Chí sĩ Hoàng Diệu trong phim "Người giữ thành Hà Nội"

HUỲNH HÙNG 03/04/2022 07:36

LTS: Ngày 5.4, thị xã Điện Bàn sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 140 năm (1882 - 2022) ngày mất của chí sĩ Hoàng Diệu. Báo Quảng Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Hùng về bộ phim tài liệu “Người giữ thành Hà Nội”, như nén tâm nhang kính dâng anh linh vị chí sĩ yêu nước, thương dân.

Đoàn làm phim tại thành cổ Hà Nội.
Đoàn làm phim tại thành cổ Hà Nội.

Vào dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2010), tôi thực hiện bộ phim “Người giữ thành Hà Nội”, phản ánh chân dung cụ Hoàng Diệu, người con của xứ Quảng địa linh nhân kiệt, đã anh dũng ngã xuống trong khi chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Hà Nội.

Trong quá trình làm phim, tôi may mắn được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của Giáo sư Hoàng Tụy - nhà toán học lừng danh của đất nước và cũng là hậu duệ của cụ Hoàng Diệu. Giáo sư xuất hiện trong phim như một sợi dây kết nối các câu chuyện lịch sử mà tôi muốn đề cập, truyền tải đến khán giả.

Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Hoàng Diệu có rất nhiều điều để nói nhưng trong phim, tôi chỉ chọn những chi tiết điển hình có khả năng làm lay động lòng người, đặc biệt là gửi các thông điệp có ý nghĩa cho hôm nay và mai sau.

Chí sĩ Hoàng Diệu (1829 - 1882).
Chí sĩ Hoàng Diệu (1829 - 1882).

Trước hết, như nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc phát biểu trong phim: “Hoàng Diệu là người có học thức, có đạo đức, và ông đã đem cái học thức và đạo đức đó áp dụng vào việc trị nước”.

Khi được bổ nhiệm làm Tổng đốc Hà Nội, cụ Hoàng Diệu nhận thức sâu sắc vị trí trọng yếu của mảnh đất linh thiêng này nên một mặt cho củng cố, bồi đắp hệ thống công trình phòng thủ, mặt khác thực hiện ngay các chính sách an dân. Cụ thực hiện nhiều chuyến đi sâu xuống các ngõ ngách phố phường, làng xóm để tìm hiểu thực trạng đời sống người dân.

Biết có bọn cường hào gây khó dễ trăm bề cho dân khi làm ăn, buôn bán, cấy cày, Tổng đốc Hoàng Diệu đã cho khắc vào bia đá gắn ở Ô Quan Chưởng lệnh cấm các chức sắc gây khó dễ cho dân, nếu ai bất tuân thì sẽ bị nghiêm trị. Tấm lòng của cụ với dân là như vậy đó.  Ngày nay tấm bia này vẫn còn đó, được xếp hạng là Di tích lịch sử của thủ đô.

Một chi tiết khác trong phim cũng gây ấn tượng mạnh là tình mẫu tử và nền nếp gia phong. Khi làm quan ở Hà Nội, cụ Hoàng Diệu mua mấy thước lụa Vĩnh Phúc gửi về tặng mẹ già ở quê - vùng Gò Nổi, Điện Bàn. Người mẹ lặng lẽ ra vườn bẻ một cành dâu làm chiếc roi rồi gói vào trong xấp lụa, gửi trả cho con.

Ý dặn rằng, con làm quan thì nên tập trung lo cho dân, cho nước, đừng nghĩ việc riêng tư, cũng đừng lo cho mẹ, và nếu con không nghe thì sẽ bị phạt đó! Chuyện này đáng để chúng ta suy ngẫm trong cuộc sống hôm nay.

Phim tài liệu “Người giữ thành Hà Nội” do NSND Huỳnh Hùng đạo diễn đã đoạt 7 giải thưởng, trong đó có 3 giải ở trung ương: Giải Nhất báo chí toàn quốc về “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, Huy chương Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc, Giải Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam.P.V

Dưới chân cổ thành Hà Nội, tại Cửa Bắc, vẫn còn những dấu tích lịch sử về trận quyết tử do cụ Hoàng Diệu chỉ huy để bảo vệ Hà Nội trước sự xâm lăng của giặc Pháp. Đó là những lỗ thủng do đại bác kẻ thù bắn thẳng vào thành.

Tại đây, Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã thuật lại cho Giáo sư Hoàng Tụy nghe các tư liệu mô tả về cụ Hoàng Diệu đã chỉ huy chiến đấu như thế nào, diễn biến trận đánh bảo vệ thành Hà Nội ra sao, và đặc biệt là tấm lòng trung trinh của cụ Hoàng Diệu với vua, với dân, với nước khi đến Điện Kính Thiên viết di biểu rồi ra Võ Miếu tự vẫn để giữ tròn khí tiết. Những chi tiết này được Giáo sư Lê Văn Lan kể ngay trên các địa điểm thực tế nên rất sinh động. 

Bên cạnh phản ánh tấm lòng và sự hy sinh của cụ Hoàng Diệu cho Hà Nội, bộ phim cũng dành một thời lượng thỏa đáng để phản ánh tình cảm, sự ngưỡng mộ của người Hà Nội dành cho cụ. Cái chết lẫm liệt của cụ đã gây chấn động nhân tâm, với niềm thương kính của giới sĩ phu và nhân dân cả nước, đặc biệt là ở Hà Nội. Điều đó được phản ánh trong bài “Hà thành chính khí ca” ra đời ngay sau khi cụ Hoàng Diệu ngã xuống: 

“Một cơn gió thảm mưa sầu
Nấu nung gan sắt, dãi dầu lòng son
Chữ trung còn chút con con
Quyết đem gửi cái tàn hồn gốc cây

Trời cao biển rộng đất dày
Non Nùng núi Nhị chốn này làm ghi
Thương thay trong buổi lâm nguy
Lòng riêng ai chẳng thương vì người trung...”

Thi phẩm khuyết danh “Hà thành chính khí ca” chính là tình cảm, là tấm lòng, là sự tri ân của người dân Hà Nội dành cho cụ Hoàng Diệu - người con ưu tú của xứ Quảng.

Tấm lòng đó còn thể hiện cụ thể ở việc Hà Nội lập đền thờ cụ Hoàng Diệu ngay ở Cửa Bắc trong thành cổ - nơi cụ đã kiên cường chỉ huy chiến đấu rồi anh dũng  ngã xuống. Đúng là “thương dân, dân lập miếu thờ”! Hương khói chưa bao giờ nguội lạnh nơi đây. Và ngày giỗ cụ hàng năm bao giờ cũng được chính quyền và người dân Hà Nội tổ chức với nghi lễ trang trọng, thành kính. 

Một chi tiết rất cảm động nữa trong phim là, khi nghe tin chồng ngã xuống, bà vợ của cụ Hoàng Diệu ở quê - làng Xuân Đài, Gò Nổi đang đi cấy lúa đã ngất đi bên bờ ruộng. Chúng tôi phục dựng hình ảnh chiếc nón của bà trôi lênh đênh trên mặt ruộng nước đã làm lay động bao trái tim khán giả điện ảnh, truyền hình.

Bộ phim được khép lại với vần thơ trang trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Nước ta nhiều bậc tôi trung
Tấm lòng tiết tháo rạng cùng tuyết sương
Hoàng Diệu với Nguyễn Tri Phương
Cùng thành còn mất làm gương để đời!”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chí sĩ Hoàng Diệu trong phim "Người giữ thành Hà Nội"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO