Hồi đó ở Quế Sơn

TRẦN ĐĂNG 18/08/2018 03:56

Nói chuyện với tôi, bà hay chêm giữa những câu chuyện đứt nối của một thời gian khổ bằng cụm từ “hồi đó ở Quế Sơn”. Hồi đó - tức hồi chiến tranh chống Mỹ, mà bà là bác sĩ, trưởng trạm y tế của vùng căn cứ địa cách mạng này. Tên bà là Nguyễn Thị Thu Hà, 76 tuổi, quê Đà Nẵng. Bà Hà đi tập kết, rồi theo học Đại học Y Hà Nội cùng khóa với bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Bà tốt nghiệp năm 1966 và lên đường đi B ngay.

Bà Hà và tác giả.Ảnh:  CÔNG THI
Bà Hà và tác giả.Ảnh: CÔNG THI

“Cho đến bây giờ, sau 52 năm vượt Trường Sơn để về Quảng Nam công tác, tôi cũng không lý giải được vì sao mình lại “khỏe” đến vậy khi phải đi bộ 3 tháng ròng rã, lưng gùi  hàng chục ký quân trang, lại trèo đèo lội suối trong đói rét, bệnh tật và bom đạn không lúc nào ngơi nghỉ, trong khi tôi chỉ cân nặng… 41 ký!” - bà Hà mở đầu câu chuyện thời thanh xuân của mình bằng lời tự vấn “không lý giải được” như vậy. Bà hỏi nhưng cũng là để khẳng định một điều rằng, khi Tổ quốc lâm nguy, con người ta có thể làm những điều khó tin, ngoài khả năng thông thường của mình, để cứu nước. Hàng vạn thanh niên cũng đã vượt Trường Sơn như bà trong những năm đất nước có giặc. Có điều, bà được xếp vào những người “hồi kết” vì quê bà ở Đà Nẵng, theo cha là ông Nguyễn Văn Bé (1912), nguyên Trưởng ty Công chánh tỉnh Quảng Nam từ năm 1946, tập kết ra Bắc. Đúng 12 năm, bà trở về trên chính quê hương mình để “chia bom, đội pháo” với bà con đất Quảng.

Về Nam

Khác với nhiều thanh niên cùng lứa theo cha hoặc mẹ đi tập kết, họ khao khát trở về miền Nam, ngoài tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang lâm nguy, còn có một lý do cá nhân nữa là về gặp cha hoặc mẹ còn mắc kẹt trong vùng tạm chiếm, bà Thu Hà có cả cha lẫn mẹ đang công tác trên đất Bắc, thế mà vẫn xung phong đi B cho bằng được. “Về Nam”, hai tiếng ấy như một hối thúc tự nguyện với lớp thanh niên đi tập kết như bà ngày đó, dù họ thừa biết bao hiểm nguy đang chờ đón họ khi trở về miền Nam.

Bà Thu Hà bồi hồi nhớ lại cái hôm sắp chia tay những người thân: “Một buổi sáng cũng vào mùa thu như thế này của năm 1966, tôi vừa tốt nghiệp bác sĩ Đại học Y Hà Nội, chuyên khoa mắt - tai mũi họng, xong các thủ tục để chuẩn bị ngày lên đường thì tôi mới về “thưa chuyện” với mẹ tôi. Đến lúc ấy bà mới biết con gái mình âm thầm chuẩn bị hành trang “đi B”. Dù khá bất ngờ nhưng mẹ chỉ nói: “Con giờ đã là bác sĩ rồi, trưởng thành  rồi, nên con tự quyết, mẹ luôn tôn trọng sự chọn lựa của con”.

Cả một thế hệ như bị cuốn vào cuộc chiến nên người mẹ ngày ấy buộc phải nói những điều “khuôn thước” như vậy chứ tôi hiểu, bà đang giấu trong lòng mình một cơn bão âu lo. Không lo sao được khi tôi là con gái, lại bé như cái kẹo thế kia, làm sao có thể mang hai ba chục ký để vượt Trường Sơn? Rồi vô trong chiến trường, đạn bom chết chóc thế, liệu con gái mình có còn sống để trở về gặp lại cha mẹ không? Nhưng thấy con đã quyết như thế rồi, bà cũng phải chiều theo ý con. Mẹ tôi vào mở chiếc tủ cũ, lục lọi một hồi, bà lấy ra một sợi dây chuyền vàng, trao cho con gái: “Mẹ chẳng có gì, chỉ có từng này gửi con mang theo, nhỡ dọc đường có gặp sự cố gì thì tùy nghi mà xử lý”. Tôi đã mang theo số vàng ấy cùng lời dặn dò và ánh mắt đong đầy yêu thương của người mẹ làm hành trang để “về Nam” trong nỗi bồn chồn, khắc khoải, vừa háo hức chen lẫn những âu lo về tai ương có thể sẽ đón chờ mình phía trước”.

Chào Quế Sơn!

“Lẽ ra sau quyết định mà trên đã duyệt cho đi, chúng tôi lên tập trung trên Hòa Bình, ở đó 3 tháng để làm quen với núi rừng cũng như tập thể lực cho chuyến đi B dài ngày. Thế nhưng, vừa lên trung tâm huấn luyện ấy được 10 hôm, chưa kịp làm quen với cảnh núi rừng thì đã nghe thông báo, nhóm chúng tôi đi B ngay vì chiến trường đang cần. Chị Thùy Trâm đi trước tôi mấy hôm, cũng vội vã như vậy. Chị ấy về thẳng Đức Phổ, Quảng Ngãi rồi hy sinh ở đó. Còn tôi thì hơn 3 tháng sau ngày rời Hà Nội mới đặt được chân lên đất Quảng Nam, được phân ngay về một trạm xá của huyện Tiên Phước. Tôi không muốn nhắc lại quãng đường bầm dập hơn 3 tháng mà đoàn chúng tôi gồm 25 thành viên, trong đó có hai bác sĩ là tôi và chị Phượng người Quảng Ngãi, đã trải qua mà muốn nói đến một địa chỉ đã gắn số phận của đời mình cho đến mãi tận hôm nay” - bà Thu Hà kể bằng một giọng ngùi ngùi rồi nhìn về phía chồng - đại tá Vũ Đình Nã, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, sư đoàn anh hùng đã tham gia nhiều trận đánh “long trời lở đất” vùng Quế Sơn, Hiệp Đức trong những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Bà gặp “sư trưởng” sau trận càn thừa sống thiếu chết cuối năm 72 và tổ chức lễ cưới ngay giữa chiến trường.

Trở lại với câu chuyện bà Thu Hà về Tiên Phước. Bà cùng anh em trong bệnh xá ở đây đào hầm, dựng lán đón thương binh chưa được bao lâu thì trên có công điện khẩn: “Điều động đồng chí bác sĩ Thu Hà về Quế Sơn”. Bà vội chia tay anh em để “chào Quế Sơn”, mảnh đất mà khi còn ở Tiên Phước, nghe anh em bộ đội đồn rằng, đó như chiếc cối xay thịt người! Kệ, bà đi B là đã xác định nếu phải ngã xuống nơi chiến trường ác liệt này thì cũng là chuyện đương nhiên nên chẳng hề toan tính thiệt hơn gì. Có điều, trên đường đi cùng với giao liên về Quế Sơn, bà nghe xầm xì: “Ban Dân y tỉnh hết đàn ông rồi hay sao mà đưa “con nhỏ ốm yếu” này về chịu đời sao thấu?”, đã thấy bị “tổn thương” trong lòng rồi. Ừ, đã thế thì bà sẽ chứng minh “con nhỏ ốm yếu” này sẽ “mạnh mẽ” như thế nào nhé. Bà tự động viên mình như vậy.

Hóa ra họ không “dọa” chút nào. Bà tiếp quản bệnh xá khi người thủ trưởng cũ - anh Hoàng Vân - vừa mới hy sinh cách đó vài hôm. Bà Hà kể rằng, Trạm xá Quế Sơn ngày ấy y như có tình báo bên đối phương cài vào vậy. Vì di chuyển đến chỗ nào, dù là tận núi cao heo hút thì bom nó ném cũng trúng hoặc biệt kích nó mò tới ngay sau khi mình vừa “ổn định” lán trại. Bà vắt óc suy nghĩ ba đêm liền, cuối cùng quyết định chọn “đất lành” cho Trạm xá Quế Sơn ở Hang Chanh, ngay trước mũi của trận địa pháo Cấm Dơi. Giặc không nghĩ Việt Cộng lại “chơi liều” như vậy nên đó là nơi mà Trạm xá Quế Sơn đóng đô lâu nhất và cũng an toàn nhất. Bà cùng đơn vị chỉ đối mặt với trận càn của Mỹ mùa hè năm 1972 khiến bà một phen hú vía khi vừa đưa hơn 200 thương binh chui xuống hang thì đám biệt kích mò đến. Chúng quăng đến quả lựu đạn thứ 3 xuống hang thì bỏ đi vì nghĩ chẳng một ai còn sống được. Nhưng bọn Mỹ đã nhầm, để đề phòng địch đi càn và phát hiện nơi điều trị thương binh, bà Hà cùng anh em đã chuẩn bị phương án đào các ngách trong hầm chằng chịt như hang chuột. Hàng trăm thương binh trong hang không hề hấn gì là nhờ “mẹo” này.

Qua những lần chỉ huy chuyển anh em chạy càn rồi vô rừng tìm thuốc nam về chữa bệnh cho thương binh cũng như gùi cõng lương thực, cô bác sĩ “chân yếu tay mềm” đã chinh phục hoàn toàn các đấng nam nhi về tài tháo vát, sự bao dung, luôn hết lòng với chiến sĩ mỗi khi về đây điều trị. Chả thế mà một người dạn dày trận mạc như sư trưởng Nã, chỉ gặp một lần là “thua trận” ngay với cô bác sĩ nhỏ nhắn này!

Một túp lều… tôn,  hai trái tim già

Cách đây 3 năm, đồng đội cũ tổ chức cuộc gặp tại Quế Sơn, họ mời ông Nã bà Hà về dự. Có lẽ đó là chuyến đi cuối cùng của ông bà trở lại chiến trường xưa. Quế Sơn đã đón bà Hà như đón người thân lâu ngày gặp lại. Để có chuyến đi ấy, đồng đội cũ đã phải “bao sân” cho cặp vợ chồng vượt ngưỡng “cổ lai hy” này toàn bộ kinh phí. “Tôi sinh cho ông ấy hai mụn con nhưng vợ chồng luôn xa cách. Tôi về Tam Kỳ làm ở bệnh viện sau ngày hòa bình thì ông lại sang chiến trường K. Khi cả hai quyết định về Đà Nẵng sống thì ông lại chuyển về một trường quân đội ở Ninh Hòa, tôi lại đi theo ông. Tỉnh Khánh Hòa đã cấp cho ông ấy miếng đất ở đường Biệt Thự, Nha Trang lúc ông mới về hưu nhưng ông không nhận vì không có tiền làm nhà, nên chọn vùng quê Diên Toàn - Diên Khánh này làm nhà tạm để ở” - bà Hà kể.

Cám cảnh với hơn 30m2 nhà tôn vách ván, các chiến hữu đã góp tiền xây cho vợ chồng ông Nã bà Hà căn nhà tương đối tinh tươm này. Ông ở trong ngôi nhà thắm tình đồng đội ấy chưa được bao lâu thì bị đột quỵ. Bà Hà lại phải làm công việc của một bác sĩ ngày ngày chăm ông như bà đã từng chăm thương binh gần 50 năm trước.

TRẦN ĐĂNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hồi đó ở Quế Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO