Nhân sự... làng

PHAN VĂN MINH 19/03/2017 06:40

Ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết một nhiệm kỳ hai năm rưỡi, dân làng tôi lại đi bầu trưởng thôn. Lần này thì chẳng cần phải “hiệp thương” vì mặc dù danh sách đề cử có tới 7 người nhưng cuối cùng chỉ còn một mình chú Năm, mà cán bộ xã phải về dỗ dành “rớt răng” chú mới chịu ra ứng cử. Tất nhiên một chọn một thì phải trúng. Bữa ra mắt tân trưởng thôn, trông vẻ mặt chú Năm cũng chẳng hồ hởi gì. Chú đã giữ chức này qua hai nhiệm kỳ rồi. Lần này vợ con chú rầy kịch liệt, chú cũng đã qua tuổi 65, vậy mà vẫn không thoát. Trong khi bà con vỗ tay hoan hô tưng bừng, chú dọa: “Quá tam ba bận, lần ni nữa thôi nghe!”. Nhưng nếu lần sau chú không chịu làm thì ai làm đây?

Lễ thanh minh xóm. Ảnh: P.V.M
Lễ thanh minh xóm. Ảnh: P.V.M

Khoảng gần 10 năm trước, xem bộ phim “Gió làng Kình” thấy ở đâu đó sau lũy tre bờ đê, cái chức trưởng thôn vẫn còn là một vị trí mà các tộc họ tranh giành nhau quyết liệt. Vậy mà nay trong ngôi làng hơn 200 hộ dân này có thắp đuốc tìm cũng không ra người mới. Lương trưởng thôn 800.000 đồng/tháng, vừa đủ mua sim điện thoại và đổ xăng. Công việc thì thượng vàng hạ cám. Gần như tất cả mọi chủ trương chính sách, chỉ thị… cuối cùng phải đến trưởng thôn. Riêng cái thời gian đi họp trên xã rồi về triển khai cho dân thấu tình đạt lý đã hết ngày hết tháng. Làm đường bê tông nội đồng: trưởng thôn; vận động thu gom rác thải: thôn trưởng; tổ chức tham gia hội thi… kéo co toàn xã: trưởng thôn… Rồi những chuyện nội bộ trong thôn cũng rất nhiêu khê. Ông thôn trưởng nhà ở tổ 2 mà lập đề án xây nhà văn hóa thôn trên địa bàn tổ 3, thế là bị kiện, bị cho là… “cục bộ địa phương”. Hai nhà tranh nhau một cây dương liễu đến đánh nhau u đầu mẻ trán thì không mời trưởng thôn cũng phải tới hòa giải. Đó là chưa kể có khi bị một bà thím nào đó chặn lại mắng mỏ giữa đường vì bà ta không có tên trong danh sách hộ nghèo… Quả là “trăm dâu đổ đầu… thôn trưởng”. Tội!

Cho nên nếu ở thôn có từ 5 đến 7 chức danh được hưởng phụ cấp hằng tháng  thì riêng cái chức trưởng thôn là ít ai chịu nhận. Bọn trẻ thì dứt khoát không cậu nào tơ tưởng tới rồi. Những nông dân còn sức còn vóc thì rảnh việc đồng lại cầm bay đi phụ hồ hoặc ngồi nhà may giày gia công cho nhà máy, ngày cũng kiếm được từ một đến vài trăm ngàn. Người giàu chỉ lo kinh doanh, cần đóng góp khoản nào thì họ cũng sẵn sàng “làng răng khả năng rứa”, chứ còn đề cử ra làm trưởng thôn thì họ lắc đầu quầy quậy với đủ lý do. Người nghèo quá thì chẳng ai tin. Vì thế có lẽ tiêu chí “mặc nhiên” của trưởng thôn là phải thế này: Biết chút ít chữ nghĩa, nói năng mạch lạc; có uy tín trong làng; không giàu không nghèo; không trẻ không già lẩm cẩm; chịu khó lĩnh lương dưới mức tối thiểu nhưng công việc thì… tối đa. Và quan trọng nhất là phải có tính kiên nhẫn, nhiệt tình trong mọi sự có tên cũng như không tên trong đời sống của thôn. Vậy thì làng tôi còn ai ngoài chú Năm?

Nhưng dù sao, trưởng thôn cũng là chức danh đứng đầu ban cán sự trong một khu vực dân cư và thuộc hệ thống chính quyền cơ sở. Bên cạnh ông còn có các chức danh khác phụ trách từng mảng công việc, dưới ông còn có các tổ trưởng tổ đoàn kết. Nếu việc nào không kham nổi thì ông còn có thể cầu cứu UBND xã hỗ trợ. Nhưng ở một “kênh” khác không thuộc hệ thống chính quyền mà hoàn toàn tự phát, có những chức danh độc lập do từng xóm bầu ra nhưng không có thời hạn nhiệm kỳ. Cần nhắc lại cho những ai “thoát ly” làng quê quá lâu, rằng “xóm” là một đơn vị dân cư mang tính tự phát, không thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Thông thường, “xóm” bao gồm một số hộ cận cư nhiều đời, có ranh giới tự nhiên với các xóm lân cận bởi một gò bãi hay đầm lạch trong làng. Mỗi xóm có Ban xóm. Đây đích thị là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Công việc chính của ông trưởng xóm là tổ chức tế lễ hằng năm tại các ngôi đình miếu tọa lạc trên các “xứ đất” của xóm. Cũng phải họp hành, vận động đóng góp; cũng phải sổ sách, báo cáo thu chi hẳn hoi. Còn một công việc khác tuy không định kỳ nhưng cũng khá cực nhọc là chuyện tang ma. Thông thường ở quê, hễ nhà có người chết là người ta đi báo cho ông trưởng xóm. Ông hỏi ngày giờ rồi đi huy động cho đủ 24 âm công. Thời buổi này, trai tráng trong làng ngày càng vắng bóng, có khi loại U60 cũng phải ghé vai vào khiêng ma. Ông nào thoái thác không chịu đi thì ông trưởng xóm dọa: “Bộ nhà chú hết chết rồi sao?”. Rồi đến giờ hành lễ, nhiều khi đích thân ông trưởng xóm phải đi vác chiêng khiêng trống bởi mấy anh được phân công việc này còn lai rai ba sợi ngoài quán chưa chịu tới. Xóm chỉ có các quy ước… truyền khẩu nên không thể chế tài, không “kỷ luật” được ai. Ông xóm trưởng nào hơi “nhược”, vận động không nghe, điều hành không chạy, chỉ còn nước giậm chân kêu trời rồi hờn lẫy: “Thôi, ai làm đó làm, tui nghỉ!”.

Do vậy, tuy nói “nhiệm kỳ vô thời hạn” nhưng ít có ông trưởng xóm nào tại vị được lâu, giỏi lắm chỉ chịu đựng được ba, bốn năm rồi cũng chán. Bởi cái tiêu chí “mặc nhiên” của trưởng xóm cũng gần gần như trưởng thôn nhưng lại ở một cộng đồng nhỏ hơn, cho nên để tìm cho ra một ông chịu… “vác tù và” ngày càng khó như đãi cát tìm vàng. Đó là chưa kể còn phải bầu ra các vị phụ trách cúng tế. Bây giờ cụ nào cũng than đau lưng, mỏi gối không quỳ lâu được mà cái ông đọc văn lại học được kiểu ở đâu, cứ ê a ngân nga quá dài, chịu không thấu. Rồi còn cái ban khuyến học, cái tổ “lão nông tri mộ” lo chuyện giẫy mả Thanh minh… Một xóm dù nhỏ dù to cũng phải đủ ban đủ bệ, hỏi kiếm đâu cho ra người phụ trách?

Phải chăng, đang có tình trạng “khủng hoảng nhân sự” ở cấp xóm, cấp thôn?

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân sự... làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO