Sáng 8.4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh chủ trì buổi làm việc với đại diện Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cùng các đơn vị liên quan nhằm đánh giá tình hình hoạt động và giải quyết những kiến nghị của đơn vị này.
Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam tiếp nhận và quản lý nguyên trạng Trạm Dược liệu Trà Linh từ ngày 25.1.2014 theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Năm 2014, cùng với việc bảo vệ và ổn định vườn sâm nguyên trạng hơn 7,1ha, trạm dược liệu đã thu hái được 175.000 hạt, trồng mới 5.000 cây sâm con, cải tạo và đưa vào trồng mới 1ha sâm. Đến tháng 8.2014, trạm dược liệu có khoảng 167.600 cây sâm, trong đó có 63.000 cây cho hạt. Sở Khoa học - công nghệ cũng đã cung cấp thêm 2.000 cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô để trồng thử nghiệm. Trong năm 2014, tỉnh đã chi ngân sách cho trạm hoạt động với tổng số vốn hơn 1,5 tỷ đồng. Khó khăn hiện nay là việc tranh chấp trạm dược liệu vẫn chưa kết thúc, ảnh hưởng đến tình hình hoạt động và kế hoạch triển khai quy hoạch và phát triển vườn sâm; đội ngũ cán bộ công chức của trung tâm còn hạn chế về chuyên môn, kinh nghiệm; chế độ chính sách đặc thù cho người trồng và bảo vệ sâm Ngọc Linh tại trạm dược liệu chưa thực sự phù hợp với thực tiễn hoạt động...
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đánh giá cao những thành quả ban đầu của trung tâm đối với công tác bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh theo định hướng bảo tồn cây dược liệu quý của tỉnh, đồng thời yêu cầu Sở Y tế và các sở, ban ngành liên quan có hướng hỗ trợ, tạo điều kiện cho trạm hoạt động hiệu quả, hướng tới việc mở rộng diện tích và đảm bảo cung cấp đủ nguồn giống trong tương lai. Trước mắt, UBND tỉnh sẽ sớm đưa ra bàn bạc, thống nhất đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh, tạo tiền đề nhân rộng và phát triển vùng dược liệu sâm tại địa bàn Nam Trà My và một số vùng trong tỉnh.
PHƯƠNG GIANG