Chuyện một người con cách mạng

LÊ NĂNG ĐÔNG 04/01/2018 09:58

Tôi gặp cô Đoàn Võ Thị Kim Ánh - nguyên Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, khi thực hiện tập sách viết về nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Vũ Trọng Hoàng (Bốn Hương). Qua lời kể của cô Kim Ánh, tôi được biết cô có đến 3 người cha, đó là cụ thân sinh - Đoàn Sơ và hai người cha nuôi là Võ Chí Công và Vũ Trọng Hoàng.

Bác Võ Chí Công và cô con gái nuôi Võ Thị Kim Ánh (đứng kề bên) chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình năm 1969 tại Hà Nội. Ảnh tư liệu
Bác Võ Chí Công và cô con gái nuôi Võ Thị Kim Ánh (đứng kề bên) chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình năm 1969 tại Hà Nội. Ảnh tư liệu

Ký ức về gia đình cách mạng

Cô Đoàn Võ Thị Kim Ánh sinh năm 1953, quê ở làng Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, trước đây là làng Nghi Sơn thuộc xã Sơn Trung, huyện Quế Sơn. Cô sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng; cha là cụ Đoàn Sơ, tên gọi khác là Đoàn Viết Sửu, tham gia cách mạng từ năm 1939 (cùng với đồng chí Vũ Trọng Hoàng), là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, cơ sở cách mạng của Xứ ủy Trung kỳ. Ông và bà nội cô cũng tham gia nuôi giấu, che chở cán bộ của Tỉnh ủy, Xứ ủy Trung kỳ. Cô Ánh chia sẻ: “Tôi không hình dung được cụ thể về hình ảnh của cha, vì chỉ có một lần được gặp vào năm 1956, lúc đó tôi mới 3 - 4 tuổi. Sau này khi lớn lên, được gặp ba Công (đồng chí Võ Chí Công), qua lời kể của ba Công, tôi mới biết được cha ruột mình là một tấm gương cách mạng kiên trung”.

Tôi không hình dung được cụ thể về hình ảnh của cha, vì chỉ có một lần được gặp vào năm 1956, lúc đó tôi mới 3 - 4 tuổi. Sau này khi lớn lên, được gặp ba Công (đồng chí Võ Chí Công), qua lời kể của ba Công, tôi mới biết được cha ruột mình là một tấm gương cách mạng kiên trung”. (Cô Đoàn Võ Thị Kim Ánh)

Theo những gì cô Kim Ánh được nghe kể lại, thì cuối năm 1940, sau khi bị địch đánh phá ác liệt, cơ quan Tỉnh ủy chuyển từ Tam Kỳ ra Quế Sơn lên đóng tại Nghi Sơn, Nghi Hạ, Nghi Thượng, huyện Quế Sơn và đứng chân một thời gian dài tại nhà ông bà nội cô. Tỉnh ủy lúc ấy có các đồng chí Võ Toàn (tức đồng chí Võ Chí Công), Nguyễn Sắc Kim, Trương An. Sau khi Xứ ủy Trung kỳ được lập lại cũng đóng ở đây. Lúc bấy giờ cha và ông bà nội của cô là người tích cực giúp đỡ, giữ bí mật, tham gia bảo vệ để các cán bộ của Tỉnh ủy, Xứ ủy hoạt động. Năm 1942, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh bị địch đánh phá ác liệt, cha cô bị bắt giam tại nhà lao Quế Sơn. Trong nhà lao, ông bị địch tra tấn hết sức dã man, chết đi, sống lại nhiều lần nhưng vẫn một lòng, một dạ kiên trung không hề khai báo việc gì có hại cho cách mạng. Sau đó địch chuyển ông xuống nhà lao Hội An, rồi đưa đi nhà đày Buôn Ma Thuột. Trong nhà tù thực dân, đế quốc, cha cô luôn thể hiện tinh thần cách mạng kiên cường, tích cực tham gia các cuộc đấu tranh do tổ chức đảng trong nhà lao lãnh đạo.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, cha cô Kim Ánh ra tù, được Chi bộ nhà đày phân công cùng với đồng chí Trương Kiểm (Trương Chí Cương) về Phú Yên tham gia Tỉnh ủy, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám ở đây. Năm 1949 ông có về đưa vợ vào Phú Yên, đến năm 1953 thì sinh cô Kim Ánh. Sau đó mẹ đưa cô Kim Ánh về lại Quảng Nam… Trong kháng chiến chống Mỹ, ông được Liên Khu ủy điều động tham gia Tỉnh ủy Khánh Hòa, phụ trách công tác tài mậu, đường dây, sau đó làm Bí thư Thị ủy Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Trong một lần đi công tác vùng địch ở Cam Ranh, ông bị phục kích và hy sinh năm 1966.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Sau khi cha hy sinh, mẹ đi bước nữa, trước đó ông bà nội cũng đã mất nên cô Kim Ánh về sống cùng bà ngoại. Không lâu sau, mẹ tham gia cách mạng tại địa phương và cũng hy sinh, lúc bấy giờ cô Kim Ánh mới 13 tuổi. Biết được hoàn cảnh của cô, ngay trong năm 1966 đồng chí Vũ Trọng Hoàng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho người về dẫn cô lên cơ quan Tỉnh ủy đóng tại huyện Tiên Phước. “Lên cơ quan Tỉnh ủy, chú Bốn Hương cho tôi ở tại Văn phòng Tỉnh ủy và thường nói với anh em cán bộ văn phòng rằng “cháu Ánh là con của bạn chú”. Theo lời chú Bốn Hương, chú và cha tôi cùng hoạt động cách mạng từ năm 1939, cùng bị địch bắt giam tại nhà lao Quế Sơn, lao Hội An. Gia đình tôi lại là cơ sở hoạt động cách mạng, từng nuôi giấu, che chở cán bộ Tỉnh ủy, Xứ ủy và của huyện Quế Sơn hoạt động. Chú cũng đã từng có thời gian đến ở nhà tôi nên chú đưa lên đây cho tôi được đi học, xem tôi như con gái của mình” - cô Kim Ánh kể.

Tôi hỏi cô Kim Ánh: “Cô họ Đoàn sao trong giấy tờ trước đây ghi là Võ Thị Kim Ánh?”. Cô nói: “Sau khi nhận làm con nuôi của ba Võ Chí Công, để thuận tiện cho việc học hành, tôi được đổi tên thành Võ Thị Kim Ánh, lấy theo họ của ba Công. Sau này, khi tham gia ứng cử Đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng, tôi đã đề nghị được lấy đúng họ của mình, vì vậy sau này có tên Đoàn Võ Thị Kim Ánh”.

Cũng theo lời cô Kim Ánh, khoảng năm 1967, cô không nhớ rõ thời gian, có một đoàn khách đến làm việc với Tỉnh ủy. Lúc đó cô tò mò hỏi chú cận vệ là ai, thì được chú giới thiệu trong đoàn có một ông rất “bự”. “Thú thực lúc đó tôi cứ hiểu “bự” nghĩa là cao to nên nói ở đây chú Bốn Hương là người to nhất rồi. Họ nói ông này còn “bự” hơn cả chú Bốn Hương. Sau đó tôi mới biết ông “bự” đó là Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công, cũng trong hôm đó đã nhận tôi làm con nuôi” -  cô Kim Ánh chia sẻ.

Cô Kim Ánh thuật lại buổi gặp gỡ với ba nuôi Võ Chí Công: “Khi ăn cơm tối, chú Bốn Hương giới thiệu: “Đây là bạn chiến đấu của ba con”. Tôi chưa hết ngạc nhiên, thì chú quay sang nói với đồng chí Võ Chí Công: “Đây là cháu Ánh - con đồng chí Sơ, chắc anh biết”, rồi chú nói tiếp: “Vì gia đình không còn ai nên chúng tôi đưa cháu về đây cho đi học”… Sau bữa cơm tối, bác Võ Chí Công gọi tôi ra gặp riêng rồi ân cần kể: “Ngày xưa bác có ở nhà cháu rất lâu, kể cả cơ quan Tỉnh ủy, có lúc cả Xứ ủy, bác cũng đã biết hoàn cảnh gia đình cháu, bác vô cùng đau lòng”. Sau đó bác Võ Chí Công nói với chú Bốn Hương: “Ông bà nội cháu Ánh từng nuôi giấu tôi, ba cháu là cơ sở cách mạng của tôi, giờ ba cháu hy sinh rồi, cho tôi xin cháu làm con nuôi”. Chú Bốn Hương nói: “Được như vậy thì tốt quá!”. Bác Công quay sang hỏi tôi: “Bác đã mang ơn gia đình con nhiều, bây giờ cha mẹ con hy sinh, bác xin con làm con, con có đồng ý không?”. Lúc đó tôi vô cùng xúc động và nhận lời. Thế là sau đợt công tác, tôi theo ba Công về cơ quan Khu ủy. Thời gian đầu tôi được học văn hóa, sau đó được cho ra miền Bắc học tại Trường Phổ thông lao động Trung ương tại tỉnh Hưng Yên”.

Xứng đáng với truyền thống gia đình

Cô Kim Ánh lại kể: “Trước khi ra miền Bắc học tập, chú Bốn Hương có dặn tôi ra Bắc cố gắng học tập cho tốt, sau này về phục vụ quê hương. Nhớ lời dặn của chú, ra miền Bắc, tôi luôn cố gắng học tập và đạt kết quả tốt. Năm 1970, tôi được tổ chức cho đi học y sĩ tại Trường Quân y thuộc Tổng cục Hậu cần. Năm 1973, tôi xin về miền Nam công tác, phục vụ tại cơ quan Khu ủy 5. Khi về tôi gặp lại chú Bốn Hương, lúc bấy giờ là Phó Trưởng ban Tổ chức Khu ủy 5. Chú Bốn Hương căn dặn: “Là con của ba Công, con phải khiêm tốn học tập, giữ gìn phẩm chất, nêu gương truyền thống cách mạng của gia đình, của ba Công”. Những lời dạy, những chỉ bảo ân cần của chú Bốn Hương giúp tôi cảm thấy ấm lòng, tự hứa với bản thân là luôn cố gắng để không phụ lòng chú và ba Công”.

Cuối năm 1974, tôi tiếp tục được cho ra miền Bắc học tại Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên và tốt nghiệp bác sĩ, sau đó trở về công tác tại Đà Nẵng cho đến ngày nghỉ hưu. Còn chú Bốn Hương, sau ngày đất nước thống nhất, chú được Đảng tín nhiệm phân công giữ chức vụ Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, được tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VI. Sau khi chú về hưu, tôi có dịp đến thăm nom chú lúc tuổi già. Đến hôm nay, khi về hưu trên cương vị Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, tôi luôn tự hào mình đã noi gương chú Bốn Hương, noi gương ba Công, luôn khiêm tốn, giản dị, giữ vững phẩm chất đạo đức, xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình và niềm tin yêu của ba Võ Chí Công, của chú Bốn Hương”.

LÊ NĂNG ĐÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện một người con cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO