Hoa sứ rơi lặng lẽ...

Ghi chép của DUY HIỂN 09/11/2014 09:57

Trong những năm 1925-1930, có một người quê ở Nghệ An từng giữ chức Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội Quảng Nam. Đó là ông Trần Văn Tăng người xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc - Nghệ An. Lần theo quá khứ, tôi tìm về quê hương của một người con xứ Nghệ...

Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghi Hoa đưa chúng tôi đến nhà ông Trần Văn Tăng - người vừa mới được chính quyền địa phương làm hồ sơ để công nhận cán bộ tiền khởi nghĩa. Ông Trần Văn Hợp - con trai ông Tăng, hết sức xúc động vì Quảng Nam quan tâm đến thân phụ của ông đến vậy. Năm nay đã 86 tuổi nhưng ông Hợp còn khỏe mạnh, đi đứng nói năng rành rọt, đặc biệt vẫn phảng phất phong cách của lớp người Tây học. Dòng hồi ức của ông Hợp đưa chúng tôi về lại cội nguồn của một gia đình cách mạng thuộc hàng tên tuổi ở Việt Nam.

Nghĩa trang gia đình dòng họ Trần ở Nghi Hoa. Ảnh: D.HIỂN
Nghĩa trang gia đình dòng họ Trần ở Nghi Hoa. Ảnh: D.HIỂN

Cha ông Trần Văn Tăng là Trần Văn Năng, tú tài Hán học, sau đó học chữ quốc ngữ rồi dạy học ở trường làng, một ngôi trường tân học đầu tiên trong vùng. Bên họ ngoại ông Năng có người tham gia phong trào Văn thân ở Nam Định, bị thực dân Pháp bắt rồi chôn sống. Cái chết thảm khốc ấy đã nung nấu tư tưởng chống Pháp của gia đình ông. Nghệ Tĩnh, trong những năm 1925 - 1930 là chiếc nôi của cách mạng theo đường lối vô sản. Ba người con trai đều được ông Năng cho ăn học chu đáo. Trần Văn Tăng là con đầu, sau khi hết bậc tiểu học, ông vào Huế học trung học và đỗ đầu bằng thành chung. Hồi ấy, cả Trung kỳ chỉ có Quốc học Huế là trường trung học, nơi tập trung tinh hoa trong khu vực, việc Trần Văn Tăng đỗ đầu kỳ thi chứng tỏ ông học rất giỏi. Tiếp tục học ngành sư phạm rồi ông về dạy học ở Trường Cao Xuân Dục, thành phố Vinh, cùng với Trần Phú và Hà Huy Tập. Dạy học thời ấy là nghề được xã hội trọng vọng, lương hậu, có thể sống thung dung, thế nhưng nhóm trí thức trẻ này vẫn nuôi tư tưởng làm cách mạng. Họ thành lập đảng Hưng Nam, sau đổi thành Tân Việt do Trần Phú đứng đầu; phần lớn đảng viên Tân Việt sau chuyển sang đường lối cách mạng vô sản. Trần Văn Tăng được phân công tuyên truyền, gây dựng tổ chức của Tân Việt trong giới thợ thuyền Nhà máy xe lửa Trường Thi, Nhà máy diêm Bến Thủy.

Ông Trần Văn Hợp chăm sóc phần mộ thân phụ.
Ông Trần Văn Hợp chăm sóc phần mộ thân phụ.

Mật thám Pháp ở thành Vinh đánh hơi biết được nhưng chưa có bằng cớ nên chúng cách ly Trần Văn Tăng bằng cách điều ông ra dạy học ở Yên Thành - Nghệ An rồi ra Bái Thượng - Thanh Hóa. Chưa yên tâm, chúng đưa ông lên tận Kon Tum.  Năm 1928 chúng lại chuyển ông về Hội An, dạy ở trường tiểu học Pháp - Việt. Hội An bấy giờ đã có một chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội do Phan Thêm, tức Cao Hồng Lãnh, sau này là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng thành lập, hoạt động khá tích cực. Sau thời gian thăm dò, nhận thấy Trần Văn Tăng có tư tưởng chống Pháp nên Phan Thêm kết nạp ông vào chi bộ. Theo hồi ký cụ Phan Văn Định, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ Quảng Nam, do học rộng, nghiên cứu tài liệu nhiều nên Trần Văn Tăng đã giúp đảng viên trong chi bộ nắm bắt được nhiều vấn đề lý luận bổ ích. Ông là người nghĩ ra việc đặt bí danh cho từng đảng viên để đảm bảo bí mật trong hoạt động. Là giáo viên, Trần Văn Tăng  cũng có điều kiện thuận lợi để phát triển lực lượng trong giới giáo chức và học sinh. Cuối năm 1928, Phan Thêm được Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội cử sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện nên Trần Văn Tăng được cử làm Bí thư Chi bộ Hội An. Tháng 3.1929, ông được bầu vào Ban Chấp hành Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tỉnh Quảng Nam, sau đó giữ cương vị Bí thư Tỉnh bộ. Không chỉ hoạt động trong giới trí thức thành thị, ông còn có nhiều đóng góp trong việc phát triển tổ chức cách mạng ra các vùng nông thôn Quảng Nam. Hai em trai của ông là Trần Văn Cung, Trần Văn Quang đều tham gia cách mạng từ rất sớm.

Giữa năm 1929, Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội phân liệt thành ba tổ chức cộng sản ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, tuyên truyền hoạt động vào tới Quảng Nam. Lúc này Trần Văn Cung là Bí thư Xứ ủy lâm thời của Đông Dương Cộng sản Đảng nên Tỉnh bộ Quảng Nam quyết định cử ông Tăng về Nghệ An tìm hiểu, tiếp thu ý kiến cấp trên. Trần Văn Tăng chấp hành nhiệm vụ và cũng là dịp về quê dưỡng bệnh một thời gian. Về đến nhà, không may ông ngã bệnh rồi bị chính quyền Nam triều bắt giam với lý do tham gia đảng Tân Việt, kết án 2 năm tù treo, 2 năm quản thúc. Bị tra tấn dã man khiến bệnh lao phổi ngày càng nặng, ngày 16.4.1930 Trần Văn Tăng từ trần.

Tháng 3.1945, ông Trần Văn Hợp đang học năm thứ 2 bậc trung học thì Nhật đảo chính Pháp nên phải bỏ dở. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Hợp được người chú ruột là Trần Văn Quang - Chính ủy Quân khu IV, đưa theo làm liên lạc. Vốn có trình độ học vấn khá nên năm 1949 ông được vào học khóa 5 Trường Sĩ quan lục quân, phân hiệu 2 đóng ở Thanh Hóa. Ra trường ông làm đại đội trưởng một đại đội độc lập tại Tĩnh Gia - Thanh Hóa. Năm 1953, ông được cử sang Liêu Ninh - Trung Quốc, học cao xạ pháo. Tháng 3.1954, chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, ông về nước chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 392 thuộc Trung đoàn cao xạ 367 bảo vệ tuyến đường giao thông từ Lạng Sơn về đến Thái Nguyên đang là tuyến vận tải huyết mạch để chuyển vũ khí, khí tài, xăng dầu… cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đồng đội ông sau này nhiều người giữ chức vụ cao trong quân chủng Phòng không - Không quân nhưng đời ông Hợp lại đi vào ngõ cụt.

Tháng 7.1954, hòa bình lập lại, đơn vị ông về tiếp quản Hải Phòng, ông lại bị sa ruột, không thể ở trong quân đội được nữa nên phải giải ngũ. “Tôi về quê một thời gian thì nổ ra cải cách ruộng đất - ông Hợp kể. Gia đình tôi phải lên ngồi ghế đấu tố vì bị xếp vào thành phần phú nông. Mẹ tôi có 6 mẫu ruộng bị tịch thu chia cho dân địa phương, nhiều đồ đạc trong nhà cũng bị lấy đi. Bộ trường kỷ mà các anh đang ngồi là của bố tôi sắm, may còn giữ được, giờ làm chút kỷ niệm”. Rồi ông Hợp dẫn chúng tôi ra sân, khoát tay chỉ khoản đất rộng mênh mông đã bị đem chia cho thiên hạ, nay hàng xóm đã xây tường gạch ba bề. Tôi áng chừng thổ cư nhà ông giờ chỉ độ 800m2. Những năm ấy ông Hợp sống lặng lẽ như cái bóng giữa thôn Hoa Trung quê ông, sau sửa sai, ông mới được nhận làm một chân thư ký trong ủy ban xã. Vợ ông vốn là giáo viên dạy học xa nhà, nhưng do mẹ chồng bị liệt nên bỏ nghề về chăm sóc. Giờ hai vợ chồng già chỉ sống bằng một suất lương hưu còm của ông. Có lẽ số phận bạc trắng như vôi nên ông Hợp như luôn bị sự trầm lặng bủa vây.

Hai em trai ông Trần Văn Tăng đường đời lại khá hanh thông. Ông Trần Văn Cung trước khi về hưu, giữ chức Hiệu trưởng  Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Ông Trần Văn Quang mang quân hàm Thượng tướng, từng là Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, cuối đời làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Riêng ông Trần Văn Tăng, suốt hàng chục năm ở đất Nghệ An chẳng ai biết đến hành trạng của một người từng là Bí thư Tỉnh bộ Quảng Nam. “Mẹ tôi thường kể về những năm hoạt động cách mạng của cha tôi, nhất là quãng đời ở Hội An. Nhiều lần tôi cũng nghĩ đến chuyện khôi phục lại tên tuổi cho cha mình nhưng không biết lấy gì minh chứng. Thế rồi tôi nhận được liên lạc của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, mới hay tài liệu về cha mình được lưu trữ rất đầy đủ. Nhờ những sử liệu này, tôi mới làm được hồ sơ để Nhà nước công nhận cha tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa. Ơn nghĩa của Quảng Nam, tôi cảm kích lắm”. “Thế sao bác không tiếp tục làm hồ sơ công nhận liệt sĩ cho ông cụ, Nhà nước có chính sách công nhận người bị địch tra tấn về nhà đau chết là liệt sĩ cơ mà?”. “Giờ tôi già lắm rồi, mà thủ tục hành chính thì các anh biết đó, nhiêu khê lắm” - ông Hợp nói giọng chùng xuống. Tôi chợt se lòng khi thấy trên bàn thờ ông Tăng, ngoài di ảnh, không có gì nữa cả!

Ông Hợp đưa chúng tôi đi thắp hương mộ cụ Trần Văn Tăng ở nghĩa trang gia đình vừa được ông Quang góp tiền tu bổ nên khá khang trang giữa cánh đồng xanh ngút ngát. Cây sứ trồng bên mộ cụ lặng lẽ thả những đóa hoa trắng muốt rơi trên nền đất. Nhìn những đóa hoa sứ, bất chợt tôi liên tưởng đến cuộc đời của vị cách mạng tiền bối và người con trai của ông...

Ghi chép của DUY HIỂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoa sứ rơi lặng lẽ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO