Những năm qua, nhờ nhạy bén trong sản xuất - kinh doanh, HTX Nông nghiệp Đại Thắng (Đại Lộc) vươn lên thành nhân tố điển hình trong phát triển kinh tế hợp tác của tỉnh. Thành công của đơn vị đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.
Mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ
Thành lập năm 1979, do nhiều nguyên nhân, trong thời gian dài, hoạt động sản xuất - kinh doanh của HTX Nông nghiệp Đại Thắng hiệu quả không cao. Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, ngày 26/10/2015 HTX đại hội hết nhiệm kỳ và thay đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012.
Ông Hoàng Trung Hùng - Giám đốc HTX cho hay, đến nay đơn vị có 92 thành viên đích thực từ hơn 2.500 xã viên; hoàn trả cổ phần hơn 180 triệu đồng và không còn tình trạng nợ xấu, nợ khó đòi.
“Đây là HTX đầu tiên ở Quảng Nam tổ chức thành công việc xác định thành viên đích thực, xác định công nợ từ những năm 70 của thế kỷ trước để lại, làm rõ ràng và minh bạch về tài chính. Cách làm này được các HTX khác trong tỉnh nghiên cứu và áp dụng” - ông Hùng nói.
Ngày 26/1/2022, HTX Nông nghiệp Đại Thắng được Bộ KH-ĐT tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 13 (ngày 13/8/2002) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Ngày 5/4/2022, đơn vị được Liên minh HTX tỉnh trao chứng nhận “HTX điển hình tiên tiến năm 2020 - 2021”.
Từ khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, HTX Nông nghiệp Đại Thắng luôn củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng và triển khai bài bản chiến lược sản xuất - kinh doanh.
Đơn vị nỗ lực huy động nguồn lực tài chính xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Chỉ tính riêng 5 năm gần đây, HTX đã đầu tư 2,5 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản.
HTX không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ. Đối với dịch vụ thủy lợi, đơn vị trực tiếp quản lý hơn 31km kênh mương, trong đó 80% đã bê tông hóa, đảm bảo tưới tiêu cho 275ha đất lúa.
Đơn vị thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao các gói kỹ thuật canh tác tiên tiến, hỗ trợ nông dân đưa nhiều loại giống lúa mới vào gieo sạ đại trà; tích cực phổ biến, hướng dẫn cụ thể lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa theo từng vụ sản xuất.
Về dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, ngay từ đầu vụ sản xuất, HTX làm việc với các công ty chuẩn bị hơn 10 tấn giống lúa, 60 tấn phân bón các loại, 20 tấn vôi để phục vụ cho các thành viên và nhân dân có nhu cầu; đến cuối vụ người dân mới thanh toán tiền cho HTX.
Hệ thống cấp nước sinh hoạt cũng được HTX đầu tư nâng cấp nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Hiện nay đơn vị cung ứng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh cho 1.500 thành viên và khách hàng ở 4/5 thôn trên địa bàn xã, gồm: Phú Bình, Phú Xuân, Phú An, Thuận Hòa.
Sau khi xã Đại Thắng được UBND tỉnh chọn quy hoạch vị trí giết mổ gia súc tập trung, năm 2015 HTX mạnh dạn đầu tư gần 1,4 tỷ đồng xây dựng lò giết mổ heo đảm bảo vệ sinh thú y - môi trường. Để tiếp sức cho HTX, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ đơn vị 1 tỷ đồng theo cơ chế ưu đãi.
Trong 8 năm qua, bình quân mỗi ngày đêm HTX giết mổ 15 - 20 con heo cho 7 xã thuộc vùng B huyện Đại Lộc... Năm 2020, HTX đầu tư 250 triệu đồng xây dựng lò sấy nông sản với công suất 35 tấn/18 giờ nhằm phục vụ nhu cầu của nông dân trên địa bàn cũng như các địa phương lân cận.
Ngoài làm tốt công tác dự báo tình hình dịch hại trên đồng ruộng, vụ đông xuân 2020 - 2021 HTX triển khai dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ bay không người lái...
Nhờ nỗ lực mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, hoạt động sản xuất - kinh doanh của HTX Nông nghiệp Đại Thắng ngày càng khởi sắc. “Tính đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn của HTX hơn 4,162 tỷ đồng. Năm 2022 doanh thu của đơn vị đạt 9,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 102 triệu đồng” - ông Hùng nói.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi
Ông Phạm Hữu Đa ở thôn Phú Xuân (xã Đại Thắng) cho biết, gia đình ông có 635m2 đất màu, nhiều năm nay trồng đậu phụng nhưng hiệu quả mang lại không cao.
Đầu vụ đông xuân 2022 - 2023 vừa qua, nhờ HTX Nông nghiệp Đại Thắng đứng ra làm trung gian, ông Đa liên kết với Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên (trực thuộc Tập đoàn ThaiBinh Seed) sản xuất hạt lai F1 giống bắp nếp TBM18 trên đất màu theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm. Vụ này ông thu được hơn 10 triệu đồng, tăng 6 - 7 triệu đồng so với trước đây trồng đậu phụng.
Ông Hoàng Trung Hùng thông tin, trong 2 vụ đông xuân gần đây, HTX “bắt tay” với Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên tổ chức cho nông dân địa phương sản xuất hạt lai F1 giống bắp nếp TBM18 theo mô hình liên kết chuỗi giá trị và hiệu quả mang lại khá cao.
“Riêng đông xuân năm nay, 65 hộ dân hợp tác với doanh nghiệp sản xuất 4,6ha hạt lai F1 giống bắp nếp TBM18. Bình quân 1ha nông dân thu về 215 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, còn lại lãi ròng 175 triệu đồng/ha, tăng gấp 3 lần so với những năm trước trồng đậu phụng, đậu cô ve, đậu xanh, bắp lai...” - ông Hùng nói.
Thời gian qua HTX cũng không ngừng mở rộng diện tích sản xuất giống lúa theo phương thức hàng hóa tập trung. Mỗi vụ đơn vị liên kết với doanh nghiệp tổ chức cho 600 hộ dân canh tác 130ha hạt giống lúa thuần TBR97 và ĐV108. Bình quân mỗi vụ, 1 sào lúa giống đạt giá trị 3,2 triệu đồng, tăng 30% so với làm lúa thương phẩm...