Chuyện chép từ ký ức

LÊ NĂNG ĐÔNG 07/08/2022 06:14

Với những người đã từng sống, công tác bên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, thì dù ngót nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những ký ức về người anh, người bác, người cha vô cùng đáng kính vẫn còn vẹn nguyên.

Cô Đoàn Võ Thị Kim Ánh nên vợ chồng với Trung tướng Nguyễn Thành Đức từ sự xe duyên của ba nuôi Võ Chí Công. Ảnh chụp năm 1999
Cô Đoàn Võ Thị Kim Ánh nên vợ chồng với Trung tướng Nguyễn Thành Đức từ sự xe duyên của ba nuôi Võ Chí Công. Ảnh chụp năm 1999

1. Nhắc về Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, ông Hoàng Châu Sinh - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam dâng trào xúc động: “Năm tháng rồi sẽ qua đi, nhưng trong tôi vẫn còn đọng mãi hình ảnh bác Năm Công, một cán bộ lãnh đạo sắc sảo có tầm nhìn, đồng thời là con người có nhân cách lớn. Ngày xưa, mỗi lần được gặp và thưa chuyện cùng bác, tôi lại tiếp nhận được nhiều hiểu biết mới mẻ về thế sự, về người cách mạng chân chính”.

Ông Hoàng Châu Sinh (hiện sống tại TP.Tam Kỳ) kể, tháng 10.1972, khi đang là cán bộ biên tập Tiểu ban Văn giáo - Bộ biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), ông về lại miền Nam, làm thư ký của đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ (Tám Tâm) - Trưởng ban Tổ chức Khu ủy 5.

Từ đây, ông có thời gian được gặp gỡ, trực tiếp thưa chuyện với đồng chí Võ Chí Công. Qua những lần gặp gỡ, tiếp xúc, ông ấn tượng về phong cách của người lãnh đạo cao nhất Khu ủy, vừa quyết đoán, những cũng đầy giản dị.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trong một bộ phận cán bộ xuất hiện khuynh hướng mơ hồ, mất cảnh giác, xả hơi dẫn đến tình trạng mất đất, mất dân. Lúc bấy giờ, vấn đề “công hay thủ” đã làm không khí “nóng” lên ngay tại cuộc giao ban tác chiến hàng ngày của lãnh đạo Khu ủy.

“Tôi nhớ mãi tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Bí thư Khu ủy Võ Chí Công: “Phải liên tục tiến công kiên quyết đánh bại mọi thủ đoạn lấn chiếm của quân ngụy, quyết tâm tiêu diệt, tiêu hao địch, làm cho chúng suy yếu nhanh, khôi phục và mở rộng vùng giải phóng, khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy đánh đổ chính quyền ngụy, giải phóng miền Nam”.

Tư tưởng chỉ đạo có tầm nhìn chiến lược này đã đưa đến bước ngoặt đột phá chiến lược trên chiến trường vào đông xuân 1974 - 1975. Sau ngày giải phóng, khi có nhiều sách báo giới thiệu về chiến thắng lịch sử Xuân 1975, song ít đề cập vị trí của cuộc tấn công và nổi dậy ở giai đoạn trước chiến dịch Hồ Chí Minh.

Khi tôi nêu băn khoăn này, bác Năm nhẹ nhàng cười và nói “lịch sử là lịch sử, cháu yên tâm, rồi sẽ đến lúc khúc mắc của cháu sẽ được hóa giải”” - ông Hoàng Châu Sinh nhớ lại.

2. Trong quá trình tiếp cận tư liệu và nhân chứng để tìm hiểu, viết bài về Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, tôi may mắn gặp 2 nhân vật có duyên gặp gỡ, gắn bó với đồng chí Võ Chí Công và được ông xe duyên. Đó là ông Nguyễn Thành Đức và bà Đoàn Võ Thị Kim Ánh. Những câu chuyện cứ thế chảy về, từ ký ức.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công chụp ảnh lưu niệm với ông Hoàng Châu Sinh trong dịp về thăm Quảng Nam năm 1997. Ảnh: NVCC
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công chụp ảnh lưu niệm với ông Hoàng Châu Sinh trong dịp về thăm Quảng Nam năm 1997. Ảnh: NVCC

Đầu năm 1970, cấp trên điều động cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2, Quân khu 5, ra đường 9 - Nam Lào để bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, kinh nghiệm chiến đấu. Trong đoàn quân có chiến sĩ trẻ Nguyễn Thành Đức (sau này là Trung tướng, Chính ủy Quân khu 5; nay đã nghỉ hưu, sống tại TP.Đà Nẵng).

Trên đường hành quân, các chiến sĩ dừng chân nơi doanh trại của Đoàn 559, bên bờ sông Bạc (sông Sê Pôn, đoạn qua thị trấn Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị). Tại đây, chỉ huy đơn vị triển khai chiến sĩ dọn dẹp nhà cửa, lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc… và cho biết là để đón cấp trên đến họp.

Sau mới biết đó là đoàn lãnh đạo Khu ủy 5 do đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu 5 ra miền Bắc họp và dừng chân để làm việc với đoàn của đồng chí Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5 từ miền Bắc trở về.

Hàng ngày, khi thực hiện nhiệm vụ được giao, chiến sĩ Nguyễn Thành Đức thường qua lại nơi nghỉ ngơi của đồng chí Võ Chí Công. Khi nhìn thấy chàng trai độ tuổi 20 vẻ thư sinh, đồng chí Võ Chí Công gọi lại hỏi và sau khi biết hoàn cảnh của Nguyễn Thành Đức có cha bị giặc Pháp giết hại, mẹ và 2 anh trai hy sinh năm 1967, bèn hỏi: “Cháu có muốn đi với bác không?”. Chiến sĩ trẻ Nguyễn Thành Đức trả lời: “Nếu thủ trưởng đơn vị đồng ý thì tôi xin đi với thủ trưởng”...

Trên đường đi hai bác cháu rỉ rả nói chuyện kháng chiến, chuyện quê hương, chuyện gia đình… Qua trò chuyện, có lẽ nhìn nhận được tính cách, con người của Nguyễn Thành Đức, đồng chí Võ Chí Công mai mối giới thiệu con gái nuôi là Đoàn Võ Thị Kim Ánh để sau đó hai người nên duyên vợ chồng.

Còn cô Đoàn Võ Thị Kim Ánh - nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng nói: “Chiến tranh đã cướp đi của chúng tôi rất nhiều, nhưng tôi luôn tự hào và hạnh phúc vì mình có đến 3 người cha, một người sinh ra tôi là cụ Đoàn Sơ, một người là ba nuôi Võ Chí Công và chú Bốn Hương (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Vũ Trọng Hoàng) luôn xem tôi như con gái.

Chú Bốn Hương là cầu nối để tôi gặp, được làm con của ba Công và trưởng thành như ngày hôm nay. Và câu chuyện đó, tôi luôn lấy ra để kể cho các con nghe về truyền thống cách mạng của gia đình, để các con tự soi mình, phải ra sức rèn luyện, phấn đấu”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện chép từ ký ức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO