Nhân sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 15: Hội An trong nghiên cứu của một người Nhật

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 18/08/2017 09:09

Người đó là GS-TS. Kikuchi Seiichi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa quốc tế (Đại học Nữ Showa, Nhật Bản), Chủ tịch Hội Khảo cổ học Đông Nam Á, nhà khảo cổ học gắn bó với Hội An suốt mấy chục năm qua.

 GS-TS. Kikuchi Seichi (giữa) trao đổi với đoàn làm phim “Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời” về quan hệ thương mại Nhật - Việt vào các thế kỷ XVII – XVIII tại Đại học Nữ Showa.
GS-TS. Kikuchi Seichi (giữa) trao đổi với đoàn làm phim “Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời” về quan hệ thương mại Nhật - Việt vào các thế kỷ XVII – XVIII tại Đại học Nữ Showa.

1. Tôi gặp Kikuchi Seiichi lần đầu vào năm 1995, khi ông đến tham quan Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, nơi tôi làm việc. Bấy giờ Kikuchi đang theo học tiếng Việt tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng đã bén duyên với Hội An qua những bài nghiên cứu công bố ở Nhật Bản và Việt Nam.

Kikuchi Seiichi đến Việt Nam vào năm 1979, cũng là chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên của ông. Trong lần sơ ngộ ấy, Kikuchi đã tiếp xúc với những nhà sử học hàng đầu Việt Nam như Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Diệp Đình Hoa, Phan Huy Lê… và đã được các vị tiền bối này trao truyền sự đam mê đối với lịch sử - văn hóa Việt Nam. Kikuchi đã tìm đọc cuốn “Cơ sở khảo cổ học”, do GS. Trần Quốc Vượng và GS. Hà Văn Tấn biên soạn, rồi mang cuốn sách ấy về Nhật Bản. Sau đó, ông tự học tiếng Việt, sử dụng tự điển Việt - Nhật tra cứu và dịch cuốn sách này sang tiếng Nhật để xuất bản. Đây là cuốn sách đầu tiên về khảo cổ học Việt Nam được xuất bản ở Nhật.

Từ năm 1992 đến năm 1995, Kikuchi sang Việt Nam “trui rèn” tiếng Việt tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông coi đây là chìa khóa để bước vào hành trình nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam. Và Hội An là điểm đến của hành trình ấy.

Kikuchi Seiichi cho rằng việc nghiên cứu về Hội An cần đặt trong bối cảnh nghiên cứu toàn diện về hệ thống thương cảng cổ ở duyên hải miền Trung Việt Nam, trong mạng lưới hải thương ở các nước Đông Á vào thời cận đại, và trong mối tương quan giữa nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học, với bảo tồn di sản văn hóa, bảo tồn kiến trúc của Đô thị cổ Hội An. Ông thường xuyên đưa các đồng nghiệp và sinh viên Trường Đại học Nữ Showa sang Hội An để điều tra, thám sát khảo cổ học các phế tích, nghiên cứu di tích kiến trúc và di sản cảnh quan của Đô thị cổ Hội An, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử - văn hóa của xứ Quảng dưới thời chúa Nguyễn trị vì Đàng Trong, đặc biệt là vai trò của thương cảng Hội An trong mạng lưới hải thương giữa Đại Việt với Nhật Bản và các nước trong khu vực vào các thế kỷ XVII - XVIII.

2. Kikuchi Seiichi chính là người đầu tiên giới thiệu 2 bức tranh cuộn Nhật Bản miêu tả mối quan hệ giao thương Nhật - Việt trong các thế kỷ XVII - XVIII với cộng đồng học thuật Nhật - Việt. Đó là bức tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan (Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ độ hàng đồ quyển) vẽ vào thế kỷ XVII, hiện lưu giữ tại chùa Jomyo-ji ở thành phố Nagoya, và bức tranh Shuin-sen Kochi toko zukan (Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển) vẽ vào thế kỷ XVIII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu.

Từ nghiên cứu của mình, ông đã xác định tên gọi và chức năng của những công trình kiến trúc được vẽ trong 2 tranh cuộn và những nhân vật xuất hiện trong tranh là ai? Theo ông, những hình vẽ và ghi chú trên 2 tranh cuộn đã thể hiện rất rõ vị trí của Cù Lao Chàm, cửa biển Hội An (Cửa Đại), phố người Nhật, phố người Hoa, các thương điếm ở Hội An trong các thế kỷ XVII - XVIII. Ngoài Hội An, 2 bức tranh còn thể hiện những nơi lân cận phố cảng này như Ngũ Hành Sơn và Dinh trấn Quảng Nam.

Cũng từ việc nghiên cứu 2 tranh cuộn này, Kikuchi Seiichi đã làm rõ thân thế một số nhân vật trong tranh, như Thế tử Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635), bấy giờ đang giữ chức Tổng trấn Quảng Nam; con gái của Nguyễn Phúc Nguyên; thương gia người Nhật Araki Sotaro và người vợ Việt Nam của thương gia này là công chúa Ngọc Khoa, con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

Kikuchi Seiichi cho rằng những người vẽ 2 tranh cuộn này là những người rất am hiểu phố cảng Hội An và vùng đất Quảng Nam lúc bấy giờ. Họ đã theo thuyền buôn của người Nhật đến đây, lưu trú khá lâu và quan sát thực địa rất tỉ mỉ mới có thể vẽ được các bức tranh này. Theo ông, đây là những tư liệu quý báu để tìm hiểu về Hội An và Quảng Nam trong các thế kỷ XVII - XVIII. Ông đã công bố kết quả nghiên cứu này trong tham luận “Tranh hải đồ về hoạt động của thuyền buôn Nhật Bản đến Việt Nam trong các thế kỷ XVII - XVIII”  tại hội thảo sử học quốc tế “Nhà Nguyễn ở Việt Nam, giai đoạn 1558 - 1885”, do Viện Harvard - Yenching (Đại học Harvard, Hoa Kỳ) và Viện Nghiên cứu Xã hội và nhân văn Hong Kong (Đại học Trung văn Hong Kong, Trung Quốc) phối hợp tổ chức tại Hong Kong vào tháng 5.2012.

Xác định vị trí tòa công sở của Dinh trấn Thanh Chiêm
Từ 2 bức tranh cuộn “Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ độ hàng đồ quyển” và “Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển”, qua nghiên cứu của GS-TS. Kikuchi Seiichi đã gợi mở những thông tin thú vị cho việc xác định dấu tích công trình tòa công sở của Dinh trấn Quảng Nam trên thực địa.
Từ những “chỉ dẫn” trên 2 tranh cuộn này, Kikuchi Seiichi và các cộng sự Nhật Bản đã khoanh vùng một vị trí nằm thuộc làng Thanh Chiêm (nay thuộc xã Điện Phương, Điện Bàn). Ông cùng các đồng nghiệp đã tiến hành 2 đợt khai quật thám sát để tìm dấu tích của dinh trấn vào các năm 1999 và 2000. Kết quả khai quật thám sát đã làm xuất lộ dấu tích nền móng của một cột trụ lớn có diện tích 1,8m x 1,8m. Năm 2001, Kikuchi trở lại Thanh Chiêm, sử dụng máy quét radar để do thám khu vực xung quanh cột trụ này và đã phát hiện nhiều dấu tích xây dựng tương tự. Những dấu tích này phân bố với khoảng cách đều nhau và xếp thành hàng theo các đường vuông góc với nhau, chứng tỏ đó là dấu vết nền móng của một “tòa nhà lớn”. Tiếp tục khai quật khu vực xung quanh, phát hiện thêm những dấu tích kiến trúc có niên đại vào thế kỷ XVII, bao quanh “tòa nhà lớn” này. Từ đó, Kikuchi Seiichi cho rằng đây chính là dấu tích của Dinh trấn Quảng Nam, phù hợp với miêu tả trong 2 tranh cuộn nói trên.

3. Từ năm 1993 đến nay, Kikuchi Seiichi đã công bố nhiều nghiên cứu liên quan đến Đô thị cổ Hội An tại nhiều hội thảo khoa học ở Việt Nam, Nhật Bản và các nước khác. Những công trình ấy đã được xuất bản thành chuyên khảo “Lịch sử Đô thị cổ Hội An” bằng tiếng Việt và tiếng Nhật. Không chỉ nghiên cứu về thương cảng Hội An, Kikuchi Seiichi còn nghiên cứu về những dòng gốm Nhật Bản, tiêu biểu là gốm Hixen nhập khẩu vào Đại Việt thông qua hệ thống cảng thị ở miền Trung, từ đó lan tỏa sâu vào nội địa, lên tới vùng cao nguyên phía tây xứ Đàng Trong.

Năm 2010, Kikuchi Seiichi xuất bản cuốn “Nghiên cứu Đô thị cổ Hội An từ quan điểm khảo cổ học lịch sử” (Nxb Thế giới, dày 322 trang). Đây là tập hợp những hiểu biết, nghiên cứu quan trọng nhất và đầy đủ nhất của ông về khảo cổ học Hội An.  Năm 2014, khi trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn tiếp thị, Kikuchi Seiichi nói: “Để nghiên cứu về Hội An thì cần phải mở rộng tầm nhìn ra thế giới”. Ông cho biết: “Khi nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh trên vùng đất Hội An xưa, chúng tôi thấy trong các mộ chum có cả những hiện vật bằng đồng và bằng sắt xuất xứ từ Trung Quốc. Trong những đồ gốm cũng có những đồ giống như đồ gốm đào được ở Philippines. Và có một khuyên tai được chế tác bằng đá lấy từ Đài Loan. Như vậy, từ thời tiền sử, Hội An đã giao lưu với rất nhiều vùng đất. Các tài liệu khảo cổ học cũng chứng minh mối liên hệ, giao lưu giữa Champa với Tây Á, Ấn Độ và Trung Quốc thông qua thương cảng cổ ở Hội An. Tôi nghĩ nếu đi sâu nghiên cứu về khảo cổ học Hội An, sẽ lý giải được khởi nguyên của vương quốc Champa”.

Song hành với những nghiên cứu thực địa ở Hội An, Kikuchi Seiichi còn phát hiện, sưu tầm và biên dịch những trước tác của người Nhật từ các thế kỷ XVII - XVIII, hiện lưu trữ trong các thư viện, văn khố của Nhật Bản như: “An Nam quốc phiêu lưu ký” của Nagakubo Sekisui), “Nam biều ký” của Shihoken, “An Nam kỷ lược cảo” của Kondo Juzo..., góp phần hiểu rõ hơn Đàng Trong và Hội An trên phương diện sử liệu từ góc nhìn của người Nhật đương thời. Sự kết hợp giữa các sử liệu này với các phát hiện khảo cổ học về Hội An và xứ Quảng nói chung của Kikuchi Seiichi là những đóng góp quan trọng để định vị vị trí trung tâm thương cảng Hội An xưa, cũng như mối liên hệ về kinh tế, văn hóa và lịch sử… giữa Hội An với phụ cận và liên vùng.

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn tiếp thị năm 2014, GS-TS. Kikuchi Seiichi nói: “Thông qua Hội An mà tôi đã có thể tiếp xúc với những tình cảm phong phú và ấm áp của người Việt và cảm nhận được một đất nước giàu tính nhân văn… Sau khi thôi công việc tại Nhật Bản, tôi dự định mỗi năm sẽ sống nửa năm tại Hội An để nghiên cứu và nửa năm còn lại thì sống tại Nhật”. Thế là đủ biết Hội An có một vị trí đặc biệt trong trái tim của nhà khảo cổ học người Nhật Bản này.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 15: Hội An trong nghiên cứu của một người Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO