Di sản của tiền nhân

THÀNH CÔNG 24/01/2023 06:00

(Xuân Quý Mão) - Vượt thoát khỏi lãng quên, tư tưởng canh tân của cụ Phan Châu Trinh (1872 - 1926) vẫn đầy tính thời sự, hay nhân cách, sự mẫu mực của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (1912 - 2011) luôn là tấm gương lấp lánh soi chiếu cho đời sau..., trở thành di sản đầy giá trị thực tiễn từ tiền nhân.

Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam” vào tháng 8/2022. Ảnh: T.C
Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam” vào tháng 8/2022. Ảnh: T.C

Khát vọng cho mọi thời đại

Tự nhận lãnh trách nhiệm phải gánh vác công việc quốc dân, cụ Phan Châu Trinh luôn thể hiện là một trí thức “ưu thời mẫn thế”. Đó là khẳng định của PGS-TS. Ngô Văn Minh khi đề cập những đóng góp quan trọng của cụ Phan.

“Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, những giá trị truyền đời từ tư tưởng canh tân của cụ Phan không chỉ thức tỉnh một thế hệ trong giai đoạn lịch sử nhất định, mà còn vang vọng như một khát vọng của dân tộc trong mọi bối cảnh, mọi thời đại.

Tháng 8/2022, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (7/8/1912 - 7/8/2022). Trong khuôn khổ những hoạt động của sự kiện này, hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam” được tổ chức. Tiếp đến, tháng 9/2022, nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh nhà yêu nước Phan Châu Trinh (9/9/1872 - 9/9/2022), UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh”.

PGS-TS. Ngô Văn Minh nói, quan điểm của cụ Phan Châu Trinh rất rõ ràng: Cứu dân để cứu nước. “Nếu không chăm lo sức dân, không chấn hưng dân tộc thì không đủ nội lực để giành lại chủ quyền đã đành.

Hơn thế nữa, việc khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh là nhiệm vụ lâu dài, vì khi giành lại được chủ quyền còn phải hướng đến dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh, có trình độ dân trí cao, sánh vai với các liệt cường trên thế giới.

Luân lý quốc gia được cụ Phan chủ trương xây dựng bằng cách dung hợp văn minh châu Âu với những giá trị của Nho giáo Khổng - Mạnh, nội dung cốt lõi là đề cao chủ nghĩa dân chủ, xem chủ nghĩa dân chủ chân chính là vị thuốc thần hiệu để chữa bệnh chuyên chế” -  PGS-TS. Ngô Văn Minh nhấn mạnh.

Với nhà sử học Dương Trung Quốc, phải thức nhận về tầm nhìn trước thời đại của cụ Phan, người đã nhìn thấy những điều mà xã hội bây giờ đang xảy ra, thế hệ hôm nay đang chứng kiến.

Vẫn đầy tính thời sự và lấp lánh nhiều giá trị tư tưởng của cụ Phan còn nóng hổi trong dòng chảy của thời cuộc, dẫu qua bao biến động của quốc gia, dân tộc. Từ tư tưởng canh tân của cụ Phan Châu Trinh được đặt ra trên bàn nghị sự của đời sống trong hành trình đổi mới, cho thấy được một trí tuệ, một góc nhìn vượt thoát trăm năm, sâu và xa, là khát vọng của mọi thời đại.

“Chi bằng học” là bài học mang giá trị vĩnh viễn, khi cụ Phan nói về giáo dục, nâng cao dân trí bằng một cộng đồng học tập, một xã hội hiểu biết đến từ tất cả người dân. “Gần một thế kỷ rồi, xã hội quay trở lại với những yếu tố mà cụ Phan đã đưa ra, tất nhiên dưới một góc nhìn mới. Công cuộc đổi mới của chúng ta, tôi nghĩ đó chính là canh tân.

Trong đó, “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” chính là câu chuyện đổi mới về vấn đề giáo dục, vấn đề lấy con người làm trung tâm cũng như làm sao để kịp sự phát triển của thế giới. Từ chuyện mở mang dân trí cho thấy tầm quan trọng của giáo dục trong toàn bộ đời sống, không dừng ở sách vở hay đóng khung đối với với tầng lớp nào, mà phải phổ quát trong toàn bộ người dân” - nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Thao thiết với dân

Ấn tượng sâu sắc từ lễ truy điệu và để tang cụ Phan Châu Trinh tại Tam Kỳ, đã khai tâm để chọn con đường làm cách mạng của đồng chí Võ Chí Công.

Căn cứ Liên khu ủy và Ban Quân sự khu 5, nơi gắn liền với giai đoạn hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: T.C
Căn cứ Liên khu ủy và Ban Quân sự khu 5, nơi gắn liền với giai đoạn hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: T.C

Ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương kể về người cha của đồng chí Võ Chí Công - cụ Võ Dương với bài học cho con trai mình về đạo làm người, về hiếu nhân, về tinh tinh thần “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” - nghĩa là dân là gốc quan trọng nhất, thứ đến là nước nhà, sau đó mới là vua.

“Từ khi còn nhỏ tuổi, qua những nhà nho hoạt động yêu nước tại quê nhà, qua những người thân trong gia đình, đồng chí Võ Chí Công đã tiếp cận rất sớm với tư tưởng “dân vi bản” - dân là gốc, dân phải là chủ, vì dân, do dân, thân dân. Tư tưởng ấy đã thấm dần, sâu dần, định hướng các quan điểm về dân tiếp tục thấm sâu, bền chặt trong con người Võ Chí Công, một tấm gương sáng của quê hương xứ Quảng” - ông Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh.

“Đối với nhân dân Quảng Nam, đồng chí Võ Chí Công là đại diện tiêu biểu cho phẩm chất, tính cách và khát vọng của con người xứ Quảng. Hơn 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, dấu chân của người chiến sĩ cộng sản trung kiên Võ Chí Công đã in trên khắp các chiến trường, từ Quảng Nam đến Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, từ Khu 5 đến Nam Bộ.

Đối với quê hương Quảng Nam, đồng chí Võ Chí Công để lại dấu ấn sâu sắc với vai trò nhà lãnh đạo xuất sắc, nhà thực tiễn cách mạng có tầm nhìn chiến lược, xuất hiện đúng lúc lịch sử cần, để lại cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam những bài học quý giá, cổ vũ, động viên nhân dân vượt qua khó khăn, gian khổ, xây dựng quê hương, đất nước.

Tài năng, trí tuệ, bản lĩnh kiên cường, tinh thần tiến công cách mạng không lùi bước đã tạo ra một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng là đồng chí Võ Chí Công. Đồng chí là đại diện tiêu biểu cho phẩm chất, tính cách và khát vọng của xứ Quảng” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhắc nhớ về đồng chí Võ Chí Công với niềm tự hào.

Sẽ còn lấp lánh những giá trị không thể phai mờ, sẽ đọng mãi những ký ức được chắt chiu và luôn nhắc nhớ, để thế hệ hôm nay lần tìm về quá khứ, soi rọi cho khát vọng của chính mình trong mỗi bước đi cùng quê hương. Từ bài học của cụ Phan Châu Trinh, hay cốt cách, tư tưởng của “bác Năm Công”, lịch sử sẽ tiếp tục dòng chảy bất tận bằng niềm tự hào, bằng khát vọng kế thừa, truyền nối...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Di sản của tiền nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO