Người tìm tranh trên đá

TÂY BÌNH 12/02/2023 07:42

Gần 20 năm gắn bó với đá cảnh, trong đôi mắt của anh Phan Út chừng như thấp thoáng từng vân đá, cả những đam mê lăn dài theo từng viên đá cuội, để rồi như cách anh chia sẻ, hễ tìm được người chấp nhận và đồng cảm với bức tranh đá mình tìm được là niềm vui.

Chân dung Phan Út.
Chân dung Phan Út.

Chợ đá trong ký ức

Chợ đá chồm hổm ven đường làng với kẻ bán người mua ở thôn 1, xã Duy Trung (Duy Xuyên) cách đây khoảng ba mươi năm cứ ăn sâu trong ký ức anh Phan Út. Lúc ấy, anh theo cha là ông Phan Viết Dũng cũng theo thời “sốt đá cảnh” mà ngó nghiêng, tìm kiếm cho được tranh trên đá để đem về nhà.

Anh bảo, mỗi lần nghe cha và những người đi cùng bàn tán về một viên đá đẹp vừa tìm được, kiến thức về đá cảnh cũng theo đó mà đầy lên. Để rồi, có thời gian xa quê, chọn Sài Gòn gắn bó, niềm mê đá vẫn đeo bám.

Anh Út chia sẻ: “Không có điều kiện tự mình sưu tầm đá, tôi tìm kiếm trên “chợ” internet những viên đá ưng ý rồi mua lại. Trong bộn bề công việc, mỗi lần nhìn ngắm một viên đá tôi lại có được sự cân bằng”.

Phan Út tên thật là Phan Viết Phương, quê quán Duy Xuyên, các tác phẩm đá cảnh anh tìm kiếm, sưu tầm tham gia nhiều hội hoa xuân TP.Huế, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Festival hoa Đà Lạt… đoạt giải cao.

Cách đây vài năm, anh quyết định rời phố quay về quê nhà Duy Xuyên. Những ký ức về năm tháng cũ quanh nhà lúc nào cũng đầy đá lại bừng thức.

Mỗi góc sân, đâu đó nơi cuối vườn luôn hiện diện đá cảnh cha anh tìm được. Niềm mê đá khiến anh vác ba lô lội suối, đến những vùng như Hiệp Đức, Tiên Phước, Nam Giang rồi ra cả tỉnh khác… săn đá.

“Mỗi chuyến đi mình phải mang theo tâm thế an nhiên, không vội vàng mới mong tìm được bức tranh đá ưng ý. Có thể với người khác đó chỉ là đá cuội, nhưng với mình, cần có con mắt xanh nhìn ra vẻ đẹp của đá là điều cốt yếu” - anh nói.

Như chuyến săn đá ở vùng giáp ranh Hiệp Đức - Phước Sơn, anh may mắn tìm được viên đá có vân tự nhiên hình chữ “tâm”. Giá trị của viên đá nằm ở chỗ độc bản, hình thù vân đá hoàn toàn tự nhiên, không bị tác động bởi bàn tay con người. Và để tìm được viên đá đẹp, ngoài phải có mắt nhìn, còn là chữ duyên.

“Thử hình dung xem, giữa bạt ngàn đá, tại sao mình lại nhặt được một hòn đá quý, vì nếu không có duyên sao gặp được” - anh Út chia sẻ.

Triết lý của đá

Không phải là tay ngang chơi đá cảnh, anh Phan Út bảo, để có được kiến thức, cách nhìn chuẩn chỉ về đá là cả quá trình cha anh từ cuộc mưu sinh với đá rồi gắn bó, đam mê và gửi gắm cho con. Trong cuộc tìm kiếm, không phải chuyến đi nào cũng gặp đá quý. Có những chuyến đi về tay không, có những chuyến đi vì nỗi ám ảnh về đá theo vào cả trong giấc mơ.

Anh kể, cha của mình vì một giấc mơ mà vác ba lô lên suối ở Hiệp Đức, để rồi tìm được viên đá đặt tên là “Kéo chài” tham gia hội hoa xuân Tao Đàn (TP.Hồ Chí Minh) năm 2007 và đoạt giải vàng. Nếu không yêu mê đến độ ám ảnh, sẽ rất khó gặp được quà tặng của thiên nhiên.

Các tác phẩm đá cảnh anh Phan Út tìm kiếm, sưu tầm.
Các tác phẩm đá cảnh anh Phan Út tìm kiếm, sưu tầm.

“Sưu tầm đá cảnh rèn cho mình biết lắng lại, tĩnh tâm và an nhiên. Mỗi ngày, mỗi thời khắc, tùy tâm trạng mình sẽ cảm và nhìn thấy bức tranh đá theo cách riêng. Chưa kể lật xoay viên đá theo hướng khác là vân đá đã biến ảo, mang đến góc nhìn thú vị” - anh Út nói.

Lấy ra một viên đá thạch anh vàng vân đỏ, anh xoay viên đá hướng thẳng thấp thoáng hình dáng mẹ bồng con, rồi lật ngang viên đá lại mang đến sự tưởng tượng khác. Anh bảo, chiều sâu của đá là vô hạn, luôn biến ảo theo mắt người nhìn.

Trong một chuyến đi sưu tầm ở Quảng Trị, tình cờ anh gặp được hòn đá có hình dáng Phật nằm và đặt tên là “Phật niết bàn”. Với hòn đá cảnh này, người xem nhận ra ngay ý tưởng xuất hiện ban đầu khi anh nhặt hòn đá và bức tranh cứ thế hiện lên mà không cần bất cứ lời giải thích nào.

Anh nói, thú chơi đá cảnh ngày càng phổ biến, vì vậy để tìm được một bức tranh đá hoàn hảo là điều không dễ. Có những chuyến trèo đèo lội suối nhưng duyên chưa tới đành chịu.

“Làm bạn với đá khiến mình nhận ra rằng những gì đến và đi, được mất trong cuộc đời đều có lý do của nó. Cũng như trong muôn ngàn đá cuội, nhìn thấy được vẻ đẹp của một hòn đá đã là điều may mắn” - anh Phan Út chia sẻ.

Lăn theo đá cuội

Theo đuổi đá cảnh nhiều năm, rồi anh có sống được với niềm đam mê ấy không, tôi hỏi và anh cười, khó lắm. Từ năm 1995, bãi đá Duy Trung nổi tiếng trong và ngoài nước đối với giới chơi đá cảnh. Anh nhớ lại cái chợ đá nhỏ xíu ven đường làng năm xưa nhộn nhịp bán mua, mỗi phiên chợ lúc đó có khi được rất nhiều.

Đá cảnh ở Duy Trung nổi tiếng vì nước đá bóng rất đẹp, độ cứng cao, hoa văn đa dạng. Năm tháng ấy, cha anh cũng kịp sở hữu gia tài đá để rồi trong các con chỉ mình anh đam mê. Bây giờ, để tìm một hòn đá nổi đẹp mắt ở bãi đá Duy Trung hầu như rất khó, nguồn đá cảnh quý đã cạn kiệt.

Anh Phan Út quan niệm: “Mình chọn kích cỡ đá nhỏ để sưu tầm, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến tự nhiên, khi mang một viên sỏi, hòn đá rời đi”.

 

Những năm gần đây, chuyện đưa rừng xuống phố không còn xa lạ. Đâu đó trên tuyến phố, bất chợt bắt gặp những tảng đá chễm chệ trước cổng một biệt thự nào đó, trưng trổ một góc khác của thú chơi đá cảnh. Anh Phan Út cho rằng, những khối đá như thế, nơi trưng bày đẹp nhất chính là nơi chúng xuất hiện, chỉ có ở tự nhiên mới dung chứa hết vẻ đẹp của nó.

Như lời bài hát “Ngẫu nhiên” mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Hòn đá lăn trên đồi/ Hòn đá rớt xuống cành mai/ Rụng cánh hoa mai gầy/ Chim chóc hót tiếng qua đời”...

Đến với thú chơi đá cảnh, có những hòn đá “lăn” vào cuộc đời anh, không đơn thuần là cuộc bán mua, mà giữ lại cho riêng mình, để mỗi lần nhìn ngắm lại thấy được khoảnh khắc an yên.

Mới đây, trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 - năm 2023 diễn ra tại Văn thánh Khổng Miếu (TP.Tam Kỳ) có hoạt động triển lãm đá cảnh, nhiều tác phẩm của Phan Út tìm kiếm, sưu tầm thu hút người xem. Đó là tác phẩm “Dáng làng” với bóng đa ẩn hiện; “Tháp cổ” khiến người xem hình dung bóng dáng Khu đền tháp Mỹ Sơn huyền ảo hay “Quan Âm thị hiện”, “Thác nguồn”… đều mang đến nhiều cảm xúc. Anh bảo, với đá cảnh, mình cảm như thế nào thì suy niệm hình tượng như thế ấy. Vì thế, tranh đá biến hóa muôn hình vạn trạng và có một sức hút đặc biệt.

Để tôn thêm vẻ đẹp của tác phẩm, anh còn mày mò tự học về mộc để tiện các đế gỗ trưng bày. Việc làm đế cũng phải tỉ mỉ, chọn màu gỗ cho phù hợp với màu đá để tạo sự đồng điệu. Với đá cảnh, nghề chơi cũng lắm công phu...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người tìm tranh trên đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO