Chi bằng học một giá trị vĩnh viễn

XUÂN HIỀN 10/10/2022 08:16

(VHQN) - Tâm điểm của mọi sự phát triển vẫn là hướng đến con người. Tiếp nối tinh thần Phan Châu Trinh là nhận chân những giá trị tư tưởng cụ đau đáu cả cuộc đời, và sau đó Tìm cách phát huy “di sản tinh thần” này trong đời sống hiện nay.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng tư tưởng cụ Phan là những giá trị tồn tại muôn đời. Ảnh: A.N
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng tư tưởng cụ Phan là những giá trị tồn tại muôn đời. Ảnh: A.N

Cuộc trò chuyện cùng nhà sử học Dương Trung Quốc về dấu ấn của đất Quảng trong hành trình phát triển tư tưởng Phan Châu Trinh, những tiếp nối về “dân trí” mà cụ Phan luôn xem là kim chỉ nam của một dân tộc...

*“Chi bằng học” gần như là một tư tưởng cụ Phan muốn để lại cho đời. Ông nghĩ như thế nào về luận điểm, hay đúng hơn là “tâm thư” này từ Phan Châu Trinh?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Khẩu hiệu “Chi bằng học” rất giản dị, khiêm nhường. Ở đời, con người ta muốn dạy dỗ nhau nhiều hơn. Nhưng ở đây, Phan Châu Trinh nhận thức ra thời đại mình đang sống, vị trí của dân tộc chúng ta, cách khắc phục những hạn chế để chúng ta bứt phá lên được. “Chi bằng học” là một lời dạy rất khôn ngoan! Tôi cho rằng nó soi sáng cho chúng ta một chặng đường rất dài, cho dù chúng ta có thể trưởng thành. Cũng giống như hiện nay, chúng ta có chủ trương học cả đời vậy.

“Duy tân một trăm năm trước đã bắt đầu bằng sự sáng suốt nhận tân thư, khai mở đầu óc của toàn dân tộc đối với những tư tưởng tiên tiến của nhân loại, tạo nên sự thức tỉnh lớn. Do những điều kiện khách quan và chủ quan nhất định, trong một thời gian khá dài, công việc tiếp nhận tri thức tinh hoa ấy đã bị gián đoạn hoặc hạn chế. Công cuộc đổi mới hôm nay đòi hỏi lớp hậu sinh chúng ta phải có nỗ lực lớn tiếp tục công cuộc khai hóa cha ông đã mở đầu hơn trăm năm trước”.

(Nhà văn Nguyên Ngọc)

Cho nên, tư tưởng này cho thấy cách nhìn rất khoa học. Nghĩa là muốn thành công phải trên cơ sở nhận thức khoa học. Như vậy chúng ta mới có bước đi phát triển vững chắc. Muốn làm thầy thì trước tiên phải làm trò. Chính đây là động lực bền vững mà trong thời đại hiện nay chúng ta cần phải phát huy, nhất là trong nhận thức của mỗi con người, trong sự tiến bộ của mình cũng như tiến bộ của cộng đồng. 

* Theo ông, dấu ấn của đất Quảng trong suốt hành trình tư tưởng của cụ Phan là gì?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cái lớn nhất của Phan Châu Trinh là quan điểm về dân trí. Dân trí với ông là tất cả người dân, chứ không phải chỉ cần đến những người tài giỏi. Chúng ta nói đến nhân tài, đến tầng lớp tinh hoa, đến nhân lực chất lượng cao, nhưng nếu không phải trên mặt bằng chung là những người dân hiểu biết, thì chúng ta sẽ không bao giờ thành công. Vì vậy, đây là một góc nhìn rất dân chủ, rất biện chứng và rất phù hợp với thời đại.

Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh tại Quảng Nam. Ảnh:T.L
Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh tại Quảng Nam. Ảnh:T.L

Có một thời kỳ lịch sử mà cụ Phan vừa là người khởi xướng vừa là người kế thừa, đó chính là phong trào Duy tân. Tôi vẫn luôn nghĩ, cụ Phan hoàn thành học thuyết của mình, chủ yếu vẫn trên nước Pháp, nhưng cụ mang theo hành trang là di sản của chính quê hương mình. Nói Duy tân là chung cả nước, thậm chí cả thế giới, nhưng Duy tân của Quảng Nam rất khác.

Khái niệm về dân trí, nếu Đông Kinh Nghĩa Thục hướng đến một tầng lớp tinh hoa như cách nói bây giờ của chúng ta thì dân trí của Quảng Nam là ngược lại. Ở trên mảnh đất này, giáo dục đi vào toàn bộ đời sống, không dừng trên sách vở, không dừng ở bất cứ tầng lớp nào.

Từ phong trào cắt tóc, cắt áo ngắn, phong trào tiếp cận với đời sống văn minh lịch sự. Có những điều bây giờ chúng ta nghĩ rất đơn giản, nhưng ở thời điểm đó, như việc sống có vệ sinh, sống có pháp luật... là những đặc trưng cơ bản nhất của Quảng Nam.

Chính điều này thể hiện trong tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh, khi đặt vấn đề hàng đầu đó là khai dân trí. Dân trí ở tư tưởng cụ là phổ biến các giá trị văn minh đến mọi người dân. Đó là người dân ý thức được quyền của mình và tham gia chính trong đổi mới đời sống của mình.

Tôi cho đó là điều căn bản tạo ra một Phan Châu Trinh sau khi cụ đã tiếp cận với văn minh phương Tây. Có dân trí thì dân khí mới đúng hướng để đạt được mục tiêu thước đo cuối cùng là hạnh phúc, thụ hưởng của người dân.

* Ông nhìn nhận như thế nào về việc tiếp nối tinh thần Phan Châu Trinh, đặc biệt ở luận điểm “Chi bằng học” trong thế hệ sau này?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi cho đó là một giá trị vĩnh viễn!

Tất nhiên ở thời điểm của mình, Phan Châu Trinh chưa giải được, chưa đáp được câu hỏi làm gì cho đất nước độc lập ngay. Trong bối cảnh đất nước chưa độc lập, nhất là chế độ thuộc địa khắc nghiệt, thì không bao giờ những tư tưởng ấy có thể đi vào đời sống.

Nhưng giờ đây, khi chúng ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc thì rõ ràng là môi trường để tư tưởng Phan Châu Trinh phát huy, và tất nhiên là phát huy tư tưởng trong một thời đại mới. Định hướng cuối cùng vẫn là con người. Làm sao để mỗi người dân Việt Nam là một động lực phát triển của quốc gia, không phải tìm một đầu tàu kéo nữa mà là cả một cộng đồng phát triển. 

Một xã hội học tập, mọi giới phải học và học tập mọi nền văn minh các dân tộc khác là tư tưởng chưa bao giờ lỗi thời. Việc đầu tư cho giáo dục là đầu tư để phát triển bền vững.

Cũng như sinh thời, Phan Châu Trinh rất quan tâm đến việc mở mang ngành nghề với mục đích phát triển kinh tế. Tư tưởng cụ Phan vẫn còn giá trị và bài học đối với đất nước hiện nay, khi việc phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập...

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chi bằng học một giá trị vĩnh viễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO