Làng có hai Đô đốc triều Tây Sơn

PHẠM VĂN BÍNH 18/02/2019 05:57

Vào mùa xuân năm 1789, vua Quang Trung đại phá quân Thanh với trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử. Chiến thắng vĩ đại 230 năm trước có sự đóng góp của nhân dân cùng các tướng lĩnh ở mọi miền. Trong đó, làng Chiên Đàn, thuộc tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông  (nay thuộc thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) có hai vị Đô đốc tham gia đoàn quân Tây Sơn.

Mộ Đô đốc Kiều Phụng.
Mộ Đô đốc Kiều Phụng.

Đô đốc Thủy binh Kiều Phụng

Đô đốc Kiều Phụng hiện không rõ năm sinh, năm mất. Theo truyền khẩu của dân làng Chiên Đàn và theo lời kể của gia tộc họ Kiều, lúc nhỏ ông là người rất thông minh, lanh lẹ, thích luyện tập võ nghệ. Năm 1771, cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn nổ ra và lan rộng các tỉnh miền Trung. Đến năm 1774, khi quân Tây Sơn tuyển mộ binh sĩ ở Quảng Nam, ông xin tham gia nghĩa binh. Vốn là người biết võ nghệ và am hiểu sông nước, ông được Nguyễn Huệ cho vào hàng ngũ thủy quân; sau đó không lâu, do có công trạng nên ông được phong làm Đô đốc.

Năm 1785, Đô đốc Kiều Phụng chỉ huy một Hải thuyền, phối hợp cùng với các cánh quân khác, dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ, tham gia trận chiến Rạch Gầm - Xoài Mút, tiêu diệt đại binh của quân Xiêm và nhóm phiến quân của Nguyễn Ánh ở phía Nam.

Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, đội quân của Đô đốc Kiều Phụng cùng đại binh Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ (Hoàng đế Quang Trung) tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân xâm lược nhà Thanh. Đô đốc Kiều Phụng được giao chỉ huy một đạo thủy binh theo đường biển, cùng tiến về Thăng Long, ông đã hoàn thành nhiệm vụ, góp phần cùng toàn quân đánh tan 29 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long.

Về Đô đốc Kiều Phụng có rất nhiều câu chuyện được lưu truyền tại địa phương, nhưng đáng chú ý nhất là câu chuyện về lòng thương mẹ và biết ơn những người đã cưu mang gia đình ông. Chuyện kể rằng, ông mồ côi cha từ nhỏ, mẹ già yếu, không người chăm sóc; nhưng vì đại cuộc, ông bèn đem mẹ già gửi cho gia đình một người bạn ở trong làng là Đôn Trực (ông cố của cụ Tiến sĩ Trần Văn Dư - Sơn phòng sứ Quảng Nam). Bà được gia đình bạn nuôi nấng tử tế, khi bà lâm bệnh qua đời, gia đình bạn lo chôn cất chu đáo. Sau khi ông Kiều Phụng hoàn thành nhiệm vụ trở về và biết chuyện, ông bèn mua phẩm vật đến nhà biếu bạn, đồng thời ngỏ ý sẽ tâu lên vua Quang Trung về công đức của bạn để xin phong hàm, nhưng gia đình bạn một mực từ chối.

Khi ông mất, vua Quang Trung có cho người về quê lo tang lễ cũng như xây dựng mộ phần, cấp ruộng đất để lo giỗ chạp, dân làng thường gọi cánh đồng nơi mộ phần của ông tọa lạc là đồng Lăng. Sau này, khi Gia Long lên ngôi, mộ phần Đô đốc Kiều Phụng đã bị đập phá.

Đô đốc Đống Công Trường

Đống Công Trường cũng không rõ năm sinh và năm mất. Tương tự ông Kiều Phụng, theo  lời kêu gọi của nghĩa quân Tây Sơn, ông tham gia nghĩa binh từ buổi đầu cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Xiêm ở phía Nam và nhất là cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phía Bắc, dưới quyền chỉ huy của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ. Ông là một trong những người quan trọng góp phần đánh tan 29 vạn quân Thanh bằng các trận tập kích, mai phục thần tốc, chớp nhoáng; trong đó có trận đánh lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa vào trưa ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, đưa đại quân Tây Sơn tiến vào giải phóng thành Thăng Long; buộc Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống phải trốn chạy về Trung Quốc.

Công lao to lớn của Đô đốc Đống Công Trương đã được ghi lại qua sắc phong của vua Quang Trung tặng cho ông. Tuy nhiên sắc phong này đã bị mối xâm hại nên không được nguyên vẹn: “…hùng mạnh, oai phong… một lòng, một dạ gắng sức mạnh mẽ như bờ ngăn đá chắc, là nanh vuốt của vua, công lao đã rõ! Sao chẳng hậu thưởng? Đáng thăng Cai cơ, tước Miên Trường hầu, người đã đi đầu quả cảm, cương nghị, rong ruổi vất vả. Ô hô! Như tơ, như chỉ, đã vinh hiển, lệnh cho được cùng hàng áo mão, cùng ở. Người phải gắng gỏi để tỏ lòng trung. Kính thay! Ban cho sắc nay. Sắc mệnh chi bảo. Ngày 21 tháng 12 âm lịch. Quang Trung năm thứ 2 - 1789”.

Công lao to lớn của ông không thể phủ nhận, nên khi Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi (1792) lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh, thì ngày mùng 2 tháng 10 năm 1793 - Cảnh Thịnh nguyên niên đã xuống chiếu phong tặng Đống Công Trường khẳng định tài năng, đức độ của ông. Điều đáng lưu ý là vào thời điểm này, theo như tài liệu gia phả của gia tộc họ Đống đang lưu giữ thì thân phụ của ông là Đống Công Có đã cùng với gia đình dời vào sinh sống tại làng A Võ, xã Đức Hòa, thuộc Kim Hộ, phủ Thăng Hoa (nay là thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành) nên sắc phong ghi địa danh theo nơi ở mới. Nội dung sắc phong ghi: “Sắc cho Đống Công Trường quê ở thôn A Võ, xã Đức Hòa, thuộc Kim Hộ, phủ Thăng Ba là Cai cơ..., đã từng chiến trận, có công lao cần mẫn, đã thưởng (danh hiệu): anh liệt tướng quân chỉ huy sứ (tước) Miên Tài bá (Người phải) đốc xuất các bộ phận quân dưới quyền mình cho tốt. Nếu trễ lười, không tròn chức trách thì có ngay khuôn phép triều đình. Kính thay! Ban cho sắc này.”  (những nội dung của sắc phong này do bác Đống Ngạc - nguyên trợ lý Tổng Bí thư Lê Duẩn nhờ Viện Sử học dịch thuật).

Hiện mộ phần của Đô đốc Thủy binh Kiều Phụng tọa lạc tại thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh còn mộ phần Đô đốc Đống Công Trường tọa lạc tại xứ Rừng Mộng, thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành. Hai ngôi mộ hiện nay bằng đất, có lẽ do điều kiện lịch sử giữa thời đại Tây Sơn và nhà Nguyễn Gia Long nên gia tộc không xây và dựng bia hoặc bị xâm hại. Đây là hai nhân vật lịch sử có công lớn trong công cuộc chống ngoại xâm dưới triều Tây Sơn, các ngành, các cấp cần quan tâm tu sửa, tôn tạo mộ chí.

PHẠM VĂN BÍNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng có hai Đô đốc triều Tây Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO