Thao thức một tiếng chuông

HỨA VĂN ĐÔNG 09/09/2022 08:50

Từ đầu thế kỷ 20, nhiều bậc thức giả đã thao thức với vận mệnh dân tộc và gióng lên những tiếng chuông tỉnh thức. Tiếng chuông ấy, theo thời gian, được cộng hưởng từ nhiều thế hệ...

Một vài tác phẩm có chứa đựng, bàn về sự tỉnh thức trong tư tưởng Phan Châu Trinh và các nhà cách mạng khác. Ảnh: H.X.H
Một vài tác phẩm có chứa đựng, bàn về sự tỉnh thức trong tư tưởng Phan Châu Trinh và các nhà cách mạng khác. Ảnh: H.X.H

1. Khi cụ Phan Châu Trinh ra Hà Nội diễn thuyết năm 1907, “Tỉnh quốc hồn ca I” ra đời và bài ca này được dùng làm tài liệu giảng dạy tại Trường Đông Kinh nghĩa thục. Tính ra, đã có độ lùi hơn trăm năm so với thời buổi nhìn đâu cũng thấy mê lạc với mộng khoa cử, mộng quan trường, rất cần tỉnh giấc để đi theo con đường tự lập, tự cường.

Bởi vậy, “Tỉnh quốc hồn ca I” mở đầu bằng những câu tha thiết: “Ngồi mà nghĩ dư đồ Hồng Lạc/ Ta cũng là một nước Á Đông/ Xưa nay vẫn có anh hùng/ Dọc ngang trời đất, vẫy vùng non sông (…)».

Ngót 400 câu thơ song thất lục bát tiếp theo là các “cơn mê” được gọi tên trong từng trường đoạn thơ, nào dám chết vì nghĩa, chí mạo hiểm, đoàn kết thương yêu nhau, tang ma giản dị, cải tiến máy móc, làm việc vì nước vì dân… Đủ thấy, cụ Phan rất bao quát cuộc sống.

Cụ đả phá chuyện mê tín dị đoan ở những năm đầu thế kỷ 20 mà đến nay vẫn thấy có thể đánh động nhiều người, “Việc gì cũng cầu Trời khấn Phật”. Có lúc thấy cụ chùng xuống, “Một tí lợi tranh nhau chảy máu” (câu 153). Có khi chua chát về chuyện tang ma rườm rà tốn kém, “thói chi mà bạc ác” (câu 254). Ở câu thứ 341, cụ rất “thời sự” khi bình phẩm trò bài bạc bê tha là “thói dã man đệ nhất”.

Sang “Tỉnh quốc hồn ca II” (được cho là viết năm 1922, dài hơn 500 câu), cụ Phan mở rộng góc nhìn khi ngẫm ngợi về dân tộc, về nhà Nguyễn ngu dốt, về thực dân Pháp lừa phỉnh và bóc lột, đàn áp… Nhưng tựu trung, vẫn nghe rõ tiếng chuông lay gọi.

Huyện Phú Ninh tổ chức trưng bày sách kỷ niệm 150 năm Ngày sinh chí sĩ Phan Châu Trinh. Ảnh: VHPN
Huyện Phú Ninh tổ chức trưng bày sách kỷ niệm 150 năm Ngày sinh chí sĩ Phan Châu Trinh. Ảnh: VHPN

Giáo sư Chương Thâu khi nghiên cứu Tỉnh quốc hồn ca đã nhận xét đấy chính là công trình bao quát hơn cả so với các tác phẩm về giáo dục của cụ Phan Châu Trinh. Ông không đồng tình với ý kiến chỉ xem đây là một bài ca cổ động trong phong trào Duy tân, mà đáng được lưu ý nhiều hơn. Ấy bởi tư tưởng dân tộc, tư tưởng dân chủ được dồn nén trong những câu thơ vần.

2. Tỉnh thức cứ trở đi trở lại trong sáng tác và hành động của con người cải cách như Phan Châu Trinh. Lịch sử khoa cử và văn chương Việt Nam vẫn sẽ nhắc đến kỳ khảo hạch ở trường thi Bình Định năm 1905, vì liên quan đến 3 nhân vật tầm vóc: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp.

Thời điểm ấy, cả ba đang phát động phong trào Duy tân, khi đi ngang qua trường thi Bình Định gặp kỳ khảo hạch thì liền cải trang và mạo danh để tham gia. Lúc đó, hai cụ Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng làm bài phú “Lương ngọc danh sơn”, còn cụ Phan Châu Trinh làm bài thơ “Chí thành thông thánh”, tất cả viết dưới tên giả: Đào Mộng Giác.

Vì sao lại là Đào Mộng Giác? Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng, họ Đào là họ lớn ở Bình Định (họ của Đào Tấn, người Bình Định, đang làm quan lớn); Mộng Giác là “thấy được giấc mộng của mình”. Lúc đó, Đốc học Bình Định là tiến sĩ Hồ Trung Lượng có tang mẹ ở quê Duy Xuyên (Quảng Nam) nên chủ khảo được vị quan án sát thay thế. Nhưng sau đó, đọc “Chí thành thông thánh”, tiến sĩ Hồ Trung Lượng vẫn biết tác giả là Phan Châu Trinh, nhưng ông chỉ tiết lộ chuyện này với người bạn là tiến sĩ Phan Quang. Chi tiết này, trong cuốn «Quảng Nam - đất nước & nhân vật” mục viết về Phan Châu Trinh, nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng cẩn thận ghi chú là “theo giáo sư Phan Khoang”. Phan Khoang, tác giả “Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777”, là con trai tiến sĩ Phan Quang (một trong 3 vị tiến sĩ cùng với 2 vị phó bảng của khoa thi 1898 làm nên danh tiếng đất “ngũ phụng tề phi” của xứ Quảng).

Theo nhiều tư liệu, nhà thơ Quách Tấn trong “Hương vườn cũ” dẫn lời các vị văn sĩ tiền bối để khẳng định bài thơ “Chí thành thông thánh” là của cụ Phan Châu Trinh. Trong hồi ký phong trào dân biến ở Trung kỳ, nhân phê bình nội dung bản án khép tội của quan tỉnh Quảng Nam, cụ Phan lần lượt đề cập 15 điều “không thể hiểu” và 4 “điều gian”.

Ở điều “không thể hiểu” thứ 9, cụ có kể lại vụ sát hạch ở Bình Định này kèm 2 câu trích dẫn trong bài thơ đó (dịch nghĩa): “Cứ chịu mắng nhiếc hàng trăm năm như vậy,/ Lại chẳng biết ngày nào ra khỏi chuồng lồng cho được”. Tuy nhiên, khi nhắc đến chuyện này, cụ bảo một cách phiếm chỉ là “có người làm bài thi để chế nhạo”. Tức không trực tiếp nhìn nhận mình là tác giả.

Dù thế nào thì cụ Phan đã cùng nhóm “Đào Mộng Giác” kia đã muốn đánh thức những ai “đang ngủ mê trong giấc mộng văn chương bát cổ”. Vậy là có thêm một giấc mộng nữa, nhưng là mộng tỉnh, mộng giác.

3. Lá thư do cụ Phan Châu Trinh viết ở Marseille (Pháp) ngày 18.2.1922 “gửi cho anh Nguyễn Ái Quốc” (Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ) cũng đề cập câu chuyện “tỉnh giấc hôn mê”.

Chuyện tỉnh giấc ấy được cụ Phan nhắc ở đoạn gần cuối thư, như một lời gửi gắm sâu xa: “Bây giờ, thân tôi tợ chim lồng cá chậu. Vả lại, cây già thì dễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong, mà hơi tàn cũng gào cho hả dạ, may ra có tỉnh giấc hôn mê. Còn anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa (…)”.

Thế đấy, người cá chậu chim lồng mà vẫn không nguôi với cảnh nước cảnh nhà.

Trong bức thư này, có thêm một người được nhắc đến nữa: Phan Bội Châu. Đây cũng là một con người luôn ấp ủ giấc mộng lớn. Không chỉ có “Bài ca chúc Tết thanh niên” viết năm 1927 như một lời đáp từ giới học sinh ở Huế đến chúc thọ 60 tuổi, mà trước đó hơn 20 năm, chính cụ Phan Bội Châu cũng đã đánh động những ai đang mê ngủ với “Hải ngoại huyết thư” (Sách viết bằng máu từ nước ngoài gửi về). Ngay câu đầu tiên trong bản Hán văn thể phú này đã gây chú ý (dịch nghĩa): “Lạ thật; Lạ thật! Người nước ta ngày nay còn chìm đắm trong giấc ngủ miên man, còn rúc sâu vào trong cái túi ngu dại cuồng si”.

Khi bài phú này chuyển thành thơ Nôm, mối lo đồng bào “cao miên thâm nang (dịch nghĩa: chìm đắm trong giấc ngủ miên man, rúc sâu vào trong cái túi ngu dại)” càng dễ cảm nhận qua những câu thơ song thất lục bát của cụ Từ Long Lê Đại: «Người nước ta lạ là rất lạ,/ Nông nỗi này nghĩ đã biết chưa?/ Hay còn mê mẩn mơ hồ?/ Hay còn hớn hở như trò chuyện chơi?”

Càng lùi xa, tiếng chuông tỉnh thức kia càng vang động...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thao thức một tiếng chuông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO