Huỳnh Ngọc Huệ với Tố Hữu

NĂNG ĐÔNG 08/08/2019 11:21

Năm 1934, Huỳnh Ngọc Huệ học tại Trường Kỹ nghệ thực hành Huế. Thời gian này, ông tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước và gặp gỡ, kết bạn với Nguyễn Kim Thành (tên thật của nhà thơ Tố Hữu).

Huỳnh Ngọc Huệ. Tố Hữu.
Huỳnh Ngọc Huệ.                                      Tố Hữu.

Năm 1937, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Sau đó, năm 1938 Tố Hữu cũng được đứng vào hàng ngũ của Đảng, người kết nạp Tố Hữu vào Đảng không ai khác chính là đồng chí Trần Tống - cũng là người con ưu tú của quê hương Đại Lộc, Quảng Nam. Từ đây, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ và Nhà thơ Tố Hữu luôn gắn bó, song hành, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi trên những chặng đường cách mạng.

Với những hoạt động sôi nổi, Tố Hữu, Huỳnh Ngọc Huệ đã nằm trong tầm theo dõi của mật thám Pháp. Tháng 4.1939 Tố Hữu bị bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế), sau đó bị đày đi nhà đày Lao Bảo (Quảng Trị). Còn Huỳnh Ngọc Huệ, giai đoạn này để tránh bị mật thám theo dõi, ông lánh vào Diêu Trì, tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, tại đây Huỳnh Ngọc Huệ cũng bị địch bắt kết án một năm tù giam và chuyển về nhà lao Thừa Phủ, đầu năm 1940 chúng đày ông lên Đắk Glei - một vùng núi non hiểm trở ở Kon Tum.

Còn Tố Hữu, tháng 4.1941 bị địch đưa đi nhà tù Quy Nhơn, sau đó cũng chuyển ông lên nhà đày Đắk Glei. Sau khi bị đày lên Đăk Glei, Tố Hữu vui mừng vì gặp được những đồng chí, đồng đội của mình. Trong hồi ký, Tố Hữu viết: “Nhưng sự đời cũng kỳ lạ. Tôi những tưởng Đắk Glei là một chốn hoang vu, ma thiêng nước độc ở cái xó rừng núi hẻo lánh này. Nào ngờ xe vừa đỗ bên đường, liền có mấy anh chạy đến. Có một người ôm hôn tôi, cầm tay, vỗ lưng cười ha hả. A! chú mày lên đây rồi! Chào nhà thơ! Tôi dụi mắt, nhìn kỹ xem ai vậy. Thấy ngay một người vạm vỡ, đầu hói, trán cao, miệng rộng và đôi mắt nhìn tôi vô cùng thân thiết. Té ra đó là anh Lê Văn Hiến, vâng anh Hiến yêu quý, tác giả của Ngục Kon Tum mà tôi quen năm xưa ở Đà Nẵng. Bên cạnh anh đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, người thợ máy học trường Bách Nghệ ở Huế cùng chi bộ với tôi năm 1937 và còn bao nhiêu anh khác nữa”. Tố Hữu lại được cùng ăn, cùng ở và cùng hoạt động với những người đồng chí, đồng đội của mình.

Tuy nhiên, lúc này phong trào cách mạng ở bên ngoài gặp nhiều khó khăn trước những đợt khủng bố dã man của kẻ thù, nhiều cơ sở bị bể vỡ, nhiều đảng viên kiên trung bị địch bắt, tra tấn, tù đày. Tình thế này yêu cầu bằng mọi cách phải xây dựng lại cơ sở, nhất là vùng nông thôn, vùng núi. “Phải vượt ngục!”. Đó là suy nghĩ và quyết tâm của Tố Hữu.

Và, từ quyết tâm ấy, Tố Hữu đã bàn bạc với người bạn Huỳnh Ngọc Huệ: “Mày với tao về Quảng Nam. Tìm lại các mối rồi gây dựng dần phong trào”. Cả hai thống nhất, sau đó bàn kế hoạch và được các đồng chí Lê Văn Hiến, Chu Huy Mân, Nguyễn Duy Trinh giúp sức, tuy nhiên khó khăn nhất là việc thông thạo đường đi lối về, tránh bị địch phát hiện bắt trở lại. “Thế là gay rồi!” - Tố Hữu nói. Huỳnh Ngọc Huệ đã gặp riêng Tố Hữu và bảo: “Tao thuộc đất Quảng Nam, quê tao. Thôi đi đông khó lọt. Hai đứa mình cứ nhắm hướng bắc mà đi, đi rồi cũng đến”.

Thống nhất kế hoạch, cả hai phân công chuẩn bị cho chuyến vượt ngục. Cả hai sẽ cải trang thành người dân tộc Kà Tu (Cơ Tu). Huỳnh Ngọc Huệ được phân công sang bên bản Đăk Bla kín đáo dò hỏi đường đi, nếu có ai tốt đưa đường càng hay. Còn Tố Hữu lo sắm các đồ cần thiết: chăn, quần áo, dao rựa và một đùm muối… Sau khi sang Đăk Bla dò la, Huỳnh Ngọc Huệ về nói: “Họ bảo về Giằng (Quảng Nam) chỉ dăm bảy ngày đường, có lối rừng đi dễ, chẳng cần ai dẫn”.

Sau khi chuẩn bị chu đáo, sáng sớm ngày 14.3.1942, hai đồng chí vẫn đi làm như những ngày bình thường, sau đó lẻn vào rừng! Sau hơn 20 ngày đêm trong rừng Trường Sơn với “Đọt lau, rau má, vải xanh/ Đói lòng hát khúc quân hành vẫn vui”. Về đến làng Rô, bên dòng Đăk Mi, Huỳnh Ngọc Huệ và Tố Hữu được già làng cho ăn ngủ, rồi tính đường về xuôi.

Về Đại Lộc, hai người chia tay, Huỳnh Ngọc Huệ ra Đà Nẵng tìm và xây dựng lại cơ sở, còn Tố Hữu lên làng Thừa Bình, quê nhà Trần Tống, lúc này đồng chí Trần Tống còn ở trong nhà đày Buôn Ma Thuột.

Năm 1973, trong chuyến công tác vào Nam, từ Đắk Tô, Tố Hữu đã tìm về Bến Giằng, hỏi đường về làng Rô. Qua trò chuyện với một cụ già, đồng chí vô cùng nghẹn ngào khi hay tin, già làng từng nuôi giấu mình vượt ngục năm ấy - tên là già Đễ đã chết lâu rồi, còn cô con gái tên Đỡ cũng đã chết vì sốt rét. Còn Huỳnh Ngọc Huệ - người bạn vượt ngục cũng đã từ trần ngày 27.4.1949, do bị nhiễm trùng uốn ván.

Sau này, mỗi lần có dịp nhắc về Huỳnh Ngọc Huệ, nhà thơ Tố Hữu thường nói: “Ở Đăk Glei cũng như ở Huế, tôi được biết Huỳnh Ngọc Huệ là đồng chí có tinh thần cách mạng kiên cường, tính tình trung hậu chất phác, chân thành và ngay thẳng với đồng chí và bạn bè, là người cộng sản trung thành mẫu mực”.

Thật trân trọng biết bao về tình bạn cảm động và thiêng liêng giữa hai người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Và trong tình cảm thiêng liêng và cảm động giữa Huỳnh Ngọc Huệ và Tố Hữu, không thể không nhắc đến tình cảm thiêng liêng của đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Nam dành cho Đảng, cho Bác Hồ, trong đó có già Đễ và con gái. Dù khó khăn, gian khổ nhưng vẫn chia sẽ, đùm bọc và bảo vệ cán bộ. Nhớ ơn tình cảm thiêng liêng này, Nhà thơ của Tố Hữu khái quát bằng những câu thơ: “Ôi! Làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi, chiếc nôi đại bàng/ Trăm năm ta nhớ ơn làng/Cánh tay che chở bước đường gian nguy”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Huỳnh Ngọc Huệ với Tố Hữu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO