Nhân rộng nghề trồng nấm ở Tam Trà

VĂN PHIN 24/11/2016 08:41

Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn của một địa phương miền núi thì mô hình sản xuất nấm mèo và nấm linh chi của ông Nguyễn Kim Hải (thôn Trường Cửu, xã Tam Trà, Núi Thành) đạt hiệu quả cao đã mở ra hướng đi mới trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân...

Tam Trà là xã miền núi của huyện Núi Thành, nguồn thu nhập của nông dân chủ yếu từ kinh tế rừng. Các hộ dân đều có diện tích đất vườn xung quanh nhà, bà con trồng các loại cây ăn quả như mít, chuối... nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số vườn nhà có cây tạp nhiều gây lãng phí quỹ đất. Cạnh đó, Tam Trà lại có khí hậu mát mẻ, nước các giếng đào không bị nhiễm phèn, mặn... Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng nấm. Từ đó, Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành đã hỗ trợ ông Nguyễn Kim Hải thực hiện mô hình trồng nấm mèo và nấm linh chi từ tháng 8.2016 trên diện tích 50m2. Cùng với việc hướng dẫn kỹ thuật làm nấm mèo, nấm linh chi, Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành hỗ trợ 5.600 phôi nấm (trong đó có 2.800 phôi nấm mèo và 2.800 phôi nấm linh chi). Ông Nguyễn Kim Hải đầu tư 5,6 triệu đồng để xây dựng trại nấm, lắp đặt hệ thống tưới nước. Qua 3 tháng chăm sóc, mô hình nấm mèo và nấm linh chi của ông Hải bắt đầu cho thu hoạch.

Mô hình trồng nấm của ông Hải. Ảnh: V.PHIN
Mô hình trồng nấm của ông Hải. Ảnh: V.PHIN

Năng suất nấm mèo ước tính đạt 0,1kg/phôi, sản lượng 280kg, giá bán 60 - 80 nghìn đồng/kg, doanh thu khoảng 20 triệu đồng. Về nấm linh chi, năng suất bình quân đạt 0,025kg/phôi, sản lượng 70kg, giá bán 500 - 700 nghìn đồng/kg, doanh thu khoảng 40 triệu đồng. Theo tính toán, nếu hộ đầu tư giống nấm hơn 36,2 triệu đồng (gồm nấm mèo và nấm linh chi), sản xuất 1 vụ nấm trong 3 tháng có lãi 15 - 35 triệu đồng. Số tiền này có thể bù kinh phí xây lán trại, còn các vụ tiếp theo sẽ không tốn chi phí. Ông Nguyễn Kim Hải chia sẻ: “Tôi thấy trồng nấm cũng khá dễ dàng và không tốn nhiều công lao động. Kinh phí đầu tư cũng không lớn, tôi tận dụng vật liệu sẵn có như tre, cây gỗ để làm trại, sử dụng chế phẩm chế biến từ ớt, tỏi sẵn có để phòng trừ sâu bệnh cho nấm. Sản phẩm nấm thu hoạch tiêu thụ dễ dàng nên tôi rất vui và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm nấm cho những hộ khác có nhu cầu”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, trong xu thế hiện nay, phát triển nghề trồng nấm giúp nông dân cải tạo vườn tạp để khai thác hiệu quả kinh tế vườn, kinh tế trang trại, tạo cảnh quan nông thôn sạch đẹp, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các hộ có thể cải tạo các chuồng trại bỏ trống, mái hiên để sản xuất nấm, tận dụng vật liệu sẵn có như tre, cây gỗ nhỏ, các nguyên liệu sản xuất nấm như rơm rạ, thân, cùi bắp, dây đậu, dưa... Nghề trồng nấm lại không tốn nhiều thời gian, hộ làm nấm chỉ tốn công thu hoạch mỗi sáng, sau đó có thể làm công việc khác. Do đó, nghề trồng nấm phát triển sẽ giúp giải quyết một số lượng lao động nông thôn, nhất là trong giai đoạn nông nhàn. Nấm là loại thực phẩm sạch tuyệt đối. Trong quá trình sản xuất, ngoài việc sử dụng nước để tưới, người trồng không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Đây là nguồn thực phẩm sạch, an toàn cung cấp cho xã hội.

Theo ông Lương Văn Lợi - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, phương án phát triển nghề trồng nấm ở Tam Trà thành công, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao, tác động tích cực về mặt xã hội và môi trường, khởi đầu cho việc phát triển nghề trồng nấm tại vùng núi. Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành đang đề nghị UBND xã Tam Trà thông tin rộng rãi về mô hình để các hộ khác học tập phát triển, mở các lớp dạy nghề trồng nấm để nông dân tiếp cận. Đơn vị cũng đề xuất UBND huyện Núi Thành tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình trồng nấm tại xã Tam Trà và những địa phương khác gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trong thời gian đến.

VĂN PHIN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân rộng nghề trồng nấm ở Tam Trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO