Người Tam Kỳ đầu tiên làm báo

TÔN THẤT HƯỚNG 21/06/2022 06:37

Tháng 6 này vừa đúng dịp 116 năm ngày sinh nhà báo Lạc Nhân - Nguyễn Quý Hương, Tổng Thư ký Báo Tiếng Dân, người tham gia sáng lập và là cánh tay đắc lực của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong thời gian làm tờ báo Tiếng Dân. Trong 16 năm báo Tiếng Dân tồn tại (số đầu tiên ra ngày 10.8.1927, số cuối cùng 1766 ra ngày 24.4.1943), Nguyễn Quý Hương là linh hồn của tờ báo, ông có nhiều đóng góp quan trọng để tờ báo hoạt động và có ảnh hưởng rất lớn đối với báo giới Trung Kỳ và cả nước.

Nguyễn Quý Hương (hàng đầu, thứ 3 từ phải qua) chụp ảnh cùng Tòa soạn báo Tiếng Dân nhân kỷ niệm 10 năm thành lập (10.1937). Ảnh tư liệu
Nguyễn Quý Hương (hàng đầu, thứ 3 từ phải qua) chụp ảnh cùng Tòa soạn báo Tiếng Dân nhân kỷ niệm 10 năm thành lập (10.1937). Ảnh tư liệu

Gắn bó với quê hương Tam Kỳ

Nguyễn Quý Hương sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng ven sông Bàn Thạch. Ông sinh ngày 1.6.1906 tại làng Mỹ Thạch, xã An Mỹ Đông, phủ Tam Kỳ (nay là phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) trong một gia đình làm nghề mộc.

Ông học tiểu học ở trường tỉnh, sau đó tiếp tục ra học ở Hội An, Đà Nẵng và Huế, thi đỗ tú tài lúc 18 tuổi nên thường gọi là Tú Hương.

Thời bấy giờ người đỗ tú tài Tây hiếm lắm, phủ Tam Kỳ đếm chưa được mấy người, riêng làng Mỹ Thạch lúc đó ông là người đầu tiên đỗ tú tài.

Sau khi ông thi đỗ, làng Mỹ Thạch tổ chức đám rước về đình làng. Tiếp đó, gia đình cho ông ra Hà Nội học Cao đẳng Đông Dương. Năm 1926 ở Hà Nội, ông tham gia bãi khóa truy điệu Phan Châu Trinh, bị đuổi học, ông trở về quê Tam Kỳ.

Với tính cách của người thanh niên trí thức có lòng tự tôn dân tộc, ông được cử làm Phó Hội trưởng “Hội Đức, Trí, Thể dục Tam Kỳ”, là tổ chức yêu nước hoạt động chính trị do Đốc học Trần Cảnh (quê Thăng Bình) nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Pháp - Việt Tam Kỳ thành lập tháng 5.1925 và làm Hội trưởng.

Hội tập hợp thanh niên, trí thức yêu nước dưới hình thức tập thể dục, tập võ, bình thơ... để tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Hội hoạt động tại trường giáo gần phủ Tam Kỳ (nay là trụ sở UBND phường An Mỹ), số lượng rất đông, có lúc lên đến hơn 500 người, duy trì đến năm 1927 thì bị giải tán.

Bầu máu nóng của nhà báo yêu nước

Cuối năm 1926, vì tham gia Hội yêu nước ở Tam Kỳ, Nguyễn Quý Hương bị chính quyền Pháp bắt giam ở Hội An và đày lên làm phu lao công tại Bà Nà, Đà Nẵng. Mùa thu năm 1927, sau khi được thả tự do, ông ra Huế, tìm gặp Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, cùng bàn việc ra báo Tiếng Dân.

Khi báo thành lập, ông được chủ nhiệm Huỳnh Thúc Kháng giao làm Tổng Thư ký tòa soạn. Cùng với việc lo bài vở đăng báo, Nguyễn Quý Hương viết rất nhiều, dưới nhiều thể loại với các bút danh khác nhau.

Bạn đọc báo Tiếng Dân thường quen bút danh của ông là Lạc Nhân trong chuyên mục “Chuyện đời” đăng trên trang nhất mỗi số báo. Với bút danh Giang Hạ, ông biên soạn những bài nghiên cứu trong mục “Tạp Thuyết”.

Ông còn sáng tác đoản thiên tiểu thuyết và dịch nhiều truyện dài của những nhà văn tên tuổi từ bản tiếng Pháp đăng liên tục trên mấy chục số báo. Có khi dưới bút danh Ngộ Nhân ông viết xã luận, bình luận chính trị về các vấn đề trong nước và ở Trung Kỳ, nghiên cứu những vấn đề tư tưởng, chính trị, học thuật của nước ngoài.

Ông còn có bút danh Lương Phát, Chuông Mai và nhiều bút danh khác. Ở Huế, ông còn cộng tác với các báo Nhành Lúa của Hải Triều, Viên Âm của bác sĩ Lê Đình Thám. Do rất giỏi tiếng Pháp nên ông thường xuyên phiên dịch cho cụ Huỳnh Thúc Kháng trong những buổi làm việc với các nhà báo, quan chức Pháp.

Tuy làm việc chủ yếu tại Báo Tiếng Dân, nhưng với bầu máu nóng của một trí thức yêu nước, Nguyễn Quý Hương tích cực tham gia vận động thành lập Hội Nhà báo, nhằm tập hợp, tuyên truyền giác ngộ và bảo vệ quyền lợi cho báo giới.

Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương, Hải Triều - Nguyễn Khoa Văn, Tổng Biên tập báo Nhành Lúa đề xướng tổ chức hội nghị của toàn thể báo giới Trung Kỳ.

Hội nghị họp ngày 23.1.1937 có đoàn đại biểu Báo Tiếng Dân do Nguyễn Quý Hương làm đại diện tham gia. Do có uy tín nên Nguyễn Quý Hương được cử làm chủ trì hội nghị. Ông được bầu vào Ủy ban thường trực lo công tác chuẩn bị, làm trưởng đoàn đi gặp Tòa Khâm sứ Pháp đề nghị cho tổ chức hội nghị báo giới toàn quốc.

Ngày 30.3.1937, Ủy ban thường trực chuẩn bị họp có Nguyễn Quý Hương, bàn việc chuẩn bị cho hội nghị báo giới toàn quốc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, báo giới Trung kỳ được tổ chức thành lập, tiến tới hội nghị báo giới toàn quốc, là tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay. 

Tài hoa và lận đận

Nguyễn Quý Hương là người có nhiều tài, được dân chúng yêu mến. Tại cuộc tranh cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ ngày 8.8.1937 có 167 người ứng cử; 44 người trúng cử, thì Nguyễn Quý Hương trúng cử ở hạt 5 tỉnh Quảng Nam.

Từ đây, người dân gọi là ông Nghị Hương. Tuy là vị dân biểu, nhưng với khí khái của người có tư tưởng yêu nước, trong mọi hoạt động tiếp xúc với cử tri cũng như trong các hội nghị thường niên của Viện dân biểu, ông luôn bênh vực dân nghèo, đứng về phía tiến bộ chống thực dân và tay sai.

Trụ sở báo Tiếng Dân tại Huế.
Trụ sở báo Tiếng Dân tại Huế.

Sau Cách mạng Tháng 8.1945, Nguyễn Quý Hương được Bộ trưởng Lê Văn Hiến giao nhiệm vụ làm Chánh văn phòng kiêm Trưởng phòng báo chí Bộ tài chính. Ông được cử vào các tỉnh Nam Trung bộ công tác và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, làm Tổng thư ký báo Đoàn kết kháng chiến, Kinh tế miền Nam, Trung bộ Nam phần công báo.

Về đời tư, Nguyễn Quý Hương có người vợ trước ở Tam Kỳ, sinh một cô con gái nhưng mất sớm. Năm 1950, ông gặp và cưới nữ sĩ Lê Thị Ngọc Sương, người Quảng Ngãi.

Bà Ngọc Sương là người có tư tưởng cách mạng, từng tham gia Mặt trận Dân chủ ở Quảng Ngãi, thường xuyên thăm viếng, học hỏi cụ Phan Bội Châu lúc bị giam lỏng ở Bến Ngự, vì vậy duyên kỳ ngộ được gặp Nguyễn Quý Hương, yêu và lấy ông làm chồng.

Bà nhiều lần làm tù chính trị ở chế độ Sài Gòn cũ, cùng chồng cùng con gái đầu là nhà báo Nguyễn Lê Thu An bị kết án tù vì hoạt động chính trị nội thành, riêng bà bị kết án 15 năm tù nhưng nhờ Hội Văn bút quốc tế (Hội Nhà báo quốc tế hiện nay) can thiệp nên được thả.

Giữ trọn khí tiết

Sau khi cưới nữ sĩ Lê Thị Ngọc Sương, năm 1954 Nguyễn Quý Hương được bố trí ở lại miền Nam hoạt động. Cuối năm 1955, ông ra Huế cộng tác với Phạm Bá Nguyên xuất bản báo Công lý và ông làm chủ bút, đây là tờ báo nổi tiếng miền Trung sau Hiệp định Giơnevơ. Vì ủng hộ phong trào hòa bình và có quan điểm chính trị đối lập với chính quyền Ngô Đình Diệm, ông cùng cả gia đình bị bắt, giam ở lao Thừa Phủ.

Ngô Đình Cẩn - lãnh chúa Miền Trung ra lệnh quản thúc để đe dọa và mua chuộc, đồng thời Nha Thủ hiến ra lệnh cấm báo Công lý hoạt động. Biết ông là người có tài và có uy tín, chính quyền Ngô Đình Diệm mua chuộc ông bằng chức vụ tỉnh trưởng một tỉnh nào đó do ông chọn, nhưng ông không nhận, nên họ vu cáo ông chống chế độ và bị bắt giam lần thứ hai, đến năm 1960 thì được thả do không đủ chứng cứ.

Ra khỏi nhà lao Thừa Phủ, Nguyễn Quý Hương vào Sài Gòn làm chủ bút tờ Dân chí. Báo ra hằng ngày, từ ngày 5.3.1961 đến 22.9.1961 thì bị đóng cửa. Năm 1965, quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam, ông cùng với những trí thức yêu nước ở Sài Gòn thành lập “Phong trào dân tộc tự quyết”, rồi “Ủy ban vận động hòa bình” là hai tổ chức trí thức chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn nổi tiếng lúc bấy giờ, ông được phân công xuất bản đặc san Tự quyết.

Do có những hoạt động yêu nước mà ông và vợ là bà Ngọc Sương bị bắt giam lần thứ ba và bị kết án 10 năm tù. Cho đến ngày 30.4.1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông ra tù sau khi ở 10 năm trong trại giam Phú Quốc, nhưng do bệnh nặng, sức yếu nên ông chỉ tham gia trong Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 3 TP.Hồ Chí Minh cho đến lúc qua đời ngày 22.7.1988.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Tam Kỳ đầu tiên làm báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO