Người lãnh đạo của dân và vì dân

LÊ NĂNG ĐÔNG 01/08/2022 07:40

Đồng chí Võ Chí Công (tên khai sinh Võ Toàn), sinh ngày 7.8.1912 tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành; mất ngày 8.9.2011.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Võ Chí Công luôn tâm niệm: “…Người chiến sĩ cộng sản phải luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; phải có tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; phải luôn luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết, trước hết như Bác Hồ đã dạy; phải gắn chặt với nhân dân, dựa vào dân và thực hiện cho được phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Có như vậy mới được nhân dân tin yêu, kính trọng”.

Đồng chí Võ Chí Công thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Phước (huyện Đại Lộc) năm 1983. Ảnh tư liệu
Đồng chí Võ Chí Công thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Phước (huyện Đại Lộc) năm 1983. Ảnh tư liệu

Tất cả vì nhân dân

Năm 1952, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức hội nghị trong 2 ngày để bàn nhiều vấn đề. Trong lúc hội nghị diễn ra thì nhận được báo cáo tình hình các địa phương đang đối mặt với nạn đói do thiên tai và sự đánh phá của địch, nhất là vùng ven biển phía nam của tỉnh.

Là người đứng đầu Đảng bộ, đồng chí Võ Chí Công cảm thấy trách nhiệm nặng nề và quyết định chuyển nội dung cuộc họp sang bàn nhiệm vụ chống đói. Để tổ chức cứu đói, đồng chí phân công cán bộ, thầy thuốc cứu đói và quán triệt tinh thần cứu đói lúc này phải khẩn trương hơn là đánh địch; mặt khác đồng chí cũng trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động toàn tỉnh sản xuất, tiết kiệm, tương trợ nhau.

Đồng chí còn trực tiếp tham gia việc cứu đói. Hình ảnh đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp quẩy đôi gánh bầu, đi cấp phát lương thực đã gây xúc động trong lòng bao cán bộ và nhân dân Quảng Nam lúc bấy giờ.

Đầu năm 1983, trong lần thăm và làm việc với tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trực tiếp đến thăm các hợp tác xã Đại Phước và Đại Đồng II, huyện Đại Lộc, qua nghe báo cáo, đồng chí Võ Chí Công được biết, phong trào xây dựng cánh đồng cao sản đạt được những kết quả hết sức ngoạn mục, năng suất lúa bình quân cả huyện đạt 12,6 tấn/ha. Riêng Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Phước giữ mức kỷ lục về đỉnh cao năng suất lúa cả huyện, cả tỉnh và cả nước: 21,6 tấn/ha. Với thành tích này, hợp tác xã vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng tặng chiếc máy cày hiệu MTZ50 và được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Dịp này, đồng chí Võ Chí Công biểu dương những thành tích và căn dặn các hợp tác xã không được chủ quan, thỏa mãn mà phải không ngừng vươn lên, nhất là phải thực hiện thật tốt “khoán 100” để động viên bà con xã viên hăng hái lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế trong hợp tác xã nông nghiệp. Đồng chí còn chỉ đạo toàn huyện phát động phong trào thi đua học tập, đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phước.

Trực tiếp đi chỉ đạo ở những xã đói nặng nhất của huyện Tam Kỳ, đến xã Nguyễn Chỉ (nay là xã Tam Giang, Núi Thành), đồng chí thấy nhiều đồng bào bị đói nằm la liệt, một số người đã chết, những người khác đang trong tình trạng hấp hối. Không có lương thực, nhân dân ở đây phải ăn cỏ, ăn rong biển để sống.

Trước tình cảnh đó, đồng chí chỉ đạo phải tìm mọi cách cứu đói cho dân. Mặc dù biết kho gạo tại Tam Kỳ là kho gạo dự trữ của tỉnh và gạo của Liên khu 5, việc xuất gạo cần phải xin ý kiến của trên.

Nhưng tình thế cấp bách, đồng chí Võ Chí Công ra lệnh xuất gạo để cứu đói cho dân, đồng thời khẳng định “hoàn toàn chịu trách nhiệm dù vi phạm kỷ luật, thậm chí ở tù cũng vui lòng nhận”.

Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, Liên khu ủy 5, với sự kiên quyết và khẩn trương trong lãnh đạo và chỉ đạo của đồng chí Võ Chí Công, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân trong sản xuất và tương trợ lẫn nhau, nên cuối năm 1952, Quảng Nam đã vượt qua nạn đói và từng bước góp phần đưa phong trào kháng chiến của tỉnh tiếp tục phát triển.

Không vị tình riêng

“Không vị tình riêng” là phẩm chất cao quý mà ông Trần Phát - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng nhớ mãi về người anh, người lãnh đạo đáng kính của mình.

Theo lời kể của ông Trần Phát, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh ở Tiên Phước (3.1952), bà Phan Thị Nễ - vợ đồng chí Võ Chí Công được đại hội giới thiệu ra ứng cử. Biết vậy, đồng chí Võ Chí Công hết sức từ chối với lý do là chồng đã được trên đưa về làm bí thư mà vợ lại cùng ở trong cấp ủy thì không nên, dễ sinh ra những dư luận bất lợi.

“Chúng tôi nói với anh đây là việc của tổ chức không phải là việc của gia đình anh, anh mới chịu. Kết quả, do tín nhiệm của đại hội, chị Nễ vẫn được bầu vào Tỉnh ủy khóa này. Nhắc lại chuyện này để thấy anh là người rất thận trọng, không vị tình riêng” - ông Trần Phát bảo.

Ông Trần Phát còn chia sẻ, đồng chí Võ Chí Công đối xử với mọi người một cách chân tình nên được cán bộ trong Tỉnh ủy và Đảng bộ mến phục. Đồng chí hiểu được mặt mạnh, mặt yếu của từng cán bộ nên trong việc sắp xếp, đề bạt đã phát huy được khả năng của mỗi người, tạo điều kiện cho cán bộ có điều kiện trưởng thành.

Đối với một số cán bộ có mặt yếu như ngại địch, ngại đi vùng bị chiếm thì đồng chí không có thành kiến và bố trí vào những vị trí công tác phù hợp với sở trường ở hậu phương nên vẫn phát huy được tác dụng, có nhiều đóng góp hữu ích cho phong trào chung.

“Lấy thực tiễn làm thước đo chân lý”

Sau ngày giải phóng miền Nam, với tài năng, đức độ và uy tín của mình, đồng chí Võ Chí Công được điều ra công tác ở Trung ương. Năm 1978, đồng chí làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam.

Phụ trách ngành nông nghiệp - lĩnh vực mới mẻ, phức tạp và hết sức nặng nề, đồng chí ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi làm thế nào tháo gỡ khó khăn cho hàng triệu nông dân trong các hợp tác xã.

Đồng chí đi sâu nghiên cứu thực tế cụ thể để tìm ra nguyên nhân, “làm theo phương pháp đánh giặc: xuống sát chiến trường, để hiểu địch, hiểu ta để chỉ đạo, tác chiến”. Trong lần đi kiểm tra, trên đường về Hải Phòng công tác, ngang qua cánh đồng thấy bà con đang gặt lúa, đồng chí bảo lái xe dừng lại rồi đi tới đám ruộng đang gặt được mùa hơn hẳn những đám xung quanh.

Đồng chí hỏi nguyên nhân, bà con trả lời: “Thưa bác đây là ruộng 5%, Nhà nước giao hẳn cho chúng cháu, chúng cháu làm hết mình, chăm bón kỹ, được hơn bác ơi”.

Từ thực tế đó, đồng chí đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhận trách nhiệm dự thảo Chỉ thị 100-CT/TW. Từ ngày 3 đến 7.1.1981, Ban Bí thư tổ chức hội nghị tại Hải Phòng để lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Chỉ thị 100-CT/TW. Hội nghị đã thảo luận sôi nổi và có phần gay gắt, nhất là vấn đề khoán sản phẩm tác động như thế nào đến sự tồn tại của hợp tác xã và chủ nghĩa xã hội.

Sau khi nghe ý kiến thảo luận, đồng chí Võ Chí Công thẳng thắn nêu rõ quan điểm là “phải lấy thực tiễn làm thước đo chân lý. Lãnh đạo phải bám sát cơ sở, phải gần dân, nghe dân… Dân đói, cuối cùng phải tự tìm cách làm ăn no cơm, ấm áo, ta lại cấm, bắt quay về với khoán việc nên đành chịu”.

Đồng chí nhấn mạnh: “Trên lĩnh vực này tôi phụ trách, nếu khoán mới không đem lại kết quả thì tôi xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”. Điều này thể hiện quyết tâm đổi mới, tinh thần dám làm dám chịu của cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo với nguyện vọng tha thiết và đáp ứng nhu cầu của người nông dân là muốn được “cởi trói”, được “xé rào” để được quyền tự chủ trong sản xuất.

Ngày 13.1.1981 Chỉ thị 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp được ban hành. Đón nhận Chỉ thị 100, các địa phương, các cấp, ngành và nhân dân nhiệt liệt tán thành, phong trào khoán mới đi vào thực tiễn.

Có thể nói, đến lúc này, chưa có một chủ trương nào của Đảng trên mặt trận nông nghiệp lại được nhân dân tiếp nhận mau chóng và phấn khởi như vậy. Cả nước nổi lên một phong trào khoán mới với khí thế lao động sản xuất chưa từng có, đem lại kết quả thiết thực, mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người lãnh đạo của dân và vì dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO