Nhân rộng mô hình trồng cỏ nuôi bò

HOÀNG LIÊN 11/10/2013 14:15

Những chân ruộng không chủ động nước tưới, kém hiệu quả hay trên đất gò đồi, nông dân Đại Lộc chuyển sang trồng cỏ nuôi bò nhằm phát triển kinh tế ổn định đời sống.

Hội Nông dân huyện Đại Lộc hỗ trợ bò giống giúp nông dân nghèo ổn định đời sống. Ảnh: XUÂN TRINH
Hội Nông dân huyện Đại Lộc hỗ trợ bò giống giúp nông dân nghèo ổn định đời sống. Ảnh: XUÂN TRINH

Hỗ trợ bò giống

Từ năm 2006, mô hình trồng cỏ nuôi bò đã được Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Đại Lộc thực hiện. Ngoài hỗ trợ hộ nông dân nghèo về bò giống, kỹ thuật chăm sóc, mô hình còn hỗ trợ bà con kỹ thuật trồng giống cỏ voi để chủ động được nguồn thức ăn cho vật nuôi. Bên cạnh mô hình này, dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo từ năm 2004 - 2012 trên địa bàn huyện Đại Lộc đã giúp người nghèo tại các xã Đại Hòa, Đại An, Đại Quang và Đại Chánh cải thiện chất lượng cuộc sống, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại các địa phương. Tại 2 xã Đại Hòa, Đại An, dự án đã hỗ trợ 28 con bò sinh sản cho 28 đối tượng hộ nghèo trên địa bàn 2 xã với tổng kinh phí hỗ trợ 215 triệu đồng. Tại xã Đại Quang, dự án hỗ trợ 54 bò sinh sản cho 36 hộ dân và một số hội viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp (HTX Đại Quang) với tổng kinh phí 557 triệu đồng. Mô hình hỗ trợ 70 con bò sinh sản tại Đại Chánh được thực hiện từ giữa năm 2012 với tổng kinh phí 661 triệu đồng. Cùng với hỗ trợ bò sinh sản, dự án còn hỗ trợ, tập huấn cho nông dân mô hình trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi.

Ông Hồ Mặt - Chủ nhiệm HTX Đại Quang chia sẻ, 10 thành viên của HTX đã nhận được hỗ trợ từ dự án 70 triệu đồng, trung bình mỗi hội viên nghèo được hỗ trợ 7 triệu đồng mua bò giống lai sind. Qua quá trình chăn thả, hiện đàn bò của hội viên còn duy trì 11 con. So với trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi bò đem lại hiệu quả cao hơn nhiều. “Đại Quang có trữ lượng cỏ phong phú trên nhiều loại đất, rất thuận lợi cho việc nhân rộng đàn bò. Nhưng cái khó hiện vẫn là nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cho hội viên nghèo phát triển kinh tế còn hạn chế, trong khi giá trị 1 bò giống lại lớn” - ông Hồ Mặt nói. Bà Phan Thị Phương - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc cho biết, qua thời gian thực hiện dự án, nhìn chung, đàn bò sinh sản ở các xã Đại Quang, Đại Hòa, Đại An và Đại Chánh phát triển rất tốt, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nghèo. Thành công của dự án là giải quyết việc làm ổn định cho 115 lao động nhàn rỗi, giúp 48 hộ trong vùng triển khai dự án thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng tại xã Đại Tân nhằm hỗ trợ nông dân thoát nghèo bền vững bởi Đại Tân thuộc địa phương có tỷ lệ đất gò đồi lớn, diện tích đất ruộng nước trời nơi đây cũng khá nhiều, phù hợp với mô hình.

Nhân rộng mô hình

Chương trình hỗ trợ hội viên nghèo phát triển chăn nuôi gia súc luân chuyển đã được Hội Nông dân huyện Đại Lộc triển khai, trong đó có xã Đại Nghĩa. Hộ ông Nguyễn Đức Thắng (thôn Mỹ Liên) và hộ ông Nguyễn Châu (thôn Đại Lợi) mới đây đã được chương trình cấp phát bò giống với mục tiêu giúp các hộ trên vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Huỳnh Văn Khải - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đại Lộc cho hay, mô hình trồng cỏ nuôi bò đã được hội khuyến cáo tới hội viên. Năm 2013, đề án Hỗ trợ nông dân nghèo về công tác chăn nuôi bò sinh sản của hội được huy động từ nhiều nguồn xã hội hóa. Vài năm gần đây, dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thủy điện sông Bung 4 của Ban quản lý thủy điện Sông Bung đã chọn 10 xã thuộc địa phận Đại Lộc, vùng chịu ảnh hưởng của thủy điện để hỗ trợ trâu bò giống, giúp bà con ổn định và phát triển kinh tế. Bên cạnh nhiều nguồn hỗ trợ khác, bà con 10 xã dọc tuyến sông Bung và Vu Gia đã được hỗ trợ 70 con trâu bò giống; 10 tủ thuốc thú y cũng được cấp phát cho các địa phương phục vụ công tác điều trị, tiêm phòng dịch bệnh cho vật nuôi. Những mô hình trồng cỏ với các giống cỏ năng suất cao cũng được tập huấn, chuyển giao tới bà con. Ngoài ra, 14 hộ dân tại Đại Sơn, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thủy điện được hỗ trợ 14 con trâu bò giống và mô hình trồng cỏ theo kiểu “cầm tay chỉ việc” khiến bà con rất phấn khởi.

Theo ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, trên địa bàn huyện diện tích lúa 1 vụ chiếm tới 100ha đã bị “xóa sổ” do không chủ động được nguồn nước tưới, trên những diện tích này có thể phát triển trồng cỏ nuôi bò. Nhiều diện tích sản xuất cũng chưa được khai thác hết. Bên cạnh đó diện tích đất hoang, vườn tạp kém hiệu quả cũng không nhỏ, bà con có thể lựa chọn những giống cỏ mới trồng để phục vụ chăn nuôi bò. Huyện đang khuyến cáo các địa phương như Đại Tân, Đại Chánh, Đại Thạnh tích cực tuyên truyền người dân những vùng trồng lúa, trồng sắn kém hiệu quả chuyển đổi sang mô hình này. “Trồng lúa lợi nhuận đem lại thấp, nhất là những vùng đất kém màu mỡ, trong khi chăn nuôi bò hiệu quả kinh tế cao, sức tiêu thụ và nhu cầu về bò giống, thịt bò rất lớn. Các địa phương và bà con nông dân những vùng trên cần mạnh dạn chuyển đổi hướng sản xuất để ổn định và phát triển kinh tế” - ông Tính nói.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân rộng mô hình trồng cỏ nuôi bò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO