Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa: Nhà báo nữ đầu tiên của đất Quảng

PGS-TS. NGUYỄN HỮU SƠN 20/06/2021 05:45

Không chỉ thể hiện tính năng động trong các hoạt động xã hội, nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa còn là một nhà báo, nhà văn có nhiều đóng góp với giới nữ, với quê hương xứ Quảng và với nền báo chí Việt Nam. 

Huỳnh Thị Bảo Hòa là tác giả nữ Việt Nam đầu tiên có tiểu thuyết bằng Quốc ngữ được xuất bản. Ảnh: Internet
Huỳnh Thị Bảo Hòa là tác giả nữ Việt Nam đầu tiên có tiểu thuyết bằng Quốc ngữ được xuất bản. Ảnh: Internet

​​Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896 - 1982), tên thật là Huỳnh Thị Thái, người làng Đa Phước (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng).

​Năm 1926, Phan Châu Trinh mất, bà cùng các trí thức ở Đà Nẵng (Phạm Doãn Điềm, Nguyễn Đình Thuần, Lê Đình Thám, Nguyễn Xương Thái...) tổ chức trọng thể lễ truy điệu và kêu gọi đóng góp xây dựng nhà thờ chí sĩ yêu nước.

Năm 1927, bà đứng ra thành lập Nữ công học hội Đà Nẵng (chi nhánh của Nữ công học hội Huế do nữ sĩ Đạm Phương sáng lập) và được bầu làm Hội trưởng. Thời kỳ toàn quốc kháng chiến, bà tham gia Hội Phụ nữ cứu quốc, từng cùng gia quyến tản cư, sau quay trở về Đà Nẵng. (Đặng Thị Hảo, 2004, “Huỳnh Thị Bảo Hòa”, Từ điển văn học (Bộ mới). Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.671-673).

Thẻ Thực nghiệp Dân báo ghi tên thật của bà, Huỳnh Thị Thái. (Ảnh tư liệu của soạn giả Trương Duy Hy).
Thẻ Thực nghiệp Dân báo ghi tên thật của bà, Huỳnh Thị Thái. (Ảnh tư liệu của soạn giả Trương Duy Hy).
 ​Huỳnh Thị Bảo Hòa có các tác phẩm nổi bật: “Tây phương mỹ nhơn” (2 tập, có tựa của Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Bùi Thế Mỹ; Nhà in Bảo tồn, Sài Gòn, 1927, 76 trang), “Huyền Trân công chúa” (Tuồng cải lương, Tiếng Dân xuất bản - Huế, 1927), “Bà Nà du ký” (Nam phong Tạp chí, số 163, tháng 6.1931), “Chiêm Thành lược khảo” (Có tựa của Phạm Quỳnh. Nxb Đông Tây - Hà Nội, 1936, 64 trang)…

Nói riêng trên phương diện ký giả, nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa mang đậm phong cách tư duy báo chí, ghi chép, ký sự trên cả bốn phương diện chủ yếu (sáng tác tiểu thuyết, khảo cứu dân tộc học, du ký và khơi nguồn thông tin qua các bài báo cụ thể).

​Nhà báo đa năng 

​Thực tế cho thấy Huỳnh Thị Bảo Hòa là nhà báo đầu tiên của xứ Quảng từng cộng tác với nhiều báo và có vị trí nhất định trong làng báo cả nước giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.

Trong lời giới thiệu “Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa – Người phụ nữ tiên phong trong phong trào Duy tân ở Việt Nam”, Thy Hảo Trương Duy Hy xác định: “Cùng với những cây bút thời ấy, bà nhận làm Thông tín viên cho Thực nghiệp Dân báo (Journal Quotidien - Hà Nội), đồng thời viết cho nhiều tờ báo khác như Nam phong tạp chí, An Nam tạp chí (Hà Nội), Tiếng Dân (Huế), Công luận báo, Đông Pháp thời báo, Phụ nữ Tân văn (Sài Gòn)”... 

​Thống kê sơ bộ trên Đông Pháp thời báo do Nguyễn Kim Đính sáng lập và điều hành ở Sài Gòn (1923 - 1929), chỉ trong năm 1927 đã thấy Huỳnh Thị Bảo Hòa cho in các bài: “Làm người phải biết chọn đường chánh mà đi” (số 536, ra ngày 21.1), “Người đàn bà nên học nghề nghiệp” (số 556, ra ngày 16.3), “Xem nam nữ cảm tưởng về Trưng Nữ Vương” (số 579, ra ngày 13.5), “Tư cách người đàn bà đối với chồng ngày xưa” (ký Huỳnh Nương, số 600, ra ngày 6.7 và 604, ra ngày 15.7), “Nữ lưu ta nên có lòng công ích” (số 605, ra ngày 18.7), “Một điều nên mừng” (số 546, ra ngày 2.12)...

​Về tầm vóc tư tưởng và phong cách viết báo của Huỳnh Thị Bảo Hòa, xin dẫn bài “Nữ lưu ta nên có lòng công ích”, trong đó bà phân tích vai trò cá nhân công dân, xác định quyền bình đẳng nam nữ, nhấn mạnh bài học kinh nghiệm từ nữ giới các nước Âu - Mỹ, Nhựt Bổn và đi đến đề xuất việc chọn người tài giỏi… Điều này xác nhận vốn tri thức, tài năng, nghệ thuật viết báo và vị thế nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa trong nền báo chí đương thời.

​Tiểu thuyết “Tây phương mỹ nhơn”

​Tiểu thuyết luân lý “Tây phương mỹ nhơn” của nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa mãi đến gần đây mới được sưu tập, xuất bản trở lại. Khởi đầu, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân giới thiệu chi tiết các phương diện tác giả, hoàn cảnh ra đời, nội dung, cốt truyện, nhân vật, hình thức nghệ thuật và vị trí văn học sử của tác phẩm (Lại Nguyên Ân, 2001, “Tây phương mỹ nhơn – Một cuốn truyện bị quên lãng 70 năm qua”, Tạp chí Văn học, số 6 (352), tr.81-86).

Ở đây chúng tôi chỉ tập trung phân tích, xác định đặc điểm phong cách báo chí trong Tây phương mỹ nhơn - tiểu thuyết đã từng được Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và Bùi Thế Mỹ đề tựa.

​Có hai vấn đề nổi bật thể hiện rõ nét phong cách báo chí trong “Tây phương mỹ nhơn”. Thứ nhất là tính thời sự phổ cập với mối quan tâm về đề tài gia đình, chuyện luyến ái, vợ chồng thuộc về phạm trù luân lý “tiết nghĩa”, “đức hạnh” hầu như đang trở thành một thử thách trong nhận thức xã hội về quan niệm, ý thức canh tân, hôn nhân và giới (như phụ đề sách đã chỉ rõ “luân lý tiểu thuyết”).

Thứ hai, xác nhận cốt truyện giàu tính hiện thực, trực diện, có địa chỉ rõ ràng và mối quan hệ luân lý chưa từng có tiền lệ, khác biệt, mới mẻ của kiểu hôn nhân bản xứ - thực dân, Việt - Pháp, Đông - Tây.

​Tương đồng với tiểu thuyết luân lý “Tây phương mỹ nhơn”, nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa còn cho in trên Đông Pháp thời báo các đoản thiên tiểu thuyết “Nhi nữ tạo anh hùng” (số 710-713, ra ngày 21.4.1928 đến 28.4.1928) và “Vì nghĩa quên mình” (số 781-785, ra ngày 13.10.1928 đến 23.10.1928) đều in đậm dấu ấn báo chí.

​Bà Nà du ký  

​Trong tác phẩm “Bà Nà du ký” in trên tạp chí Nam phong, nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa kể lại những điều mắt thấy tai nghe qua suốt nửa tháng du lịch - điều dưỡng trên núi Bà Nà. Với phụ đề Mấy ngày đăng sơn lên thăm núi “Chúa”, nữ sĩ nêu lý do cuộc du ngoạn cũng như các cách gọi tên và việc núi Bà Nà được vinh danh là núi Chúa (Nguyễn Hữu Sơn, 2007, “Lời giới thiệu”, Du ký Việt Nam – Tạp chí Nam phong, 1917-1934, Tập I. Nxb Trẻ, TP.Hồ Chí Minh, tr.11-23).

​“Bà Nà du ký” là tác phẩm báo chí xuất sắc của Huỳnh Thị Bảo Hòa và ngay năm sau đã được nữ sĩ cho in lại trên Phụ nữ tân văn nhằm giới thiệu với đông đảo bạn đọc phương Nam.

​Chiêm Thành lược khảo 

​Sáng tác của nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa chủ yếu dừng lại ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 với sự phong phú về thể loại và in đậm tư duy báo chí. Hy vọng trong thời gian tới, với sự hợp lực của nhiều người, nhiều cơ quan, sẽ có được bộ sách toàn tập tác phẩm đầy đủ hơn, xứng đáng với tên tuổi nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa và quê hương xứ Quảng.

​Có thể nói “Chiêm Thành lược khảo” là sách khảo cứu lịch sử đồng thời cũng là tác phẩm du ký, du khảo. Ngay từ Mấy lời nói đầu, nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa đã nhấn mạnh đặc tính “một cuộc du lịch”, “ta thấy rải rác những dấu tích của nước Chiêm Thành”, “Tôi được hân hạnh ở gần Tàng cổ viện, lại từng đi quan chiêm các nơi di tích (…), lại xem các sách (…), sưu tập lại làm một thiên gọi là bước đầu về cuộc khảo cổ học” (Thy Hảo Trương Duy Hy). 

​Phong cách báo chí, dấu ấn ký giả, tiếng nói chủ thể tác giả trong “Chiêm Thành lược khảo” thể hiện rõ nhất ở đặc điểm truyền thông, chú dẫn đầy đủ các nguồn tài liệu và ghi nhận những điều tai nghe mắt thấy.

Tác phẩm coi trọng thể hiện sự thật và tính chất hỗn dung thể loại, vừa có ý nghĩa văn chương vừa là những tư liệu khảo sát, điền dã, ghi chép sinh động về địa lý, khảo cổ, mỹ thuật, phong tục tập quán, góp phần giúp độc giả và khách du lịch thời hiện đại hiểu rõ hơn lịch sử ngàn năm cũng như tái hiện cảnh quan và đời sống người dân vùng đất xứ Quảng và Nam Trung Bộ cách nay đã gần một thế kỷ.

​Cần nhấn mạnh phong cách báo chí và dấu ấn ký giả Huỳnh Thị Bảo Hòa ở vai trò thể hiện diễn ngôn người quan sát, phản ánh, truyền thông với những chi tiết cụ thể, sinh động, trong đó nhiều chương đoạn thể hiện như là thủ pháp ghép nối những chuyến đi, những cảnh quan, những vùng đất với nhau. Lại cần chú ý thêm hiện tượng có tác phẩm du ký vốn in báo từ nhiều năm trước như “Đi viếng Chiêm Thành bảo tàng viện” đã được chuyển hóa, tích hợp vào trong sách này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa: Nhà báo nữ đầu tiên của đất Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO