tiết kiệm một lượng lớn nước tưới trong điều kiện khô hạn và nhiễm mặn ngày càng diễn ra gay gắt” – bà Lợi nói.

Theo tìm hiểu của Tư Ruộng, bình quân mỗi năm nông dân trên địa bàn tỉnh tổ chức gieo trồng khoảng 9.500 – 12.000ha đậu phụng. Thời gian tới, ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần tích cực hỗ trợ nhà nông nhân rộng mô hình sản xuất này nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích và thích ứng với biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân rộng mô hình thâm canh đậu phụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO