Những bản tấu chói rạng lòng son

DUY HIỂN 14/11/2021 05:31

Với tiết tháo cương trực, tấm lòng tận trung được hun đúc bởi tư duy đổi mới và lòng yêu nước nhiệt thành, những tấu sớ của Phạm Phú Thứ dâng lên vua Tự Đức có văn phong rất riêng và giá trị  lịch sử, tư tưởng quý giá.

Sắc phong cử Phạm Phú Thứ đi sứ sang Pháp năm 1863 và bản vẽ kỹ thuật của các sách Tân thư do cụ Phạm cho dịch, khắc in.
Sắc phong cử Phạm Phú Thứ đi sứ sang Pháp năm 1863 và bản vẽ kỹ thuật của các sách Tân thư do cụ Phạm cho dịch, khắc in.

TS.Nguyễn Hoàng Thân - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho rằng: “Trong di sản thơ văn của cụ Phạm Phú Thứ, phần tấu chương là những văn liệu, sử liệu rất quý, giúp hậu thế hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử phức tạp của đất nước cũng như nhân cách của cụ Phạm”.

Năm 1850 khi đang khởi đầu quan lộ đầy triển vọng, Phạm Phú Thứ đã làm kinh động triều đình Huế với bản tấu can gián Tự Đức - vị vua trẻ vừa mới lên ngôi ham vui ca xướng, ngại rét mướt mà xao lãng công việc triều chính. Theo “Đại Nam liệt truyện”: lời lẽ trong tờ tấu không còn biết kiêng sợ”. Đấy cũng là duyên do khiến Phạm Phú Thứ bị cách hết chức vụ, đày đi làm phu cắt cỏ cho ngựa tại trạm dịch Thừa Nông.

Từ năm 1864 sau khi đi sứ sang Pháp về rồi lần lượt nhận các trọng trách Thượng thư Bộ Hộ, Bộ Binh, Phạm Phú Thứ đã viết loạt sớ tấu đề nghị triều đình thi hành các cải cách trên các lĩnh vực giáo dục, kinh tế và tăng cường binh bị… để thoát họa xâm lăng.

Về giáo dục, ông mạnh mẽ phê phán lối học khoa cử, rập khuôn làm thui chột nhân tài của đất nước: “Văn hiến nước nhà sinh sản nhân tài rất nhiều, nếu cứ dạy riêng một thứ dùng sách vở, thơ văn Trung Quốc, quá câu nệ về văn lý thì sợ rằng không thu dụng hết nhân tài”.

Ông đề xuất xây dựng những bộ sách, sử, địa lý, luật pháp, hội điển riêng của quốc gia, xây dựng học đường, tuyển chọn học trò, tổ chức khoa thi để thu dụng người tài. Ông còn đề nghị lập khoa thủy học, thuyền chính, tuyển dụng thanh niên thông minh, khỏe mạnh vào học để xây dựng thủy quân và đội thương thuyền, cho nghiên cứu xác lập các hải trình trên vùng biển nước ta và các nước lân cận nhằm phát triển kinh tế, bảo vệ biển đảo quốc gia.

“Cái yếu quyết làm cho quốc gia được mạnh mẽ, không gì lớn bằng đầy đủ binh bị, yếu quyết sinh tài không gì hay bằng nhân lên mối lợi”. Với quan niệm đó, từ đầu năm 1865 Phạm Phú Thứ liên tục dâng lên vua Tự Đức các đề nghị cải cách kinh tế như phát triển thủy lợi để phục vụ nông nghiệp, khuyến khích các nghề thủ công làm cho dân giàu nước mạnh, mở cảng biển Hải Ninh thuộc tỉnh Hải Dương cho tàu thuyền nước ngoài vào buôn bán, đẩy mạnh khai mỏ...       

Ông cũng đề xuất một chính sách mang tầm chiến lược là lập các đồn điền, mở chợ búa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền tây Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định, Hưng Hóa (Điện Biên ngày nay), cho lập lại chính sách thế tập tù trưởng… để vừa làm kinh tế đồng thời vừa củng cố căn cứ kháng chiến khi đất nước lâm sự.

Ông thuyết phục Tự Đức cho thi hành các cải cách để cứu vãn tình thế đất nước với lời lẽ rất thiết tha: “… Không nên tiếc phí tổn thực sự, cứ để cho hai bộ (Bộ Hộ, Bộ Binh - NV) được hết lòng thi hành phát triển, ba năm công việc xong xuôi, sáu năm sẽ thấy hiệu quả ứng nghiệm”.

Về ngoại giao, Phạm Phú Thứ cho rằng trong tình thế binh lực của ta quá yếu cần hòa hoãn với Pháp và học tập Xiêm La bằng cách mở cửa thông thương với các nước phương Tây để xóa thế bị cô lập trên trường quốc tế.

Trong bản tấu vào tháng 11.1867, ông viết: “… Lấy cái lợi ích của các nước lại thông thương buôn bán, sáng tỏ biện pháp hiện thời của các nước Xiêm La, Đại Thanh để phồn thịnh tài nguyên nước nhà và nuôi dưỡng ở bên trong, được anh em bạn bên ngoài để cho người ta muốn giúp đỡ bang giao thông hiếu”. Đến tháng 11.1873 ông lại đề xuất tìm kiếm con đường thiết lập quan hệ với chính phủ các nước Anh, Phổ để phá thế áp chế của Pháp.

Tổng cộng đã có 11 bản tấu trình và 20 lá thư mang nội dung cải cách được Phạm Phú Thứ gửi lên vua Tự Đức và các quan đại thần. Thế nhưng Tự Đức - một ông vua thông minh nhưng rụt rè lại vấp phải sự chống đối quyết liệt của các quan đại thần Cơ mật viện đầu óc thiển cận, sợ mất quyền lợi nên rốt cuộc các đề nghị canh tân của Phạm Phú Thứ hay Nguyễn Trường Tộ, Đinh Điền… đều bị bác bỏ hoặc chỉ thực thi nửa vời, mặc cho thời cơ trôi qua và tình thế đất nước ngày thêm nguy khốn.

Trong bối cảnh ấy Phạm Phú Thứ ngày càng sốt ruột và lo lắng cho vận mệnh quốc gia. Có thể thấy rõ tâm trạng đau đớn của ông qua một tờ tấu gửi vua Tự Đức: “Bây giờ quốc sự ngày một xấu đi… Ở vào các nước khác gặp phải công việc, tình trạng như thế đều có thể duy trì yên ổn, còn mình đây lại không thế, đột nhiên nửa đêm một mình đứng dậy nổi giận đùng đùng, có khi ngồi một mình lặng lẽ rớt nước mắt, vừa giận vừa khóc không biết nói gì…”.     

Đọc các bản tấu của Phạm Phú Thứ ta cũng hiểu thêm tấm lòng yêu nước sắc son, những nỗ lực gánh vác trọng trách quốc gia của cụ Phạm, bất chấp tấm thân già bệnh. Nhưng có lẽ vì tấm lòng tận trung phò vua giúp nước ấy mà cụ Phạm bị xếp vào phe chủ hòa của triều đình Huế. Sự thật có phải vậy không?

TS.Nguyễn Hoàng Thân phân tích: “Qua nghiên cứu các bản tấu của Phạm Phú Thứ, có thể khẳng định là cụ không chủ hòa. Đường lối cứu nước của cụ có ba phần rất rõ ràng. Thứ nhất là do nước ta lạc hậu cả về kinh tế, binh bị nên trước mắt phải hòa hoãn với Pháp, không gây sự hiểu lầm gì thêm để chúng có cớ lấn tới chiếm nốt các phần lãnh thổ còn lại. Thứ hai là nhanh chóng đặt quan hệ ngoại giao, mở cửa làm ăn với các nước phương Tây, kể cả với Pháp để phồn thịnh tài nguyên nước nhà, nâng cao sức mạnh quân sự.

Đến khi ta đủ mạnh sẽ đặt vấn đề với Pháp đề nghị đền bù kinh phí để họ rút khỏi những vùng đất đã chiếm. Nếu không được sẽ cáo yết với tôn miếu, xã tắc, bá cáo với dân chúng quyết không đội trời chung với giặc. Ông cũng phê phán đường lối chiến – hòa lúng túng của triều đình cũng như tư tưởng quyết đánh một trận dốc túi để tìm đến cái chết vẻ vang”.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng cho rằng: “Đối với Phạm Phú Thứ, điều quan trọng không phải chủ chiến hay chủ hòa mà quan trọng là bảo thủ hay đổi mới. Cứu nước theo cụ phải bằng con đường đổi mới canh tân. Đó là quan niệm đi trước thời đại”.

Năm nay tròn 200 năm ngày sinh Phạm Phú Thứ. Vị danh nhân xứ Quảng cần tiếp tục được tìm hiểu thấu đáo hơn - đó là ý kiến chung của nhiều nhà nghiên cứu. 

PGS-TS. Nguyễn Phong Nam - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng khẳng định: “Cụ Trúc Đường (hiệu của Phạm Phú Thứ - NV) là tác gia lớn, một diện mạo rất riêng trên văn đàn Trung đại Việt Nam. Đó là một nhân cách lớn mà chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu đầy đủ, công bằng. Không phải chỉ để tôn vinh cụ một cách xứng đáng mà quan trọng hơn để rút ra những bài học bổ ích cho công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hôm nay”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những bản tấu chói rạng lòng son
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO