Tỷ số 2 - 3 giữa hai đội Việt Nam và Iraq, vào đêm 8.1, đã kết thúc chuỗi bất bại đầy ấn tượng của đội tuyển Việt Nam trong lòng người hâm mộ. Nhiều người tiếc nuối, nhưng tôi lại thấy đó lại là điều hay.
Trận đấu bóng giữa Việt Nam và Iraq vào ngày 8.1. Ảnh: Internet |
Đội Việt Nam xưa nay vốn chỉ là những con cá bơi lội trong cái ao làng của giải SEA Game hay AFF. Đùng một cái, cá biến thành rồng. Đội Rồng Vàng! Rồng đè bẹp hết mọi đối thủ trong khu vực để vươn lên đỉnh cao. Rồng bay lên trời, “phi long tại thiên”, đúng là cảnh tượng làm nức lòng người. Nhưng người xưa lại thận trọng khi cảnh cáo “kháng long hữu hối”. Hễ con rồng lên cao quá sẽ có sự hối hận. Lên cao tuần tự là điều hay, nhưng lên cao theo kiểu “nhảy vọt” lại tàng ẩn nguy cơ. Từ một đội bóng thuộc loại “thường thường bậc trung” suốt một thập niên, giờ được đăng quang giải AFF thì đã là “phi long tại thiên” rồi. Nên biết đủ để tiếp tục vươn lên trong tương lai.
1. Tôi có tật “rảnh rỗi sinh nông nổi” (!) nên khi xem đá bóng của giải Asian Cup, không hiểu sao tôi lại liên tưởng lan man và cảm nhận được nhiều điều lý thú. Sau khi tự an ủi mình và cảm thông với đội tuyển Việt Nam qua câu “kháng long hữu hối”, tôi lại tiếp tục liên tưởng đến một câu văn nổi tiếng của một ông hiền triết tên là Trang Tử ở vào cái thời Chiến Quốc xa lăng lắc tận bên Tàu. Câu đó như vầy: “Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, thiên địa dữ ngã vi nhất” (trời đất cũng sinh ra một lần với ta, muôn vật với ta chỉ là một). Câu này thường được các nhà biên khảo trích dẫn, rồi lại thêm những lời bình giải hàn lâm nặng mùi từ chương sách vở của các ông học giả, khiến ý nghĩa của nó lại quá đỗi “siêu phàm” đối với những người có trí não bình thường như phần lớn chúng ta. Trời đất huyền bí, cao xa mà bảo rằng sinh ra cùng lúc với ta thì quả là chuyện lạ. Người Việt Nam bình dân ai lại chẳng quan niệm ông trời sinh ra muôn loài? Ông trời của người Việt Nam có khác chi Đức Chúa Trời của Cơ Đốc giáo, hay Đấng Ala của Hồi giáo đâu? Còn vạn vật muôn hình muôn vẻ, trăm tía nghìn hồng, mà bảo rằng chúng với ta chỉ mà một thì lại càng bí hiểm hơn nữa. Ấy vậy mà khi nhìn trái bóng lăn, tôi lại chợt “ngộ” ra câu đó. Dĩ nhiên cái “ngộ” của tôi chỉ là cách hiểu nôm na thiển cận. Nhưng chắc cũng không sao, vì dù có sai đi chăng nữa thì cụ Trang dưới suối vàng cũng chẳng sống dậy mà trách mắng! Nên xin chia sẻ ở đây cùng bạn đọc. Xem như thư giãn cuối tuần.
Nếu trận đấu vừa rồi là trận đấu bóng giữa phường tôi với một phường khác, dĩ nhiên tôi sẽ ủng hộ đội bóng của phường tôi. Nếu đây là trận đấu bóng giữa tỉnh Quảng Nam với một tỉnh khác, dĩ nhiên tôi sẽ ủng hộ đội bóng Quảng Nam. Nếu đây là trận đấu bóng giữa Việt Nam với một nước khác, dĩ nhiên tôi sẽ ủng hộ đội bóng Việt Nam. Nếu đây là trận đấu bóng giữa châu Á với châu Âu, dĩ nhiên tôi sẽ ủng hộ đội bóng châu Á. Nếu đây là trận đấu bóng giữa hành tinh chúng ta với một hành tinh khác, dĩ nhiên tôi sẽ ủng hộ đội bóng của hành tinh này. Và cứ tiếp tục như thế, cho đến tận những cõi tinh vân mờ mịt! Trái bóng lăn trên một đấu trường càng rộng thì tâm cảm nhận của ta tự nhiên càng mở rộng theo. Gần tới cái “Một” kia rồi!
Vạn vật có phải là “một” với ta chăng? Đứng về phương diện giới tính thì hiển nhiên nam khác biệt với nữ. Đứng về phương diện con người thì chúng ta khác biệt với động vật. Đứng về phương diện động vật thì chúng ta khác biệt với thực vật. Đứng về phương diện sinh vật thì chúng ta khác biệt với sỏi đá. Nhưng đứng về phương diện “tồn tại” thì giữa chúng ta và muôn vật cũng có chi khác biệt đâu? Cùng “tồn tại” trong “cõi người ta” của cụ Tố Như cả thôi!
2. Sách Cổ học tinh hoa của cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc có ghi một chuyện rất thú vị. Cũng giúp ta có được liên tưởng lý thú đến trái bóng lăn. Câu chuyện như vầy:
Vua Cung Vương nước Sở đi săn, giữa đường đánh rơi mất cây cung quý. Các quan theo hầu cố tìm cho bằng được. Vua Cung Vương nói: “Đừng tìm làm chi! Người nước Sở đánh mất cung thì cũng người nước Sở tìm được, có mất đi đâu mà thiệt”.
Đức Khổng Tử nghe chuyện đó, bèn bảo: “Đáng tiếc cho cái chí vua nước Sở không lớn hơn được nữa! Hà tất phải nói “người nước Sở”? Giá như nhà vua nói: “Người đánh mất cung, thì cũng là người tìm được, như thế chẳng phải là hay hơn ư?”.
Đức Khổng Tử quả nhiên còn cao hơn vua Sở Cung Vương một bậc. Đấy cũng là bài học sâu xa ở đời. Sống trong cuộc đời vốn dĩ lắm chuyện cay đắng muộn phiền, nếu ta mở rộng được lòng ra như thế tự nhiên sẽ thấy tâm hồn thảnh thơi hơn, mà hễ càng co cụm lại trong cái vỏ ốc của “cái tôi”, ta sẽ càng khổ não. Sau những tiếc nuối cuối trận đấu, giá như ta đủ bình tâm để bắt chước Đức Khổng Tử mà nói: “Thôi đừng tiếc nuối nữa làm chi. Người châu Á thua thì cũng là người châu Á thắng, như thế chẳng phải là hay hơn ư?”.
Cảm nhận được như thế hẳn ta sẽ thấy bớt đi niềm tiếc nuối. Dĩ nhiên là trừ những anh chàng quá máu me, phải mang tiền đi chung độ!
LIÊU HÂN