Triển khai mô hình thu gom rác thải, huyện Tây Giang đã nâng cao được ý thức của người dân vùng cao về việc bảo vệ môi trường, góp phần làm diện mạo ở các khu dân cư thêm khang trang, sạch đẹp.
Mô hình thu gom rác thải ở Tây Giang đang được nhân rộng. Ảnh: D.T |
Năm 2013, huyện Tây Giang triển khai thu gom rác thải ở xã Lăng và A Tiêng, ở mỗi xã đều thành lập một đội thu gom rác thải do cấp xã trực tiếp quản lý. Gần hai năm nay, từ khi có mô hình thu gom rác thải, trung tâm xã Lăng trở nên sạch đẹp. Anh Alăng Ríu - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Lăng cho biết, việc thu gom rác thải ở đây được đội dân quân thường trực của xã đảm nhận. Hiện có 20 thùng rác được đặt tại thôn Nal và thôn Rơh, mỗi tuần thu gom từ một đến hai lần tùy theo lượng rác thải. “Khi được vận động, mọi người đều bỏ rác vào thùng nên không còn tình trạng vứt rác hoặc chôn lấp bừa bãi ở khu vực trung tâm xã. Tại các thôn còn lại, chúng tôi cũng tổ chức quán triệt để nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường, đổ rác đúng nơi quy định” - anh Alăng Ríu nói. Còn tại xã A Tiêng - trung tâm hành chính huyện Tây Giang, từ khi trạm xử lý rác thải hữu cơ tại thôn A Ching được đưa vào sử dụng, người dân nơi đây đã quen với việc phân loại rác thải tại nguồn, góp phần xử lý gần một tấn rác thải hữu cơ mỗi ngày để tạo ra phân bón vi sinh. Để có hiệu quả như vậy, chính quyền địa phương đã vận động, hướng dẫn các hộ buôn bán, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân phân loại rác thải. Đồng thời cấp 2 thùng rác loại 20 lít để người dân phân rác hữu cơ và vô cơ. Sau đó, nhân viên môi trường sẽ đến thu gom rác thải để xử lý.
Môi trường được cải thiện nhờ mô hình thu gom rác thải, huyện Tây giang tiếp tục nhân rộng ra hai xã A Nông và Bha Lêê, đem hiệu quả đáng ghi nhận. Ông Ngô Văn Luận - Phó Chủ tịch UBND xã A Nông cho biết, ở 4 thôn của xã đều có đội thu gom rác thải, mỗi thôn đều đặt khoảng 5 - 6 thùng rác và được trang bị 1 xe đẩy rác. Ở thôn trung tâm xã, rác thải được thu gom bởi lực lượng dân quân, các thôn khác bố trí tổ thu gom 2 - 3 người, do thanh niên các thôn tham gia. Chị Alăng Thị Lem (thôn A Cấp, xã A Nông) chia sẻ: “Trước kia dân làng chúng tôi thường vứt rác ra vườn hoặc đổ xuống sông, nay được đội thu gom rác thải tuyên truyền nên tôi bỏ rác vào thùng, thấy nơi sống của mình ngày càng sạch sẽ nên bà con có thêm niềm vui mới”.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Tây Giang cho biết, để đảm bảo việc phân loại và thu gom rác thải được nhân rộng, trong năm 2014 huyện Tây Giang hỗ trợ thêm 250 thùng rác loại 20 lít cho các hộ ở khu vực trung tâm hành chính huyện, đầu tư trang thiết bị vận chuyển như xe đẩy rác, thùng rác, mỗi tháng hỗ trợ 1 triệu đồng để duy trì các đội thu gom. “Qua 2 năm, mô hình thu gom rác thải đã đem lại lợi ích đáng kể. Rác hữu cơ được chúng tôi tận dụng để làm phân bón vi sinh, rác vô cơ được xử lý ở các khu chứa rác thải nằm cách xa khu dân cư. Hệ thống hố được lót bạt, có bể lọc nhỏ theo quy mô cấp xã nhằm đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường” - ông Ngọc nói.
DUY THÁI