Người được thầy "nhường" học vị giải nguyên

LÊ THÍ 28/10/2018 00:47

Võ Hoành là một trong 5 người đỗ phó bảng của huyện Duy Xuyên và là một trong 6 người được vinh danh là “lục tuyệt” của vùng “đất học” Quảng Nam. Ông là học trò xuất sắc, được thầy Trần Quý Cáp “nhường” học vị thủ khoa trong khoa thi Hương năm 1903 tại trường thi Thừa Thiên.

Võ Hoành.
Võ Hoành.

Thành danh nhờ  vượt khó

Võ Hoành (sách Quốc triều khoa lục ghi là Vũ Hành còn gia phả tộc Võ ghi là Võ Văn Hoành), tự là Tử Bình, sinh năm 1880 (đi thi khai là năm 1882), tại làng Long Phước, tổng Mỹ Khê, nay là thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Cha mẹ ông rất nghèo, không có nhà riêng nên phải ở nhờ sau chái nhà người bác ruột. Mãi cho đến khi biết ông đỗ thủ khoa cử nhân, bà con trong họ mừng quá mới xúm nhau dựng cho gia đình ông một ngôi nhà nhỏ để có chỗ đón tiếp, đãi đằng các đại diện tỉnh, huyện, quan khách, xóm làng. Cha ông ngày ngày phải gánh dầu phụng lên tận trên “nguồn” để bán. Nhưng từ nhỏ Võ Hoành rất thông minh và ham học. Ông là học trò “cưng” của cụ tú Trần Thế Thân (ở làng Phi Phú, Gò Nổi, Điện Bàn) và Trần Quý Cáp (ở làng Bất Nhị, Điện Phước, Điện Bàn). Thấy hoàn cảnh của ông, hai thầy đã cho ông ở trong nhà, nuôi cơm để ăn học.

Không phụ lòng hai thầy, năm 1903, ông đỗ thủ khoa, khoa thi Hương ở trường thi Thừa Thiên. Mấy khoa sau vì nhà nghèo ông không đi thi Hội mà lo đi thi “mướn” cho những người giàu có để có tiền giúp đỡ gia đình. Mãi đến năm Duy Tân thứ 4 - 1910 ông mới đi thi Hội và đỗ phó bảng, cùng khoa với một số người nổi tiếng sau này như Hoàng Tăng Bí, Bùi Kỷ...

Hoạn lộ của ông khá suôn sẻ. Sau một thời gian thử việc ở kinh ông đã trải qua các chức vụ Tri huyện Hương Thủy (Thừa Thiên), Phù Cát (Bình Định); Tri phủ Thạch Hà (Hà Tĩnh), Ninh Thuận (Phan Rang), Diễn Châu (Thanh Hóa), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi); Án sát (Bình Định); Tham tá Nội các kiêm Giám đốc Cổ học viện (Huế). Năm 1933, dưới thời Bảo Đại, khi đang giữ chức Thị lang bộ Lại, người Pháp phát hiện trong nhà ông có bàn thờ của “tử tù” Trần Quý Cáp, nên bị triều đình “nhắc nhở”. Ông bảo trò thờ thầy mà không cho thì thà bỏ quan. Sau đó ông làm đơn xin về hưu non như một cách phản đối, mặc dù lúc này ông chỉ mới 51 tuổi (theo giấy khai sinh).

Ông mất ngày 5.7.1947 (17 tháng Năm, năm Đinh Hợi), trong vùng tản cư, thọ 67 tuổi. Mộ ông hiện ở tại Nổng Bồ xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên.

Ngày trước, ông được liệt vào “lục tuyệt Quảng Nam”, là 6 người Quảng đỗ thủ khoa trong các khoa thi Hương, gồm Phạm Phú Thứ (Điện Bàn, khoa 1842), Lê Vĩnh Khanh (Tiên Phước, khoa 1843), Nguyễn Hanh (Hòa Vang, khoa 1852), Phạm Liệu (Điện Bàn, khoa 1894), Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước, khoa 1900), Võ Hoành (Duy Xuyên, khoa 1903).

Luôn giữ đạo thầy trò

Võ Hoành là người khiêm tốn, hiền lành, ít nói nhưng rất khảng khái.

Một người bạn đồng khoa của ông, cụ TS.Nguyễn Sĩ Giác, nguyên giáo sư Hán văn của Đại học Văn khoa Sài Gòn cho biết: “Trong khoa thi năm 1910, trước khi về quê, các người thi đậu được mời đến tòa Khâm sứ Pháp tại Huế nhận vé tàu hỏa miễn phí để hồi hương. Nhân viên phụ trách tòa Khâm tỏ vẻ hách dịch đối với các vị tân khoa. Võ Hoành liền bảo với nhân viên ấy rằng chúng tôi đã đi bộ từ quê đến kinh để ứng thí được, thì chúng tôi cũng có thể đi bộ trở về quê nhà được. Nói xong, mặc dầu có người can gián, ông vẫn bỏ đi, không thèm nhận vé tàu hỏa ấy...”.

Nhưng với mọi người ông lại rất hiền lành, khiêm tốn. Con trai thứ của ông là Võ Thu Tịnh cho biết: “Thân sinh tôi suốt đời có vẻ tư lự, ít nói năng, nhưng không cau có, khó tính. Đối với con cái, ông không hề kể lại việc thi cử đậu đạt của mình như thế nào. Ngoài vấn đề tự hào dân tộc ra, ông thường nhắc nhở chúng tôi làm người ở đời, trước hết cần phải trung, tín và biết liêm sỉ.

Năm 1926, người chị thứ tư của tôi là Võ Thị Quảng, đang học trường Đồng Khánh, bãi khóa để tang cho cụ Phan Châu Trinh, bị đuổi. Và năm 1937, đang học Quốc học Huế, tôi bãi khóa đi đón thanh tra Godart để yêu cầu ân xá chính trị phạm... cũng bị đuổi. Lần nào, đối với chị tôi, cũng như đối với tôi, thân sinh tôi đều không hề tỏ ý bất bình, hay nói ra một câu nào để phàn nàn, quở mắng...”.

Còn đối với thầy học ông lại hết mực kính trọng, lễ phép.

Đối với thầy Trần Thế Thân, ông chỉ được học với thầy một thời gian ngắn vì thầy mất sớm nhưng năm nào đến ngày giỗ thầy dù làm quan ở xa ông đều gửi tiền bạc, lễ vật về để cúng. Năm 1928, khi đang làm chức lớn ở kinh, được về quê làm lễ “phần huỳnh” cho cha mẹ, ông không quên sang làng Phi Phú để làm lễ tế, cảm tạ công ơn của thầy học cũ. (Phần huỳnh: nghĩa đen là đốt tờ giấy màu vàng. Ngày trước những vị quan từ tam phẩm trở lên, cha mẹ ông bà đều được triều đình sắc phong. Nếu cha mẹ chết thì sắc phong được lập hai bản, bản chính của vua dùng để thờ, bản phó được Nội các sao lại trên giấy màu vàng để đốt trong lễ cúng. Phần huỳnh là lễ trọng, lệ cho các quan được nghỉ 1 tháng để về quê thực hiện). Từ Long Phước sang Phi Phú ông được dân hai làng võng lọng chiêng trống đưa rước. Nhưng khi đến đầu làng ông cho dừng võng lọng, trống chiêng, một mình đi bộ đến nhà thầy, y như cậu học trò ngày xưa để tỏ sự kính trọng. Sau lễ tế, gia đình thầy mời ông ngồi phản giữa để dùng cơm. Ông đã từ chối chỉ xin ngồi phản bên. Ông bảo chỗ ấy chỉ để dành riêng cho thầy.
Còn đối với thầy Trần Quý Cáp, Võ Hoành luôn một mực cung kính.

Vào năm 1903, trong khoa thi Hương tại trường thi Thừa Thiên thầy Trần Quý Cáp cũng đi thi nhưng bị hỏng còn học trò Võ Hoành lại đỗ thủ khoa. Chuyện kể, khi nghe công bố kết quả (xướng danh) biết mình hỏng còn học trò của mình đỗ thủ khoa, cụ tú Trần Quý Cáp đã vừa cười vừa nói với các môn đồ trong sự tự hào “Khoa này ta không cần đỗ, ta nhường học vị thủ khoa cho môn đệ của ta vậy, để khoa sau thôi”. (Đúng vậy, năm sau, 1904, cụ được đặc cách đi thi Hội và đậu Á khoa tiến sĩ).

Khi về lại trường, trước các đồng môn, ít khi Võ Hoành đề cập chuyện thi cử đỗ đạt. Hàng ngày ông luôn hầu hạ thầy như khi chưa đỗ. Đến bữa ông vẫn ngồi ở phản bên cùng các đồng môn khác để nghe thầy giảng kinh sách dù lúc này Võ Hoành là ông giải nguyên (đỗ đầu cử nhân) còn thầy Trần Quý Cáp mới chỉ là ông… tú quèn!

Võ Hoành là tấm gương sáng cho đời sau về ý chí vượt khó vươn lên trong học tập và tinh thần tôn sư trọng đạo của học trò xứ Quảng ngày trước!

LÊ THÍ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người được thầy "nhường" học vị giải nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO