Ba cuộc kiếm tìm của người con trai út Phan Khôi

TRẦN TUẤN 21/06/2022 06:52

Cuộc đời của Phan An Sa - người con út Phan Khôi đúc kết lại, tôi cho rằng đã hoàn tất ba cuộc tìm kiếm lớn. Đó là tìm kiếm mộ cha bị thất lạc; tìm kiếm và “dựng” lại khá trọn vẹn cuộc đời và trước tác của Phan Khôi. Và cuộc tìm kiếm thứ ba không kém phần cam go cũng đồng thời song hành, đó là bản lai diện mục chính mình…

Phan Khôi cùng bà Nguyễn Thị Huệ và hai con Phan Nam Sinh, Phan An Sa. Ảnh: T.L
Phan Khôi cùng bà Nguyễn Thị Huệ và hai con Phan Nam Sinh, Phan An Sa. Ảnh: T.L

Thấm thoát nửa năm ngày ông rời cõi tạm vì một cơn đột quỵ, khi chưa kịp cầm trên tay cuốn sách cuối cùng viết về cha mình: “Tôi với Thầy tôi - Phan Khôi” (NXB Đà Nẵng ấn hành đầu tháng 11.2021).

Nấm mộ gió của học giả Phan Khôi ở quê nhà Quảng Nam, còn nấm mộ người con út thứ 11 Phan An Sa (tính cả người con trai thứ 6 của Phan Khôi đã mất ở quê nhà Bảo An khi mới 12 tuổi) giờ ở miền Bắc quê mẹ. Thực ra thân xác Phan Khôi cũng đã vĩnh viễn nằm lại đất Bắc, nơi định đoạt gần như toàn bộ số phận cuộc đời ông…   

Lòng hiếu thảo qua ngôi mộ gió

Học giả, nhà văn Phan Khôi mất ngày 16.1.1959 (mùng 8 tháng Chạp năm Mậu Tuất), được an táng tại nghĩa trang Hợp Thiện ở Vĩnh Tuy, Hà Nội. Từ tháng 8.1964, Mỹ ném bom miền Bắc, hai người vợ của Phan Khôi (bà Lương Thị Tuệ sinh năm 1895 và Nguyễn Thị Huệ sinh năm 1911) cùng đàn cháu nhỏ phải sơ tán khỏi Hà Nội, nên việc thăm nom hương khói mộ phần bị đứt đoạn.

Sau đó thành phố di dời nghĩa trang lên Sơn Tây lấy đất xây dựng nhà máy Dệt Minh Khai, mà gia đình không hề được thông báo. Năm 1975 người lính Phan An Sa từ chiến trường miền Nam về, việc đầu tiên là tìm mộ cha. Cuộc tìm kiếm kéo dài suốt 20 năm nhưng bất lực...

Trong số những người con của Phan Khôi, ngoài ông Phan An Sa, thì người con gái thứ 6 là bà Phan Thị Miều (Phan Thị Mỹ Khanh, sinh năm 1927 nay đã 95 tuổi hiện sống tại Đà Nẵng) trước đó đã viết cuốn “Nhớ cha tôi - Phan Khôi” (NXB Đà Nẵng 2001), đến năm 2017 được sửa chữa, bổ sung và in lại. Hai người con khác là ông Phan Trản (hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh) và nhà giáo Phan Nam Sinh cũng đóng góp rất lớn trong việc gìn giữ và phổ biến các tư liệu, trước tác của cha mình với một niềm thành kính.

Để rồi sáng Chủ nhật 9.1.2005, người con út Phan An Sa cùng vợ kính cẩn thắp ba nén hương dưới gốc đào sum sê trong khuôn viên Công ty Dệt Minh Khai, vị trí ước chừng năm xưa là nơi Phan Khôi đã nằm lại.

Kính cáo thần linh thổ địa, khấn xin cha mình xong, ông bốc lên 6 nắm đất gói ghém cẩn thận ghi bên tả, bên hữu rồi đặt vào quách gỗ theo hình người nằm. Kích cỡ của quách cũng như các bước thủ tục ông làm theo sự thống nhất và dặn dò của gia đình và dòng tộc. Lúc này đông đủ con cháu họ Phan đã tề tựu sẵn ở Quảng Nam.

Nắm đất Phan Khôi từ nghĩa trang Hợp Thiện xưa cùng vợ chồng người con út rong ruổi vượt cả ngàn cây số, cuối cùng được kính cẩn an táng tại nghĩa trang Bạc Hà (khu vực núi Thọ Sơn, thôn Tân Phong, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) - nơi quy tập mộ các bậc tiền hiền 5 phái thuộc tộc Phan làng Bảo An. Bên kia dòng Thu Bồn là làng Bảo An quê gốc. Phan Khôi về nằm lại quê nhà dưới ngôi “mộ gió”, bia đá khắc bài thơ “Tình già”...

Đi tìm di sản của cha

Năm 2005, Phan An Sa tròn 60 tuổi, chia tay đời công chức với chức vụ cuối cùng là Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL). Và bắt đầu cuộc tìm kiếm thứ hai, sau cuộc tìm kiếm thân xác của cha là cuộc đi tìm di sản tinh thần, lặn lội trên cánh đồng chữ nghĩa bao la của cha để “dựng” lại một cách hoàn chỉnh, nhất quán toàn bộ cuộc đời, tư tưởng và tác phẩm của cha mình.

Quả thật suốt mấy chục năm trời cái tên Phan Khôi không được phép nhắc tới trên sách báo chính thống, đồng nghĩa với việc tồn nghi không ít những hiểu biết, thông tin, chi tiết sai lệch về cuộc đời, tư tưởng và tác phẩm của Phan Khôi.

Và có lẽ như là định mệnh, người con út Phan An Sa với tính cách vừa nghiêm cẩn, mực thước vừa sắc sảo, dứt khoát của một vị “quan thanh tra” cùng với cái gen chữ nghĩa của gia tộc, đã hoàn thành có thể nói là xuất sắc việc cung cấp cho người đời sau một chân dung hoàn chỉnh nhất về Phan Khôi.

Phan An Sa ký sách và tác giả bài viết. Ảnh: HUỲNH TRƯƠNG PHÁT
Phan An Sa ký sách và tác giả bài viết. Ảnh: HUỲNH TRƯƠNG PHÁT

Ngoài hàng trăm bài viết đăng trên các tạp chí nghiên cứu, sách báo, hội thảo; đóng góp tư liệu, hiệu đính cho các bộ phim tài liệu, các công trình nghiên cứu về Phan Khôi, ông Phan An Sa còn là tác giả của cuốn sách đồ sộ dày gần 700 trang “Nắng được thì cứ nắng - Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn” (NXB Tri thức, 2013, được trao giải thưởng Văn học cùng năm của Hội Nhà văn Hà Nội hạng mục Lý luận phê bình) và cuốn “Tôi và Thầy tôi - Phan Khôi”.

Ngoài ra, bộ “Phan Khôi di cảo” do ông cùng anh chị trong gia đình khởi sự từ năm 2008, đến năm 2021 đã được NXB Tri thức ấn hành, dù là “bản chưa đầy đủ” do nhiều trục trặc ngoài ý muốn.

Những năm cuối đời ông viết cùng lúc hai cuốn “Ba chìm bảy nổi - Phan Khôi từ làng Bảo An đến xóm Tân Bình” (dựng lại 40 năm đầu cuộc đời Phan Khôi 1887-1927) và “Trường văn trận bút - Phan Khôi từ Đông Pháp thời báo đến Tràng An báo” (dựng lại thời kỳ rực rỡ nhất của ngòi bút Phan Khôi 1928-1935). Trong đó bản thảo cuốn đầu đã hoàn chỉnh sau những sự cố tưởng chừng nản chí buông bút!...   

Từ Phan Langsa đến Phan An Sa

Cuộc tìm kiếm thứ ba của Phan An Sa mới thật là nhọc nhằn, sinh tử. Đó là tìm kiếm và khẳng định thanh danh, bản ngã của chính mình, sau những tháng năm tuổi thơ bị người đời kỳ thị, hắt hủi vì có cha là “đầu sỏ” Nhân văn - Giai phẩm.

Tên thật của ông được người cha Phan Khôi đặt cho lúc mới sinh là Phan Langsa. Năm 1948, từ chiến khu Việt Bắc, Phan Khôi gửi thư về Quảng Nam cho hai bà vợ cùng bầy con 10 người. Kèm theo 2 bài thơ Nhớ nhà (I và II).

Hai câu cuối bài Nhớ nhà (II), Phan Khôi nhắc đến cậu con út: “Bé nhất Langsa mới ba tuổi/ Tên mày ghi cái nhục non sông”. Đến năm 1954, cả hai bà vợ đã đưa đàn con lần lượt tập kết ra Bắc để được gần chồng, gần cha.

Trong cuốn “Nắng được thì cứ nắng...”, ông Phan An Sa kể lai lịch cái tên đặc biệt của mình. “Langsa là từ Hán Việt phiên âm chữ France là nước Pháp, vì thằng bé sinh vào chập tối mùng 9 tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp.

Theo ý ông (Phan Khôi - NV), đã phải chịu cái nhục mất nước vào tay thực dân Pháp hơn 80 năm trước, nay lại thêm cái nhục mất nước vào tay phát xít Nhật, thì đã là con cái của ông phải không được quên cái nhục ấy. Thế là cái thằng bé thuần chủng Việt ấy, vừa lọt lòng mẹ đã mang một cái tên đầy vẻ Tây, cái tên đó đeo đuổi cuộc đời nó đến mãn kiếp với biết bao nhiêu là nỗi sợ hãi của một kiếp người và niềm tự hào của một kiếp làm con ông!”.

Ông Phan Nam Sinh, hiện sống ở Biên Hòa (Đồng Nai), người anh ruột trong số ba anh em cùng người mẹ đời sau của Phan An Sa (bà Nguyễn Thị Huệ), nói rõ hơn về “nỗi sợ hãi” với cái tên France ấy. “Năm 1958, khi báo chí phát động rầm rộ cuộc đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm, tôi mới biết thêm cách hiểu khác của các nhà phê bình (!). Chỉ thương thằng em tôi, lúc đó mới mười ba tuổi, đang học cấp 2, đã phải đổi tên và dùng cái tên không phải do thầy tôi đặt cho mãi tới bây giờ…”.

Với hỗn danh “con phản động”, nên dù thi đậu nhưng không được vào đại học, ông xung phong đi bộ đội vào chiến trường khốc liệt Quảng Trị năm 1972. “Để tồn tại được, tôi buộc phải sống bằng toàn bộ ý chí.

Tôi tình nguyện đi bộ đội giữa hồi bom đạn ác liệt nhất cũng vì lẽ đó, để nếu còn sống trở về, thì tôi phải được sống cuộc sống của con người đúng nghĩa, không bị chủ nghĩa lý lịch đè nặng, không bị kỳ thị, không bị phân biệt đối xử”. Cũng với ý chí ấy, ông kiên trì theo đuổi sự học và khẳng định được những giá trị mà con cái Phan Khôi có thể làm…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ba cuộc kiếm tìm của người con trai út Phan Khôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO