Lễ truy điệu tại bến đò Tân An cách đây 75 năm

LÊ THÍ 03/05/2022 07:02

Khi Huỳnh Thúc Kháng qua đời, nhiều nơi trên cả nước tổ chức lễ truy điệu để tưởng nhớ nhà chí sĩ suốt đời hy sinh vì sự tiến bộ của dân tộc.

Mộ Huỳnh Thúc Kháng trên núi Thiên Ấn.
Mộ Huỳnh Thúc Kháng trên núi Thiên Ấn.

Đầu năm 1947, Huỳnh Thúc Kháng có về thăm Quế Sơn với tư cách là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt. Ngoài việc thăm nhân dân ông còn ghé thăm một người bạn học cũ. Chỉ mấy tháng sau ông qua đời. Nhân dân Quế Sơn đã tổ chức một buổi lễ truy điệu rất long trọng tại bến đò Tân An. Một nhân sĩ của huyện đã đọc bài điếu văn xúc động.

Về thăm Quế Sơn và viết sấm ngữ

Cuối năm 1946, Huỳnh Thúc Kháng với tư cách là Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) đi kinh lý vùng Nam Trung Bộ, nhằm kiểm tra việc chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến và động viên tinh thần của quân dân. Ông đã đi thăm nhiều địa phương, trao đổi tình hình với nhiều thân hào nhân sĩ trong khu vực.

Tại Quảng Nam, Huỳnh Thúc Kháng đến thăm nhiều nơi như Hòa Vang, Điện Bàn, Thăng Bình, Quế Sơn… Tại Quế Sơn sau khi kiểm tra công tác chuẩn bị kháng chiến, gặp đồng bào và thân hào nhân sĩ trình bày về chủ trương toàn quốc kháng chiến và động viên toàn dân tham gia, ông đã vượt đèo Le ghé làng Lộc Đông (nay là xã Quế Lộc, Nông Sơn) thăm người bạn đồng môn, đồng khoa là Phó bảng Nguyễn Đình Hiến (Nguyễn Đình Hiến cùng Huỳnh Thúc Kháng học với Tiến sĩ Trần Đình Phong tại trường Đốc Thanh Chiêm và đỗ Á khoa Cử nhân tại khoa thi Hương năm Canh Tý (1900). Khoa này Huỳnh Thúc Kháng đỗ Thủ khoa).

Trước khi chia tay, Huỳnh Thúc Kháng có tặng Nguyễn Đình Hiến câu đối:

“Tự nhiên trích hạ, ngẫu nhiên nẫm tải hỗn trận đồ, diệc khoa, diệc hoạn, diệc quận diệc triều, kịch giới mang nhàn, vũ trụ túy song bạch nhãn.

Đặc địa khởi lai, do thị thập phần bổn sắc, mỗ thụ, mỗ khưu, mỗ sơn mỗ thủy, tiên hương qui khứ, càn khôn thu thập nhất thanh nang”.

Dịch nghĩa:

“Trên trời rớt xuống, hai mươi năm sống lẫn cõi trần hoàn, cùng đỗ, cùng quan, cùng quận, cùng triều, chốn kịch trường khi bận khi nhàn, vũ trụ tỉnh say đôi mắt trắng.

Dưới đất trồi lên, mười phân trọn vẫn còn nguyên bổn sắc, này cây, này đống, này non này nước, nơi tiên cảnh lại về lại ở, càn khôn thâu lượm một bao xanh!”.

Ba tháng sau thời điểm hai người gặp nhau, vào ngày 17.3.1947, Nguyễn Đình Hiến qua đời. Tiếp đó Huỳnh Thúc Kháng cũng qua đời vào ngày 21.4.1947. Hai người bạn học ngày xưa có lẽ lại gặp nhau nơi chốn nào đó.

Nhiều người cho rằng câu đối của Huỳnh Thúc Kháng như là một “sấm ngữ”, là lời tế sống báo trước sự ra đi của người bạn học và cho... chính mình!

Trước khi nhắm mắt, không muốn nhân dân phải khổ cực và nguy hiểm trong lúc đang chiến tranh để đưa quan tài mình về quê nhà (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) nên cụ Huỳnh để lại di ngôn xin được yên nghỉ trên núi Thiên Ấn. Chính quyền Quảng Ngãi đã thực hiện đúng di ngôn. Mộ cụ hiện nằm trên núi Thiên Ấn, đệ nhất danh thắng của tỉnh Quảng Ngãi, nhìn xuống dòng sông Trà Khúc thơ mộng và được công nhận là Di tích Văn hóa - lịch sử cấp quốc gia.

Lễ truy điệu Huỳnh Thúc Kháng tại Quế Sơn

Sau khi Huỳnh Thúc Kháng qua đời, Nhà nước đã tổ chức quốc tang cho ông.  Nhiều nơi trên cả nước tổ chức lễ truy điệu để tưởng nhớ nhà chí sĩ suốt đời hy sinh vì sự tiến bộ của dân tộc.

Nhân dân Quế Sơn rất nể phục Huỳnh Thúc Kháng - một người có đủ tài năng và nhân cách, đã coi những lời căn dặn của ông trong buổi gặp gỡ như là “những lời vàng”. Nhân dân đã tự giác tổ chức một buổi lễ truy điệu rất xúc động tại bến đò Tân An,  thuộc xã Quế Thọ, huyện Quế Sơn (nay là thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức) vào một ngày cuối tháng 4.

Trong lễ truy điệu có ba người đứng chủ tế là cụ Tú tài Nguyễn Mậu Vỹ  (con trai của cụ Phó bảng Nguyễn Mậu Hoán, đỗ khoa Tân Sửu, 1901), Nguyễn Mậu Võ và cụ Ấm Trình. Bài điếu văn được cụ Nguyễn Mậu Võ chấp bút và thay mặt nhân dân đọc trong buổi lễ truy điệu:

Than ôi!

Sông Đà Giang sóng cuộn trùng trùng

Núi Hành Lãnh mây bay phất phất

Đoái thấy non sông

Tiếc người văn

Cụ Huỳnh xưa:

Thông minh tư trời, văn minh nết đất. Mười tám tuổi giỏi đường học vấn, tiếng Huỳnh Hanh bốn tỉnh kêu reo; trải mấy khi ứng thí khoa trường, tài khoa giáp hai phen giải nhất. Chí cao thượng ngâm câu bất khởi, mặc ai tư thế phù trầm; việc tiềm tàng quyết chí hữu vi, nỡ để giang sơn uất ức.

Bạn cự học quyết tâm cọng tế, cụ Tây Hồ, cụ Sào Nam sáng tác thơ văn diễn nghĩa tự do, thầy Lư Thoa, thầy Mạnh Đức. Nhà cách mạng toan mưu hoạt động, nào hội hiệp thương, nào trường nghĩa thục. Hồn quốc dân vừa tỉnh giấc mê, ma cường quyền bắt buộc tội danh rằng mưu bội quốc; rằng xướng dân quyền, tù Côn Đảo bỗng mang xiềng xích!

Tùy theo cảnh ngộ, chí trượng phu nào quản tội tù, gặp lúc vinh ba ân khôi phục kế gì quan chức; Viện Dân biểu thẳng lời hùng biện, giành lợi quyền cho dân chúng, quốc gia; báo Tiếng Dân ngòi bút chí công, tròn nhiệm vụ với giang sơn, Tổ quốc; vận hội gặp cơn độc lập, đánh Tây, đuổi Nhật, sách thiên thư trời định cõi Nam. Chiêu lai nhẩm ý trưng cầu, xe đãi lão chở ra biển Bắc. Việc nội vụ trăm bề kiến thiết, một tay trù hoạch, tài Khổng Minh chi quản sự phiền.

Quân ngoại xâm quen thói tung hoành, kháng chiến trường kỳ, chí tổ địch quyết thề thảo tặc; cờ đỏ phơi màu tự chủ, đương vai thế cuộc cộng hòa. Trời xanh sao khéo vô tình, xui khiến anh hùng khuất mặt. Xe kinh lý tuyên truyền mọi việc. Huyện Quế Sơn ghi nhớ lời vàng; dấu trùng lai khát vọng biết bao, tỉnh Quảng Ngãi nằm trơ nắm đất.

Ôi, thương ôi! Trời biển mênh mông âm dương cách biệt. Nếu có tàu bay lên thượng đế hỏi thiên cung sao để nỗi bất bình. Tiếc không tàu lặn xuống âm cung trách địa phủ gây nên cơn bất trắc. Tiếc là tiếc một nhà Nho học, tài khuôn thời sẵn có kinh luân. Thương là thương một bậc lão thành, việc cứu quốc vẽ nên nguyên tắc.

Nay nhân ngày truy điệu, trước hương hồn chứng giám tất thiêng, hộ nhà nước muôn năm dài dặc.

Thượng hưởng!”.

Ông Nguyễn Mậu Võ, tác giả bài điếu văn tự là Túc Hiên còn gọi là cụ Học Tám là cháu Phó bảng Nguyễn Mậu Hoán và rể của Tiến sĩ Hồ Trung Lượng, người làng An Dưỡng (nay là xã Duy Trung, Duy Xuyên). Gọi là Học Tám có lẽ vì ông là con thứ tám trong gia đình và dù chưa đỗ đạt nhưng do học giỏi nên có chân Học sinh, được Nhà nước cấp học bổng để đi học.

Bài văn tế này được thầy giáo Nguyễn Hoàng Quý (người xã Quế Long, Quế Sơn, hiện sống tại Diên Khánh, Khánh Hòa) giới thiệu trên Đặc san Hội Ngộ năm 2000, của cựu sinh viên hai khóa Lương Văn Can - Huỳnh Thúc Kháng, thuộc Đại học Sư phạm Huế (1969 - 1973 và 1970 - 1974). Thầy Nguyễn Hoàng Quý cũng cho biết bài văn tế hiện còn ghi lại trong gia phả của tộc Nguyễn Mậu tại làng Phú Cốc, xã Quế Thọ, Hiệp Đức.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lễ truy điệu tại bến đò Tân An cách đây 75 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO