Thời gian qua, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam nỗ lực chuyển giao cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc để người dân các địa phương miền núi phát triển mô hình trồng dược liệu.
Theo Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, vừa qua, trung tâm đã tham mưu cho lãnh đạo Sở NN&PTNT chủ trì tổ chức bàn giao các vườn trồng bảo tồn, kết hợp với sản xuất giống cây dược liệu về cho các huyện Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn và Nam Trà My quản lý, chăm sóc kết hợp nhân giống phát triển sản xuất tại các địa phương, với diện tích 25ha.
Trong đó, ba kích tím 10ha (Tây Giang 6ha, Đông Giang 4ha); 15ha sa nhân (Phước Sơn 7,5ha, Nam Giang 7,5ha). Qua theo dõi và báo cáo của các đơn vị tiếp nhận, các vườn dược liệu hiện nay sinh trưởng, phát triển khá tốt.
Theo ông Trần Ngọc Bằng - Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, việc nhân rộng mô hình trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt nhiều kết quả khả quan.
Hầu hết địa phương miền núi đều có các mô hình trồng dược liệu, đang được người dân tập trung đầu tư, mở rộng. Như tại Tây Giang, nhiều vườn đảng sâm ở các xã vùng cao như Axan, Ch’ơm, Gari đã tạo ra các sản phẩm được thị trường đón nhận.
Để khuyến khuyến khích người dân trồng đẳng sâm, huyện Tây Giang hỗ trợ 5 triệu đồng/ha. Nhờ cách làm này mà hiện nay diện tích trồng loại dược liệu này ở Tây Giang khoảng 910ha. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương chưa quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí chăm sóc các vườn cây dược liệu.
Trao đổi với báo chí vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, phát triển cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa chủ đạo để góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho người dân miền núi là hướng đi được Quảng Nam triển khai bằng nhiều biện pháp cụ thể.
Đặc biệt, sau khi Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ thông qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều chủ trương và ban hành nhiều cơ chế chính sách để bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Cụ thể, Quảng Nam phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng diện tích khoảng 64.000ha; trong đó diện tích đã trồng hiện có gần 2.500ha; diện tích quy hoạch trồng mới hơn 61.000ha.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo triển khai di thực cây sâm Ngọc Linh về 5 huyện miền núi để trồng thử nghiệm (gồm Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang và Phước Sơn). Trong năm 2021, đã hỗ trợ cây giống sâm Ngọc Linh cho 5 huyện nêu trên (mỗi huyện 1.000 cây giống) để thực hiện trồng thử nghiệm, làm cơ sở để khảo sát, đánh giá tiềm năng, khả năng thích nghi với điều kiện thỗ nhưỡng, khí hậu.
Để nhân rộng các mô hình trồng dược liệu đạt hiệu quả, ngành chức năng của tỉnh đang tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây dược liệu cho người dân.
Theo ông Bằng, năm nay, ngoài việc phối hợp với các đơn vị xây dựng một số mô hình trồng bảo tồn cây ba kích tự nhiên tại huyện Phước Sơn, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam tiếp tục phối hợp với các đơn vị đã thực hiện di thực cây sâm Ngọc Linh trong năm 2021 để theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của cây sâm tại các vùng di thực.
Tham mưu và đề xuất với cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương để cung ứng cây giống cho nhân dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất cây sâm Ngọc Linh. Tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao tỷ lệ cây giống sâm đủ tiêu chuẩn xuất vườn đạt trên 60% để phục vụ công tác bảo tồn và phát triển.
Phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật nghiên cứu và tiếp tục đề xuất với Sở KH&CN để thống nhất triển khai thực hiện nhiệm vụ đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác phòng trừ chuột gây hại sâm bằng biện pháp sinh học...